Dòng sự kiện:
Khát vốn dài hạn, ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu
29/11/2018 18:00:46
Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn, nguyên nhân là do các ngân hàng đang "khát" vốn dài hạn để cải thiện lại hệ số an toàn vốn tối thiểu.

Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, việc này chỉ giải quyết tình thế, không phải là giải pháp lâu dài được. 

Dồn dập phát hành trái phiếu

Lãi suất ngân hàng các tháng cuối năm tiếp tục tăng cao khi nhiều nhà băng đua nhau tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn theo mùa vụ. Cho đến nay, cuộc đua này dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây một số nhà băng tiếp tục nâng lãi suất tiết kiệm, chạy đua các chương trình cộng lãi suất, khuyến mại để hút vốn. Tình trạng "khát" vốn huy động, đặc biệt là nguồn vốn kỳ hạn trên 12 tháng thể hiện rõ rệt trước những tháng cuối năm - mùa kinh doanh sôi động nhất.

Bên cạnh cuộc đua lãi suất, một cuộc đua song song khác để huy động vốn diễn ra trong thời gian này là việc nhiều nhà băng phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn.

Trong đó, đợt phát hành lớn nhất là của BIDV, ngân hàng chào bán 4.000 tỷ đồng trái phiếu có mệnh giá 10 triệu đồng, lãi thanh toán hàng năm, bao gồm 2 loại trái phiếu, một là 3.000 tỷ trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn dài theo nhiều đợt với khối lượng từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.

Chẳng hạn, Vietcombank đã có 7 lần phát hành trái phiếu với mệnh 100.000 đồng/trái phiếu, dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, có kỳ hạn 6 năm, với lãi suất 7,475%/năm với tổng cộng khối lượng trái phiếu phát hành thành công 288,3 tỷ đồng. Trong đó, các nhà đầu tư doanh nghiệp mua 1,085 triệu trái phiếu (tương ứng 108,5 tỷ đồng) và nhà đầu tư cá nhân mua vào 1,789 triệu trái phiếu (tương ứng 179,8 tỷ đồng).

VietinBank cho biết đã phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm trong đợt 2 năm 2018, lãi suất cố định 6%/năm.

Sau khi các ngân hàng lớn dồn dập phát hành trái phiếu tăng quy mô vốn, một số ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng nhanh chóng tham gia. Ngân hàng MB phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày với trị giá hơn 1.400 tỷ đồng. VIB phát hành trái phiếu thành công huy động được 2.800 tỷ đồng và muốn làm tiếp đợt 2... HDBank tiếp tục huy động thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức phát hành riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm sau đợt phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trước đó...

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng phân tích thêm, khi khách hàng đến rút tiền ra mà ngân hàng không có tiền trả cho họ, động thái của các ngân hàng là huy động vốn mới, phát hành trái phiếu để trả cho khách hàng đã gửi tiền, một động thái có thể được xem là “huy động vốn mới để trả tiền gửi cũ”. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất huy động lên trong thời gian qua, đặc biệt đối với những ngân hàng có nợ xấu cao.

Giao dịch tại ngân hàng. (Nguồn: TTXVN)

Có nên làm ồ ạt?

Tăng vốn đang là bài toán áp lực với nhiều ngân hàng trong khoảng thời gian gần đây bởi nhiều lý do. Đầu tiên là các ngân có thêm lượng vốn đáng kể để kinh doanh, đồng thời cũng giúp cải thiện lại hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). 

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, sắp tới đây theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN là tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ giảm về còn 40% kể từ đầu năm 2019, nên các ngân hàng cần phải tăng vốn nhất là tăng khoản huy động trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, huy động vốn còn để mở rộng thị trường và còn để đảm bảo cân bằng nguồn vốn, khi nợ xấu của nhiều ngân hàng đang có dấu hiệu nhích lên.

Ông Hiếu cho rằng, so với việc tăng vốn cấp 1 (vốn chủ sở hữu của ngân hàng), nâng vốn cấp 2 từ nguồn dân cư và phát hành trái phiếu được xem là đơn giản, nhanh chóng và dễ thực hiện hơn khi không yêu cầu nhiều về thủ tục.

Tuy nhiên, tiến sỹ Hiếu cảnh báo cách làm này chỉ nên là giải pháp mang tính thời điểm. Vì nếu lạm dụng phát hành trái phiếu sẽ tạo ra rủi ro cho ngân hàng trong tương lai, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi huy động vốn trung-dài hạn thường có lãi suất cao.

Ngoài ra, tới thời điểm trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả lại một lượng tiền lớn cho khách hàng, gây áp lực cho nhà băng trong huy động để tiếp tục duy trì vốn cấp 2.

Để giải quyết "cơn khát" vốn của các ngân hàng hiện nay, giải pháp an toàn nhất là các ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn cấp 1.

Mặc dù việc này không hề dễ dàng, bởi trên thực tế thời gian gần đây, nhiều nhà băng đã đẩy mạnh việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc thủ tục khiến những thương vụ này chưa thể hoàn tất.

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến