Dòng sự kiện:
Kết nối ngân hàng thời số hóa
28/11/2018 15:17:22
Một số NHTM đã tạo ra những bước chuyển biến mới cho chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng những hợp tác đồng hành, cùng xây dựng thương hiệu, cùng tìm kiếm và chia sẻ nguồn khách hàng.

Theo thống kê của NHNN tính đến giữa năm 2018, hệ thống ngân hàng trên cả nước đã tổ chức khoảng 310 buổi gặp gỡ đối thoại giữa ngân hàng và DN. Thông qua những buổi gặp gỡ, trao đổi này các TCTD đã cam kết cho vay mới đối với cộng đồng DN khoảng hơn 600.000 tỷ đồng. Tính chung cả nước đã có khoảng 35.000 DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thông qua chương trình kết nối do ngành Ngân hàng khởi xướng.

Số hóa sẽ gia tăng khả năng kết nối ngân hàng – DN

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập như hiện nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn mong muốn có nhiều hơn các DN tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng giá rẻ. Thống kê của VCCI cả nước hiện có đến 50% các DNNVV dù có nhu cầu vay vốn nhưng vẫn khó tiếp cận các NHTM để được cấp vốn phát triển các phương án sản xuất - kinh doanh. Nguyên nhân chính dẫn tới các DNNVV khó tiếp cận được nguồn vốn là vì mô hình kinh doanh của đa số các DN chưa bền vững, nguồn tài sản thế chấp không lớn, trong khi thương hiệu và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không đủ sức thuyết phục để các NHTM mạo hiểm đầu tư.

Nhận thức được những nút thắt này, trong vòng vài năm trở lại đây, nhiều NHTM đã chủ động tiến thêm một bước trong hoạt động kết nối giữa ngân hàng và các DN khách hàng. Theo đó, một số TCTD (chẳng hạn VPBank) đã trực tiếp hợp tác với VCCI mở ra các khóa đào tạo ngắn hạn cho cộng đồng DNNVV. Tại những khóa đào tạo này phía ngân hàng hỗ trợ DN hoàn thiện các kỹ năng bán hàng, kỹ năng marketing, lập kế hoạch kinh doanh, nâng cao kỹ năng quản lý DN và minh bạch hóa báo cáo tài chính.

Song hành sát cánh hơn cùng với DN, một số NHTM khác, chẳng hạn Maritime Bank, SHB, MB… thậm chí còn lập ra những ứng dụng liên kết và chia sẻ khách hàng trên các nền tảng kỹ thuật số. Đơn cử, tại Maritime Bank, mặc dù ứng dụng JOY-Maritime Bank mới được đưa vào áp dụng từ đầu năm 2018, nhưng đến nay đã có hàng ngàn DN tham gia liên kết và phối hợp.

Đại diện Maritime Bank cho biết, với ứng dụng này ngân hàng không chỉ hỗ trợ về vốn cho DN mà còn “xắn tay” cùng DN trực tiếp thực hiện các bước xây dựng thương hiệu như hỗ trợ DN xây dựng website để có điểm đến thông tin uy tín, mang thương hiệu DN quảng bá trên những kênh truyền thông uy tín và hiệu quả nhất hiện nay như Facebook, Google, màn hình thang máy tòa nhà hay tại sân bay…

Trong khi đó, với sản phẩm đồng thương hiệu 1Office, MB và CTCP WorkWay đã tạo ra một sân chơi chung, đáp ứng các nhu cầu quản trị DNNVV một cách tổng thể. Ứng dụng 1Office của MB cho phép các DN khách hàng thực hiện các nghiệp vụ quản lý nhân sự (quản lý chấm công, tính lương…) và thực hiện tất cả các tính năng, sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, giúp DN tiết kiệm chi phí quản lý và minh bạch tài chính.

Các chuyên gia tài chính – ngân hàng đánh giá, sau khi phát triển mạnh các giải pháp kết nối cơ học truyền thống, xu hướng kết nối số hóa sẽ là xu hướng mà các NHTM tập trung thúc đẩy để hỗ trợ, duy trì và phát triển khách hàng. Trong bối cảnh hợp tác giữa ngân hàng và DN ngày càng trở nên chặt chẽ và có sự ràng buộc về lợi ích sòng phẳng thì các NHTM sẽ phải đẩy mạnh cạnh tranh cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ kết nối số hóa để giữ chân khách hàng DN. Khi đó, hoạt động kết nối không chỉ dừng lại ở việc cung ứng, tài trợ vốn tín dụng mà cả ngân hàng và DN sẽ phải hỗ trợ lẫn nhau tìm kiếm khách hàng, xây dựng các kênh truyền thông hiệu quả và phát triển các giá trị đồng thương hiệu mang tính bền vững.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến