Dòng sự kiện:
Khách gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm, lãi suất cao có phải tất cả?
21/02/2023 11:05:09
Theo chuyên gia, có 2 lý do khiến nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách chưa chuẩn: Một là họ không được đào tạo đủ thông tin tư vấn, hai là họ vì cơm áo gạo tiền. Trách nhiệm thì thuộc về 3 bên.

Gửi tiết kiệm là một trong những sản phẩm huy động vốn phổ biến nhất của các ngân hàng và cũng được đánh giá an toàn nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhiều khách hàng phản ánh tình trạng gửi tiết kiệm lại "biến hóa" thành mua chứng chỉ quỹ, trái phiếu, bảo hiểm… Một số vụ việc xảy ra gần đây nhận được quan tâm như việc khách hàng SCB gửi tiền thành mua bảo hiểm của Manulife…

Việc vô tình hay cố ý biến tiền gửi của những khách hàng không hiểu rõ các sản phẩm tài chính sang mục đích huy động tiền gửi khách gây ảnh hưởng nhất định tới khách hàng. Ngoài ra, ngân hàng là nơi có thể cung cấp những sản phẩm tài chính, nhưng trách nhiệm của "người môi giới" trong những trường hợp này sẽ ra sao?

Chuyên gia tư vấn tài chính Nguyễn Thanh Minh, Thành viên ban điều hành hoạch định tài chính cá nhân của Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, Tổng giám đốc OneSecond Việt Nam, chia sẻ với Dân trí về việc gửi tiết kiệm ngân hàng thế nào cho chuẩn.

Gửi tiết kiệm khác các sản phẩm tài chính khác ra sao?

Thực tế, vài năm trở lại đây, nhân viên ngân hàng không đơn thuần "sống" vào dịch vụ huy động tiết kiệm và cho vay. Ngành ngân hàng ngày càng bán chéo nhiều sản phẩm tài chính hơn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ, chứng chỉ quỹ… Chúng ta cần phân biệt các sản phẩm tài chính này sao cho chuẩn?

- Người Việt Nam vốn đã quen với hình thức gửi tiết kiệm. Từ xưa, các cụ cũng đã biết gửi tiết kiệm vào ống heo. Sau này, khi có kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, người dân gửi vào đó nhiều hơn nhưng phần đông lại chỉ nhận biết gửi tiền vào ngân hàng, hết kỳ hạn rút ra cả gốc và lãi mà chưa hiểu hết về tính chất loại hình gửi tiết kiệm.

Thực tế, các ngân hàng là huy động tiền gửi của người dân, doanh nghiệp, sau đó lại dùng tiền để cho vay. Thông thường, lãi suất tiền gửi sẽ thấp hơn lãi suất cho vay, và phần chênh lệch đó tạo ra lợi nhuận. Người dân mua sản phẩm tài chính thường tiếp cận góc nhìn cá nhân hơn là hiểu về bản chất.

Còn chứng chỉ tiền gửi là chứng nhận nợ của các tổ chức tín dụng. Sau một thời gian, ngân hàng cũng phải trả lại khách hàng cả gốc và lãi. Thông thường, lãi suất cho chứng chỉ tiền gửi sẽ cao hơn gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó, trong khi gửi tiết kiệm thường gửi kỳ hạn ngắn, kỳ hạn cho chứng chỉ tiền gửi phổ biến lại lên tới 14-18 tháng.

Trong khi đó, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp hoặc chính phủ với người nắm giữ. Trái phiếu có nhiều loại. Có trái phiếu do chính ngân hàng phát hành để tăng vốn - bản chất gần giống gửi tiết kiệm, khá an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn một loại trái phiếu khác do ngân hàng phân phối cho các doanh nghiệp… Lúc đó, ngân hàng chỉ là bên môi giới, không chịu trách nhiệm với việc hoàn tiền nếu các sản phẩm tài chính xảy ra những vấn đề không thể đoán định chẳng hạn doanh nghiệp vỡ nợ không đủ khả năng trả lãi trái phiếu.

Bảo hiểm không phải là sản phẩm đầu tư mà là dạng sản phẩm để khi gặp rủi ro sức khỏe, tính mạng… được đền bù phần tiền ký trong hợp đồng để chữa bệnh, khám bệnh… Nếu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm với mục đích đầu tư, thì lợi nhuận sẽ kém hơn các kênh đầu tư khác

Theo ông thì rút tiền ở các sản phẩm tài chính này có sự khác biệt gì?

- Khi rút tiền, khách hàng cần để ý đến khả năng rút tiền theo kỳ hạn của các sản phẩm tài chính. Chẳng hạn nếu rút tiết kiệm phần tiền gửi với kỳ hạn ngắn thường sẽ nhận mức lãi suất thấp.

Các sản phẩm tài chính như chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ, trái phiếu được nhận về lãi suất đảm bảo còn cổ phiếu thì không. Trong khi đó, khi mua bảo hiểm, có 2 hình thức sẽ được nhận tiền về. Thứ nhất là không may gặp rủi ro sức khỏe thì sẽ kích hoạt điều kiện để khách hàng thụ hưởng. Còn nếu không gặp rủi ro, bất kỳ thời điểm nào khách hàng cũng có thể được rút ra. Tuy nhiên, khi rút ra, phần tiền nhận về sẽ phải trừ nhiều loại chi phí như phí quản lý, bảo vệ rủi ro, phí khấu trừ ban đầu…

Nhân viên ngân hàng có nhận chỉ đạo từ cấp trên?

Tại sao lại xảy ra hiện tượng nhân viên ngân hàng nhập nhằng khi tư vấn tiền gửi và biến phần tiền gửi thành mua chứng chỉ quỹ, trái phiếu, bảo hiểm…?

- Hiện nước ta có khoảng 300.000 người tư vấn bất động sản, 50.000 nhân viên tư vấn chứng khoán, khoảng 900.000 đại lý tư vấn bảo hiểm… Con số tương đối lớn và bên cạnh nhiều nhân viên tư vấn có kiến thức, có tâm vẫn còn nhiều người đôi khi chỉ nói một nửa sự thật - cái gì tốt thì nói và giấu những phần hạn chế mà trong bảo hiểm gọi là điều khoản loại trừ.

Tất cả công ty bán sản phẩm tài chính đều kiếm doanh thu và lợi nhuận bằng cách bán sản phẩm. Nếu nhân viên không bán được sẽ không đạt KPI. Tôi biết có trường hợp nhân viên mới 3 năm tuổi nghề nhưng một tháng phải huy động 4 tỷ đồng tiền tín dụng, vài trăm triệu đồng tiền bảo hiểm… Các nhân viên buộc phải tư vấn bán sản phẩm để đạt KPI nhưng đôi khi họ không được đào tạo để tìm người thực sự có nhu cầu mua mà chỉ "bơm" thông tin cho khách hàng mua sản phẩm để có lợi nhuận.

Việc tư vấn thiếu thông tin dẫn đến việc khách hàng lựa chọn sai sản phẩm tài chính đơn giản là sự vô tình hay có phải cố ý làm sai?

- Về chuyên môn tư vấn làm nghề, nếu tư vấn tới khách hàng không đủ thông tin thì chỉ có 2 lý do. Thứ nhất, có thể những nhân viên này không được đào tạo đủ thông tin tư vấn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vì cơm áo gạo tiền nên chỉ tập trung doanh số chứ không tập trung vào chất lượng, dẫn đến tình trạng trên.

Có nhiều ý kiến phản ánh đến Dân trí là bản thân nhân viên ngân hàng không đủ tự tin để tư vấn như vậy mà có chỉ đạo từ cấp trên. Ông nghĩ sao trước ý kiến này?

- Trong một định chế tài chính có môi giới bán sản phẩm tài chính của công ty khác thường có 3 tầng cấp: chỉ đạo cấp cao, quản lý trung gian và người môi giới. Cấp cao đôi khi chỉ đạo chỉ có con số về doanh số cần đạt. Họ áp số nhưng chưa đưa một công cụ để người môi giới có thể giao tiếp với khách hàng. Khi áp lực doanh số đổ xuống dưới, chính người môi giới phải nghĩ cách bán sản phẩm. Nhiều nhân viên rơi vào thế bí làm liều. Tất nhiên không phải tất cả đều như vậy nhưng chắc chắn có.

Việc nhập nhằng dẫn đến mua sai sản phẩm tài chính mong muốn, khách hàng sẽ gặp rủi ro gì?

- Thực tế, chính người dân được lợi khi có cơ hội tiếp xúc với nhiều sản phẩm trên thị trường tài chính. Nhưng họ cũng là những người dễ bị tổn thương nhất khi chưa chủ động trang bị kiến thức và cũng không được tạo điều kiện để tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, minh bạch.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm đến trách nhiệm của những người mua các sản phẩm tài chính vì ham lãi suất cao. Nhiều khách hàng mua sản phẩm tài chính với mục đích đầu tư nhưng không hiểu bản chất, dẫn đến khi lỡ may xảy ra rủi ro cũng không kích hoạt được việc nhận lại tiền ngay lập tức.

Nếu bất ngờ số tiền gửi biến thành các sản phẩm tài chính... trách nhiệm bên nào là lớn nhất?

- Việc gửi tiết kiệm biến thành sản phẩm tài chính khách là trách nhiệm 3 bên: người tư vấn, khách hàng và cơ quan quản lý.

Nhà tư vấn là người ngồi tư vấn hàng ngày cho khách hàng, họ môi giới tài chính, được khách hàng tin tưởng, mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Họ có trách nhiệm phải tư vấn chuẩn mực, đặt lợi ích khách hàng là trên hết, thậm chí trên lợi ích công ty. Cơ quan quản lý nếu phát hiện ra sai phạm hoàn toàn có thể xử phạt, khiển trách, nêu tên rõ để răn đe… Tại nhiều nước phát triển đều quy định hình phạt với những người gây ra xung đột lợi ích giữa khách hàng và công ty.

Khách hàng cũng lưu ý phải tự bảo vệ mình và không được quá tin tưởng vào những nhà tư vấn. Nhiều người tư vấn thực chất vẫn đặt lợi ích của họ cao hơn lợi ích khách hàng. Mỗi khách hàng đều phải tự nâng cao kiến thức tài chính cá nhân, hiểu đầu tư là gì, phân biệt các sản phẩm tài chính ra sao…

Cơ quan quản lý cấp cao cũng đều phải nghiêm túc trong việc quản lý, điều hành cấp dưới cũng như việc đào tạo chuẩn mực chứ không chỉ nhìn vào doanh số đạt được trên báo cáo. Khách hàng mua các sản phẩm tài chính của doanh nghiệp được phân phối bởi ngân hàng vì "chữ tín" của ngân hàng, nhưng không ý thức được, doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả vốn lẫn lãi cho khách hàng. Trên "giấy trắng mực đen", ngân hàng không có bất kỳ trách nhiệm nào với việc hoàn tiền nếu các sản phẩm tài chính xảy ra những vấn đề không thể đoán định chẳng hạn doanh nghiệp vỡ nợ không đủ khả năng trả lãi trái phiếu.

Gửi tiết kiệm sao cho đúng, lãi suất có phải tất cả?

Tại các nước phát triển trên thế giới có quy định ra sao về giao dịch viên ngân hàng khi tư vấn các sản phẩm tài chính?

- Tại Australia, Canada, Mỹ… hay các thị trường có nền tài chính phát triển, tất cả những người làm môi giới tài chính gồm nhân viên ngân hàng, các công ty chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… có tư vấn đều gọi chung là "môi giới" sản phẩm tài chính, họ bán sản phẩm để nhận hoa hồng. Các môi giới này đều phải có chứng chỉ chuyên môn để tư vấn, học và hiểu bản chất về sản phẩm đó.

Các nhân viên môi giới cũng nằm dưới sự quản lý của đơn vị quản lý về dịch vụ tài chính. Các đơn vị này sẽ yêu cầu ngân hàng hoặc đơn vị, công ty làm hoạt động môi giới quản lý, kiểm soát các nhân viên đi học, đăng ký trên hệ thống của ban quản lý. Nếu nhân viên hay công ty làm sai, các đơn vị có thể nhận khiếu nại từ khách hàng. Chẳng may một trường hợp làm sai mà điều tra, họ sẽ cho thời gian để nhân viên tư vấn kháng cáo. Sau này, khi thanh tra xong, nếu phát hiện sai phạm có thể thu hồi giấy phép tư vấn.

Với các đơn vị môi giới phân phối chéo sản phẩm của nhau, cần nắm rõ uy tín mới tạo dòng doanh thu bền vững. Các đơn vị cũng có thể lưu ý 4 tiêu chí để đào tạo nhân viên tư vấn tài chính: tiêu chuẩn đào tạo, đạo đức, năng lực và thực hành nghề nghiệp. Các thành viên Hiệp hội tư vấn Tài chính Việt Nam cũng đang đưa các tiêu chuẩn này về Việt Nam.

Vậy có những lưu ý gì để đi gửi tiết kiệm cho đúng, chuẩn?

- Các khách hàng cần quan tâm đến việc lập kế hoạch tài chính cá nhân. Thị trường tài chính ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính rất phức tạp. Các sản phẩm đang được phân phối tại ngân hàng thực chất vẫn chỉ là các sản phẩm đơn giản. Sau này, với sự phát triển của xã hội, sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính phức hợp, kết hợp nhiều tính năng. Sản phẩm tài chính không chỉ vận hành theo lãi suất mà còn vận hành theo từng cấu trúc, tính năng, mục đích ra đời…

Nếu muốn mua sản phẩm tài chính có lợi nhất thì hãy tìm hiểu, học cách lập kế hoạch tài chính. Mỗi khách phải tự trả lời các câu hỏi tại sao mình nên đầu tư, tại sao mình mua bảo hiểm, có nên vay tiền ngân hàng mua nhà… hay có nên mua trái phiếu này không, trái phiếu nào rủi ro... Nhiều người muốn giàu có và có an tâm tài chính nhưng lại phó mặc tài sản cho người ngoài.

Có bí kíp nào để lựa chọn ngân hàng uy tín gửi tiền?

- Các ngân hàng Việt với các sản phẩm tài chính hiện có và uy tín lâu năm thì độ rủi ro khi gửi tiết kiệm gần như bằng không. Điều cần quan tâm là có những sản phẩm tài chính khác ngoài tiền gửi sẽ không được cam kết lãi suất như tiền gửi hoặc chứng chỉ quỹ. Mỗi người hãy tự bảo vệ mình trước bằng việc trang bị kiến thức. Sau này, nếu tài chính ổn hơn thì hoàn toàn có thể ủy thác cho một nhà tư vấn tài chính cá nhân hay những nhà quản lý tài sản - những người có kiến thức, chuyên nghiệp và có cơ quan quản lý trực tiếp.

Liệu cơ quan quản lý có nên ban hành thêm những quy định chặt chẽ hơn nữa về việc phân phối các sản phẩm tài chính của các ngân hàng?

- Gần đây, Bộ Tài chính cũng đã có đề xuất ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm khi tư vấn, thậm chí lưu lại 5 năm nội dung ghi âm. Khi tư vấn sản phẩm tài chính, phía đơn vị trung gian phải lưu lại biên bản tư vấn, ghi âm và có xác nhận.

Tuy nhiên, cần lưu ý nếu chưa được đào tạo đầy đủ về nghiệp vụ thì dù có ghi lại, việc tư vấn cũng chưa đúng, chuẩn và khách hàng vẫn có thể hiểu sai, làm sai, gây ra hậu quả không đáng có. Ghi âm lại nội dung tư vấn chưa phải điều thực sự quan trọng nhất mà quan trọng nhất là chất lượng tư vấn phải tốt. Sau khi chất lượng, tiêu chuẩn năng lực của các nhân viên tư vấn có đủ thì việc quản lý mới phát huy tác dụng.

Tác giả:  Thảo Thu

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến