Khách hàng ‘một cổ hai tròng’
Một nữ khách hàng kể, năm 2019 do cần tiền để mua nhà nên chị vay 1,5 tỷ đồng từ một ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng ép chị phải mua bảo hiểm nhân thọ với số tiền 100 triệu đồng nếu muốn vay khoản này tiền đó. Nhân viên ngân hàng không giải thích rõ ràng và đang cần tiền nên chị đồng ý.
Theo chị hiểu thì trọn gói bảo hiểm này là 100 triệu đồng, nên chấp nhận chi thêm để được vay vốn nhanh. Nhưng một năm sau, nhân viên của công ty bảo hiểm yêu cầu chị nộp tiếp 100 triệu đồng nữa. Lúc đó, sau khi tìm hiểu kỹ, chị mới rõ đó là gói đầu tư bảo hiểm và mỗi năm phải đóng 100 triệu đồng.
Sau 5 năm, nhà đầu tư có thể dừng tham gia nhưng phải sau 8 năm mới lấy được hết tiền gốc ra. Còn lãi thì tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của công ty bảo hiểm, công ty có lãi có lãi sẽ chi trả, còn nếu lỗ thì trừ vào vốn. Nhà đầu tư muốn hủy hợp đồng sau năm đầu thì coi như mất trắng không lấy về được đồng nào.
Chị kể đã chấp nhận đóng tiếp mỗi năm 100 triệu đồng, đến nay đã đóng được 3 năm nhưng chưa được chia đồng lãi nào. Tuần sau Tết vừa qua, nhân viên ngân hàng lại thúc chị nộp 100 triệu cho năm thứ 4. Chị rất muốn hủy hợp đồng vì khoản 100 triệu đồng không hề nhỏ và gia đình chị đang gặp khó khăn, không thể lo đủ. Nhưng nếu không tiếp tục đóng, hủy hợp đồng thì khoản tiền thu về hiện giờ chỉ khoảng 60 triệu đồng (20%), coi như mất trắng 240 triệu đồng đã đóng. “Tôi thật sự cay đắng khi vay vốn ngân hàng mà bị ép phải mua bảo hiểm như thế”, chị nói.
Một cựu nhân viên ngân hàng, người vừa bỏ việc kể thêm những day dứt lương tâm đã làm anh đưa ra quyết định thôi việc như thế nào: “Tôi nghỉ vì bi ép chỉ tiêu bán bảo hiểm. Khách hàng chủ yếu mua bảo hiểm vì ngân hàng đứng ở thế bên trên, bị nhân viên tư vấn ép buộc. Suốt hai năm vừa qua làm việc ở ngân hàng, tất cả những gì tôi học được là cách bán bảo hiểm như. Điều quan trọng nhất trong mắt các lãnh đạo là phải bán được thật nhiều bảo hiểm bất kể hệ lụy là gì. Vì thế, tôi thôi nghề này”.
Nhiều khách hàng phản ánh khi vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ. Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp cũng lãnh đủ
Từ năm 2020 đến nay, dư luận đã đồng loạt lên tiếng về hiện tượng các ngân hàng thương mại yêu cầu khách vay phải mua bảo hiểm mới được vay, hay được giải ngân khoản vay sớm. Một số công ty bảo hiểm, tổ chức mạng lưới bán hàng thông qua môi giới tại ngân hàng, có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm.
Phản ánh của các hiệp hội, ngành hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2022 tới Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết, các doanh nghiệp muốn vay vốn đều phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay. Điều này làm tăng thêm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, gây khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào đã tăng cao và không đúng với tinh thần cải cách thủ tục hành chính của ngành ngân hàng.
Gỡ khó cho dân
Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, cũng như yêu cầu các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn. Việc tham gia bảo hiểm của khách hàng là tự nguyện, nếu nhân viên tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt.
Bộ Tài chính cũng có văn bản, cấm các ngân hàng thương mại ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm. Ngay cả các ngân hàng thương mại cũng công khai tuyên bố, không bắt buộc khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, khách vay thử không mua bảo hiểm xem có vay được vốn hay không! Thử hỏi những khách hàng vay vốn thường xuyên của ngân hàng có tránh khỏi việc buộc phải “tự nguyện” mua bảo hiểm hay không?
Nhiều ngân hàng có khoản thu tới hàng nghìn tỷ đồng từ bán bảo hiểm. Ảnh minh họa.
Theo các báo cáo tài chính năm 2022, hầu hết các ngân hàng đều báo cáo có lãi với lợi nhuận trước thuế từ hàng trăm cho tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm là nguồn thu nhập rất lớn của ngân hàng. Có nhiều ngân hàng có khoản thu tới hàng nghìn tỷ đồng từ bán bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm đang chi hoa hồng rất cao cho các ngân hàng. Lợi nhuận thu từ bán bảo hiểm của nhiều ngân hàng hiện chỉ đứng sau hoạt động chính là cho vay. Bán bảo hiểm trở thành mũi nhọn để kiếm tiền cho ngân hàng từ các dịch vụ ngoài tín dụng.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện doanh thu phí khai thác mới của thị trường bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng đóng góp gần 40%. Doanh thu phí khai thác mới đến từ kênh phân phối qua ngân hàng được dự báo sẽ sớm đạt được mức đóng góp 50% trong tổng doanh thu, sẽ “vượt mặt” các đại lý trở thành kênh kiếm tiền chủ lực cho các công ty bảo hiểm. Trong khi ngân hàng và bảo hiểm vui mừng, thì với nhiều khách hàng đây lại là nỗi đau khổ, bức xúc.
Hiện có khoảng 17 ngân hàng thương mại có dịch vụ bán bảo hiểm, đang làm gia tăng nhanh chóng tỷ lệ khách hàng ngân hàng sở hữu sản phẩm bảo hiểm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao mà bất chấp tất cả, có thể sẽ tạo ra hiệu ứng ngược. Một khi, khách hàng không hài lòng về dịch vụ bảo hiểm, sẽ kéo theo cả thái độ không tốt cho các sản phẩm tài chính khác của ngân hàng.
Có thể nói hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua chưa được các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ. Việc ép khách hàng mua bảo hiểm đã trở thành một “vấn nạn”.
Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/1/2023 đã bổ sung một số quy định đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm tổ chức, bao gồm các tổ chức tín dụng. Luật cũng đã sửa đổi và bổ sung những quy định về hoạt động bán bảo hiểm dành cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng. Song, những quy định đó có giúp chặn đứng nạn chèn ép khách hàng, nhất là những khách hàng đã bị ép mua trước đó?
Tác giả: Trần Thủy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy