Dòng sự kiện:
Kết hợp linh hoạt các chính sách vĩ mô để đạt mục tiêu
17/10/2018 21:03:02
Lạm phát được kiểm soát, giữ vững ổn định tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế

Hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu

Báo cáo tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 và 3 năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhờ có tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực. Năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH 5 năm đã đề ra (trong đó, đã có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm).

Lạm phát được kiểm soát, giữ vững ổn định tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn ổn định và an ninh quốc gia. Lạm phát được kiểm soát, liên tiếp 3 năm CPI đạt dưới 4%; giữ vững ổn định tỷ giá, lãi suất, đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống các TCTD, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện. Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ước đạt 40,23%, năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng cao hơn giai đoạn 2011-2015, ước đạt 5,55%...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế như tiến độ thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020 nhìn chung còn chậm; mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ; tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao (trên 70%), xuất khẩu nông sản chưa thực sự bền vững...

Ghi nhận những thành quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng năm 2018, mục tiêu tổng quát đề ra cơ bản đã đạt và vượt, có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý những rủi ro, tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ. Ở trong nước, các rào cản và thủ tục hành chính và công tác chỉ đạo, điều hành ở một số nơi khiến người dân và DN vẫn còn kêu ca, có dự án doanh nghiệp theo đuổi nhiều năm vẫn chưa thực hiện được.

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phân công các Bộ chuẩn bị kỹ các báo cáo để phân tích, giải trình thuyết phục trước Quốc hội, như: Vì sao năng suất lao động năm nay không bằng năm trước; thu ngân sách ở 3 khu vực FDI, DNNN, tư nhân đều chưa đạt dự toán; GDP tăng nhưng chưa bền vững…

Triển vọng kinh tế 2019 tiếp tục khả quan

Nhận định về tình hình KT-XH năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bức tranh chung, xu thế tích cực là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, cũng cần lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức, trong đó lớn nhất là thách thức đến từ bên ngoài như sức ép về lãi suất đồng đôla Mỹ, giá dầu thô và giá cả hàng hóa thế giới tăng, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng… sẽ tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong nước.

Bên cạnh đó, từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, nhất là cam kết mở cửa, hội nhập... mặc dù mang lại cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài, nhưng đồng thời, cũng là áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất, kinh doanh trong nước.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát 2019: Tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả CMCN 4.0…

Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ sẽ tập trung vào giải pháp chủ yếu như: củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Trong đó tập trung: điều hành giá cả thận trọng; kết hợp hài hòa, linh hoạt các chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, chống thất thu; đẩy mạnh hơn nữa rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn nữa trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về CMCN 4.0.

Năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,6-6,8%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến