Dòng sự kiện:
Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối
03/02/2022 12:37:55
Kiều hối được đánh giá là nguồn lực bổ sung, quý giá đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước, cung cấp nguồn vốn đầu tư trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Chảy mạnh về Việt Nam

Năm 2021, theo số liệu được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ông Đào Minh Tú công bố tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng, kiều hối về Việt Nam ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so năm trước. Trong đó, chủ yếu là lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng, công ty kiều hối và qua bưu điện...

Nguồn kiều hối chuyển về hàng năm luôn trong xu hướng tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Trên địa bàn TP.HCM, lượng kiều hối hối chuyển về qua hệ thống các Ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ năm 2021 đạt 7,1 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố.


Bất chấp dịch Covid-19, kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Với kiều hối tiếp tục tăng cho trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nền kinh tế trên thế giới, cho thấy, dù gặp không ít khó khăn song kiều bào vẫn quan tâm hướng về quê hương. Đây là nguồn vốn rất quan trọng trong điều kiện khó khăn cần vốn đầu tư.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021.

Theo tổ chức này, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối.

Trước thắc mắc của phóng viên về sự chênh lệch giữa con số do NHNN công bố và con số do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD ước tính, đại diện của Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, con số do WB đưa ra chỉ là ước tính và luôn có sự chênh lệch với số liệu thống kê chính thức từ NHNN.

Đại diện Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định, mức 12,5 tỷ USD do NHNN thống kê được là chính xác. Bởi con số này được thông qua các đơn chuyển tiền có thông tin tên, tuổi, số tiền... qua tổ chức tín dụng, công ty kiều hối và bưu điện.

Góp phần thúc đẩy kinh tế hậu Covid-19

Kiều hối gửi về qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, tài chính được phép nhận và chi trả ngoại tệ đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội cũng như góp phần nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Trung ương (NHTW); dự trữ ngoại tệ và cán cân thương mại quốc tế…

Trong đó, xét dưới góc độ là nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, kiều hối có đóng góp quan trọng và mang lại hiệu quả trong hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ở góc độ chính sách và hiệu quả chính sách, đây là nguồn ngoại hối từ kiều bào, người lao động ở nước ngoài gửi về, vì vậy không chịu áp lực về vay trả nợ; chi phí nợ, cũng như các điều kiên kèm theo như các nguồn vốn vay; nguồn vốn tài trợ…


Khách hàng nhận kiều hối thường gửi tiết kiệm, nhưng do lãi suất thấp nên một phần kiều hối vào chứng khoán, bất động sản

Theo đó, nguồn vốn này góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ cho đất nước, bổ sung nguồn dự trự ngoại tệ quốc gia…, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong điều hành chính sách tiền tệ và thị trường ngoại hối.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, kiều hối là nguồn lực bổ sung cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và của TP.HCM nói riêng, nhờ bản chất và hiệu quả của nguồn ngoại tệ này: thông qua việc gửi biếu, tặng ngoại tệ về để người thân và gia đình chi tiêu cho sinh hoạt, cải thiện đời sống; kinh doanh hoặc trả nợ vay; hoặc kiều bào gửi về để đầu tư kinh doanh…

Nhìn bức tranh rộng hơn, lượng kiều hối chảy về TP. HCM trong năm qua gần gấp đôi lượng vốn đầu tư nước ngoài gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn lực từ kiều hối cũng không chịu áp lực trả nợ, trả lãi hoặc phải tính đến hiệu quả đầu tư cam kết với các nước như khoản vốn vay ODA...

Ở góc độ kinh tế, việc sử dụng kiều hối với mục đích nào cũng đều mang lại hiệu quả, đều kích thích tổng cầu, qua đó kích thích sản xuất, tiêu dùng tăng trưởng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, việc phân biệt nguồn kiều hồi sử dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay đầu tư bất đầu sản, chứng khoản không có nhiều ý nghĩa. Việc phân biệt này chủ yếu cho nguồn vốn vay, nguồn vốn tín dụng để kiểm soát rủi ro và quản trị hiệu quả nguồn vốn tín dụng.

Vài năm nay, cơ quan quản lý đã không thống kê mục đích lượng kiều hối chuyển về để đầu tư, sản xuất - kinh doanh hay đổ vào bất động sản.

Tuy nhiên, một diễn biến đáng chú ý là nếu trước đây dòng tiền tập trung chủ yếu vào sản xuất - kinh doanh thì trong dịch Covid-19, đặc biệt là diễn biến phức tạp và khó khăn ở giai đoạn giãn cách xã hội, nguồn kiều hối chuyển về tập trung vào an sinh xã hội, hỗ trợ thân nhân trong nước vượt qua khó khăn.

Đồng thời, khi kinh tế Việt Nam còn gặp khó vì dịch trong năm 2021 thì các quốc gia ở khu vực châu Mỹ, châu Âu đã nhanh chóng khôi phục kinh tế. Điều này cũng tạo cơ hội cho kiều bào ở nước ngoài có việc làm, có thu nhập; từ đó chuyển kiều hối về hỗ trợ người thân.

Tuy nhiên, do tỷ giá trong nước ổn định suốt thời gian qua, các ngân hàng huy động ngoại tệ với lãi suất 0% nên có hơn 70% khách hàng nhận kiều hối về rồi chuyển sang VNĐ, khoảng 12% chảy vào tài khoản ngoại tệ cá nhân, hơn 13% gửi tiết kiệm.

Nhưng do lãi suất tiền gửi trong năm 2021 duy trì ở mức thấp nên một lượng kiều hối chảy qua các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản.

Tác giả: Vân Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : kiều hối
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến