Kể lại với Zing, ông Đ.M.T (38 tuổi), một khách hàng mua nhà tại dự án Viva Park cho biết ông chỉ loáng thoáng nhận ra có nhiều điểm chưa rõ ràng xung quanh dự án này sau khi ký hợp đồng nguyên tắc mua bán với chủ đầu tư.
"Mọi thứ liên quan đến dự án này đều đẹp đẽ, hoàn hảo cho đến khi người môi giới mời tôi lên ký hợp đồng. Bản hợp đồng này không phải là hợp đồng mua bán mà chỉ là hợp đồng nguyên tắc mua bán. Tuy nhiên, khi tôi nhận thấy dự án đáng ngờ và về tìm hiểu lại đã quá muộn", ông M.T nói.
Bán đợt 1 đã có sẵn nhà thô
Là người từng có kinh nghiệm mua bán bất động sản tại TP.HCM, vợ chồng ông M.T cho biết sản phẩm của dự án Viva Park tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, Đồng Nai rất phù hợp với nhu cầu làm nơi nghỉ dưỡng do ở vùng ngoại ô, gần Khu du lịch Thác Giang Điền. Họ đã mua một căn nhà phố tại đây với giá khoảng 1,8 tỷ đồng trực tiếp từ chủ đầu tư vào tháng 7/2019.
"Tôi tin tưởng mua dự án này vì LDG là chủ đầu tư lớn. Hơn nữa, khi xuống thăm dự án trực tiếp, chủ đầu tư đã hoàn thiện hạ tầng nội khu và xây sẵn hàng trăm căn nhà thô. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng tình trạng pháp lý của dự án chắc chắn đã hoàn tất, nếu không chủ đầu tư không thể xây dựng được như vậy", ông M.T bình luận.
Tuy nhiên, sau khi thấy hợp đồng chủ đầu tư cung cấp không phải hợp đồng mua bán mà là "hợp đồng nguyên tắc mua bán", ông M.T đã thấy lạ và dành nhiều tháng sau đó để tìm hiểu kỹ lưỡng về pháp lý dự án này.
"Tháng 7/2019 tôi đặt cọc 50 triệu. Sau khi ký hợp đồng, tôi đóng thêm khoảng 457 triệu. Đến đợt đóng tiền thứ 4, tôi phát hiện dự án Viva Park chưa đủ điều kiện pháp lý để huy động vốn nên từ chối đóng thêm tiền", ông nói.
Gần 500 căn biệt thự, nhà liền kề thuộc dự án Viva Park của chủ đầu tư LDG tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: Quỳnh Danh.
Khi đó, vị khách hàng này đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý đầy đủ, chuyển hợp đồng nguyên tắc mua bán thành hợp đồng mua bán mới tiếp tục đóng tiền theo kế hoạch, nếu không, chủ đầu tư phải hoàn tiền.
Mặc dù vậy, trong suốt hơn 17 tháng qua, phía LDG không thể hoàn thiện hồ sơ nên số tiền 457 triệu đồng của ông M.T vẫn đang mắc kẹt tại dự án.
"Ngày 24/12 vừa qua tôi đã làm việc với chủ đầu tư và họ hứa sẽ trả lại toàn bộ số tiền cho tôi trong 10 ngày nữa nên tôi đang chờ đợi, nếu không lấy lại được tiền tôi sẽ kiện chủ đầu tư và làm đơn tố cáo", ông cho biết thêm.
Ông M.T là một trong số khoảng 400 khách hàng đã mua dự án này trong gần 2 năm qua. Sau khi gặp gỡ một số khách hàng khác, ông cho rằng ít nhất mình cũng may mắn hơn một số người vì đã quyết định dừng đóng tiền ngay từ sớm. Nhiều người đã đóng đến 70% giá trị căn nhà đang trong tình trạng lo lắng như ngồi trên lửa.
Phải khoan giếng để có nước dùng
Đã đóng cho chủ đầu tư 1,4 tỷ đồng, ông T (40 tuổi) sống tại Đồng Nai đã được bàn giao nhà, tuy nhiên chất lượng công trình đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp. Sau khi thông tin về việc chủ đầu tư có nhiều sai phạm được đăng tải trên báo chí, ông T mới biết hồ sơ pháp lý dự án chưa được hoàn tất.
"Bây giờ tôi không biết phải đòi tiền như thế nào, mà cũng không thể ở lại vì điện nước không có. Khi chủ đầu tư bàn giao, nhà cũng đã có nhiều viết nứt", ông chia sẻ.
Tại dự án này, ông T và chị gái đã cùng nhau mua hai căn nhà liền kề sát nhau, vị trí gần công viên để ở. Tuy nhiên, với tình cảnh này, ông cho biết gia đình phải khoan giếng mới có nước để sử dụng.
Các căn nhà đã hoàn thiện phần thô và bàn giao cho khách hàng nhưng không có hệ thống điện, nước sinh hoạt. Ảnh: Quỳnh Danh.
Theo cả ông T và ông M.T, khi bước chân vào dự án, họ đều hy vọng một điều giống nhau về một không gian sống yên bình, hiện đại với giá phải chăng.
"Tuy nhiên, khi có sự cố, khách hàng lại là người thiệt thòi nhất. Sau này, nếu lấy lại được tiền, gia đình tôi cũng không vui vẻ gì bởi đây là một sự thất bại trong đầu tư. Niềm tin của khách hàng về chủ đầu tư, về thị trường cũng bị đánh mất", ông M.T giãi bày.
Do không ít người mua nhà tại đây với nhu cầu ở thực, các khách hàng hy vọng chủ đầu tư sẽ sớm hoàn thiện được thủ tục pháp lý dự án và giải quyết các thiếu sót về hạ tầng, tiện ích để lấy lại niềm tin của khách hàng.
Tránh mắc bẫy khi ký hợp đồng
Trao đổi với Zing, Luật sư Trần Tấn Tài cho biết trong thời gian qua, nhiều khách hàng mua sản phẩm tại dự án Viva Park đã liên hệ và nhờ tư vấn để bảo đảm quyền lợi của mình.
"Nhiều khách hàng do không phân biệt được bản chất của hợp đồng mua bán và hợp đồng nguyên tắc mua bán đã phải chịu thiệt thòi trong trường hợp xảy ra tranh chấp", LS Trần Tấn Tài khẳng định.
Cụ thể, theo luật sư, hợp đồng nguyên tắc mua bán thực tế chỉ là thỏa thuận giữa khách hàng và chủ đầu tư với các điều kiện, định hướng chung chung về hoạt động mua bán giữa hai bên diễn ra trong tương lai khi chưa thể ký hợp đồng mua bán. Chỉ khi nào chủ đầu tư hoàn thiện đủ điều kiện pháp lý mới có thể ký hợp đồng mua bán.
Trong các trường hợp xảy ra tranh chấp giữa người mua và chủ đầu tư, hợp đồng nguyên tắc mua bán có giá trị pháp lý thấp hơn so với hợp đồng mua bán và nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với khách hàng cũng thấp hơn rất nhiều. Trong những trường hợp này, bản hợp đồng nguyên tắc mua bán chỉ là một bản ghi nhớ thỏa thuận giữa hai bên.
Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định nếu chỉ ký hợp đồng nguyên tắc mua bán, chủ đầu tư đã sai về Luật Kinh doanh bất động sản khi thu quá 30% giá trị sản phẩm. Nếu muốn thu hơn 30% giá trị căn nhà từ khách hàng, chủ đầu tư buộc phải cung cấp hợp đồng mua bán.
Chính vì vậy, LS Trần Tấn Tài đề nghị người mua các sản phẩm bất động sản nên tìm hiểu kỹ các thông tin về luật, tìm đến những đơn vị có chuyên môn để được tư vấn chính xác về các loại thủ tục, giấy tờ trước khi giao dịch thay vì chỉ nghe theo lời giới thiệu, chỉ dẫn của môi giới và chủ đầu tư.
Sáng 29/12, Zing liên lạc với ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT và là người đại diện Công ty LDG Group nhằm trao đổi về tình trạng của dự án Viva Park cũng như kế hoạch trong thời gian sắp tới của chủ đầu tư đối với khách hàng mua dự án. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khánh Hưng từ chối trả lời vấn đề này.
Trước đó, ngày 22/12, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã ký quyết định xử phạt 540 triệu đồng đối với Công ty cổ phần đầu tư LDG (địa chỉ tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) do xây trái phép dự án khu dân cư Tân Thịnh (tên thương mại là Viva Park) với gần 500 căn biệt thự, nhà liền kề tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom. Dự án khu dân cư Tân Thịnh được UBND tỉnh Đồng Nai cấp chủ trương đầu tư vào năm 2016. Hai năm sau, dự án này được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Đến nay, Công ty LDG chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về thu hồi đất, giao đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Dự án cũng chưa có giấy phép xây dựng nhưng đã san nền, xây dựng 488 căn nhà, trong đó có 198 biệt thự và 290 nhà liền kề. |
Tác giả: Hà Bùi
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy