Dòng sự kiện:
Kẻ 'ngáo đá' khống chế nữ nhân viên ở Huế: Kỹ năng đối phó như thế nào?
30/05/2018 08:33:43
Thạc sỹ tâm lý Hoàng Trọng Đài, một chuyên gia về kỹ năng sống ở Thừa Thiên - Huế đã có những chia sẻ về kỹ năng đối phó khi bị đối tượng 'ngáo đá' khống chế.

Như tin đã đưa, sáng 29/5, một nam thanh niên biểu hiện dùng ma túy đã xông vào khuôn viên Công ty cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế, trên đường Bùi Thị Xuân, phường Đúc, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) khống chế uy hiếp 1 nhân viên nữ.

Thời điểm đối tượng khống chế nữ nhân viên.

Rất may, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã giải cứu thành công nữ nhân viên. Tuy nhiên, qua vụ việc càng thấy rõ về sự nguy hiểm của những đối tượng "ngáo đá".

Vậy, trong tình huống bị đối tượng bị ảo giác khống chế, chúng ta cần phải làm gì để được an toàn?

Trao đổi với PV, Thạc sĩ tâm lý Hoàng Trọng Đài, một chuyên gia về kỹ năng sống ở Thừa Thiên – Huế chia sẻ, ma túy đá là loại ma túy gây ảo giác, là tên “lóng” gọi chung cho các loại ma túy tổng hợp có chứa chất methamphetamine, amphethamine hoặc niketamid, trong đó thành phần chiếm tỷ lệ cao nhất là methamphetamine.

Mặc dù không gây nghiện tức thời nhưng về lâu dài, người "đập đá" thường xuyên sẽ bị nghiện dai dẳng, khó bỏ và hậu quả tàn phá về sức khỏe và tâm lý rất nặng nề.

Thông tin kẻ "ngáo đá" trèo lên cột điện, nhảy múa trên nóc nhà, giết người, gây tai nạn giao thông, khống chế người khác… đã không lạ lẫm trên các mặt báo.

Những biểu hiện của kẻ "ngáo đá" thường là bộ mặt bơ phờ nhớn nhác, ngáo ngơ, mất tập trung; cáu bẳn, dễ bị kích động. Đặc biệt, khi bị "ngáo", đối tượng có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như: nói lảm nhảm, la hét, đập phá, leo trèo, hung hãn…

Thạc sĩ Hoàng Trọng Đài trong một tình huống giả định dạy về kỹ năng thoát hiểm cho trẻ em khi bị xâm hại.

Thạc sĩ Hoàng Trọng Đài khuyến cáo, trong trường hợp, gặp kẻ "ngáo đá" ở nơi công cộng như công viên, siêu thị, quán cà phê… thì cần di chuyển đến nơi an toàn, tránh xa đối tượng, không hiếu kỳ đứng xem, xen vào đám đông tò mò.

Nếu bất ngờ bị đối tượng khống chế như nữ nhân viên ở Huế mà không kịp chạy thoát, chống trả thì cần phải tuân theo, làm theo yêu cầu của đối tượng, phải bình tĩnh không được la hét, gào khóc. Việc la hét sẽ càng làm cho đối tượng dễ bị kích động và dễ có hành vi nguy hiểm gây thương tích.

Đến khi đối tượng có biểu hiện "hạ hỏa" thì cần phải nhẹ nhàng, hỏi thăm đối tượng có nhu cầu, trợ giúp gì, không nên cầu xin đối tượng tha cho mình. Sau khi bằng việc hỏi han để đối tượng tâm sự, nói ra mong muốn, bình tĩnh trở lại, nạn nhân sẽ chờ cơ hội để chạy thoát thân hoặc để lực lượng chức năng ứng cứu.

Trong trường hợp nạn nhân bị kẻ "ngáo đá" túm tóc như tình huống xảy ra với nữ nhân viên ở Huế thì muốn chạy thoát chỉ cần nắm chặt tay, đồng thời giơ cao lên rồi xoay 180 độ và đánh mạnh xuống tay đối phương. Sau đó, nhanh chóng thoát khỏi sự khống chế của đối tượng.

Tuy nhiên, trường hợp nhận thấy đối tượng "ngáo đá" quá hung hãn, bản thân nạn nhân yếu thế hơn thì tuyệt đối không nên có hành vi chống trả hoặc bỏ chạy.

Liên quan đến thông tin tình trạng sức khỏe tâm lý của nữ nhân viên sau khi bị kẻ "ngáo đá" khống chế vẫn còn hoảng sợ, Thạc sĩ Hoàng Trọng Đài chia sẻ, người thân, đồng nghiệp không nên nhắc lại nhiều đến tình huống gặp nạn mà nên có những lời động viên, chia sẻ để xoa dịu sự hoảng loạn. Đồng thời, tạm thời để nạn nhân ít tiếp xúc với bên ngoài.

Ở một diễn biến khác, thông tin từ Công an TP Huế cho biết, đối tượng khống chế nữ nhân viên được xác định danh tính là Ngô Thanh Tĩnh (37 tuổi), trú ở phường Vỹ Dạ, TP Huế. Tên này đã có 2 tiền án, trong đó có tiền án về tội Buôn bán trái phép chất ma túy.

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến