Dòng sự kiện:
Kéo dài tiến độ IPO Agribank, giảm sở hữu Nhà nước tại BIDV?
21/11/2018 12:24:55
Việc giám định lại hơn 4 triệu m2 đất Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) quản lý vẫn đang được triển khai và có thể kéo dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa.

Việc cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và kế hoạch giảm sở hữu Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID, BIDV) đã được đề cập tại buổi họp báo chuyên đề tháng 11 của Bộ Tài chính.

Buổi họp báo Chuyên đề của Bộ Tài chính

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp cho biết, để tiến hành cổ phần hóa Agribank, từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã làm việc nhiều lần với ngân hàng để bàn cách thức giảm định xử lý liên quan đến 4 triệu m2 đất do nhà băng này quản lý. Bộ đã đề nghị ngân hàng thực hiện theo đúng luật đất đai và triển khai ngay để khi chốt cổ phần hóa 1/1/2019 thì phương án đầy đủ, mọi thủ tục đã hoàn tất. Ngân hàng cần phải nắm được vị trí từng bất động sản, khu nào có giấy phép sở hữu, khu nào chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng. Sau đó ngân hàng sẽ đưa các giấy tờ này cho UBND xác nhận, khu đất có quy hoạch, khu đất nào cần thu hồi, đồng thời định lại giá trị của các bất động sản. Quá trình này vẫn đang được triển khai và có thể kéo dài.

Theo ông Tiến, cổ phần hóa là quá trình chuyển đổi từ sở hữu Nhà nước sang đồng sở hữu bởi nhiều chủ thế. Vì vậy, trước khi tiến hành cổ phần hóa cần xác định rõ lại tài sản Nhà nước và tài sản doanh nghiệp, ngân hàng. Trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp phải tuân thủ và thực hiện đúng theo luật đất đai. Ông Tiến cho rằng đây là công việc tốn nhiều thời gian do phải qua các UBND các tỉnh, thành phố xác nhận và các doanh nghiệp, ngân hàng cần phải chuẩn bị trước để đảm bảo tiến độ cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng đề cập đến việc giảm sở hữu Nhà nước tại BIDV thông qua chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư hoặc phát hành cổ phiếu mở rộng quy mô, giữ nguyên vốn của Nhà nước.

Đến nay, BIDV đã xác định phương án tăng vốn bằng việc phát hành khoảng 603,3 triệu cp, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại (34.187 tỷ đồng) và 15% quy mô vốn điều lệ sau phát hành. Nếu thực hiện thành công, BIDV sẽ nâng mức vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đã từng thừa nhận sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo đó, phương án chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sớm nhất phải đến năm 2020 mới có thể làm.

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12 - 15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn trở lên; có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á.

Cùng với đó, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên 12 - 13%; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu, đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước (không bao gồm Agribank) phải tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các ngân hàng thương mại Nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đối với Agribank, Thủ tướng yêu cầu ngân hàng này tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại theo mô hình ngân hàng thương mại đa năng; triển khai cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và bảo đảm Nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến