Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ nghìn tỷ của CTCP ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty Vinaxuki Thái Nguyên).
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm: Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội; Máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.
BIDV công bố mức giá khởi điểm cho toàn bộ khối tài sản nói trên tương đương nợ gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. (Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là: 1.265.111.125.606 đồng).
Nhà máy Vinaxuki Mê Linh bị bỏ hoang bấy lâu nay.
Trước đó, đầu năm 2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng khởi kiện Công ty TNHH MTV Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa tại TAND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Vietcombank yêu cầu DN thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với số tiền là gần 188 tỷ đồng, trong đó bao gồm: nợ gốc xấp xỉ 98 tỷ; nợ lãi trong hạn hơn 78 tỷ; nợ lãi quá hạn gần 11,7 tỷ đồng (tính đến 10/4/2019). Đồng thời, buộc Vinaxuki tiếp tục thanh toán lãi phát sinh cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ; xử lý các tài sản bảo đảm theo các hợp đồng thế chấp đã ký kết.
Vẫn biết kinh doanh có người thành công có người thất bại, thương trường khốc liệt hơn cả chiến trường, nhưng nhiều người vẫn không khỏi xót xa cho số phận của Vinaxuki, xót xa về một giấc mơ ô tô thương hiệu Việt, của người đại gia một thời Bùi Ngọc Huyên.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki - người đã từng xuất hiện dày đặc trên báo chí cùng những thông tin không được mong đợi như: Chậm nộp thuế, nợ ngân hàng, đóng cửa nhà máy, bị khởi kiện...
Ông Huyên sinh ra ở Thanh Hoá nhưng từ năm 4 tuổi đã học ở Hà Nội. Những năm 1956 – 1963, ông học ở các trường Nguyễn Du, Trưng Vương, là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm.
Khi bắt đầu khởi công xây dựng đường Trường Sơn có tuyển nhiều học sinh học lái xe để vận chuyển hàng hoá cho chiến trường, ông học xong lái xe rồi bắt đầu lái từ năm 1964 đi phục vụ chiến trường.
Sau Mậu Thân 1968, cơ quan cho ông Huyên về trường Đại học Giao Thông học chuyên ngành ô tô. Tốt nghiệp đại học, ông về Cục Vận tải Giao thông – Bộ Công Thương, đơn vị quản lý ngành ô tô của cả nước, khi đó dưới cục có vài chục doanh nghiệp.
Năm 1992, ở tuổi 50, ông xin về hưu để làm ô tô và đến giờ tôi thấy đây thật sự là con đường phiêu lưu, bởi vì đó là thời điểm khó khăn. Và rồi cái tên "ông gàn" cũng từ đấy mà ra.
Ông Huyên bên chiếc xe còn lại
Vinaxuki của ông Bùi Ngọc Huyên từng dẫn đầu thị trường trong nước đối với dòng xe tải hạng nhẹ. Ngày đó, nhà máy Vinaxuki ở Thanh Hóa nhộn nhịp ngày đêm để cho ra thị trường những chiếc xe tải gắn với tên tuổi ông Huyên.
Tuy nhiên, sai lầm về chiến lược phát triển cùng những lý do khách quan khác đã khiến tên tuổi của Vinaxuki rơi dần vào quên lãng. Ông Bùi Ngọc Huyên đã không còn tập trung cho dòng xe tải mà theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô Made in Vietnam trong bối cảnh thị trường đã có sự hiện diện của những "ông lớn" ngoại có tuổi đời cả trăm năm.
Đã có thời điểm, ông Huyên đem chiếc xe hơi đầu tiên của mình đến tham dự triển lãm ô tô tại Triển lãm Giảng Võ. Sự kiện này từng tạo tâm lý hy vọng xen lẫn tự hào, kỳ vọng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, "đứa con tinh thần" của ông Huyên dù chào đời nhưng mãi mãi không được làm giấy "khai sinh" dù khi đó ông chủ của Vinaxuki từng nhiều lần phản biện chính sách phát triển công nghiệp ô tô.
Vinaxuki 1 thời hoành tráng nay hoang tàn phế liệu
Từ một doanh nghiệp làm ăn phát đạt, với tham vọng không chỉ sản xuất ô tô mà cả xe bọc thép, đến năm 2014 cả ba nhà máy ô tô của Vinaxuki phải ngừng hoạt động, các ngân hàng liên tục tìm cách xiết nợ, thu hồi vốn. Sau nhiều lần gửi tâm thư lên các cơ quan chức năng và Thủ tướng Chính phủ kêu cứu về tình cảnh khốn đốn của mình, ông chủ Vinaxuki giờ đã nản.
Vào đầu năm 2004, Vinaxuki tiến hành xây dựng Nhà máy Ô tô tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm. Trong giai đoạn 2006 - 2008, nhà máy này đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Từ khi hoạt động, nhà máy đều có lãi; sau 3 năm đã thu hồi vốn, trả nợ cho các ngân hàng.
Giai đoạn từ 2006 - 2009 là "thời hoàng kim" của Vinaxuki. Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, khi ấy chỉ cần nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất một số chủng loại thùng xe tải, không đòi hỏi công nghệ cao nhưng cho lợi nhuận khủng. Năm thấp nhất Vinaxuki cũng lãi 90 tỷ đồng, năm cao nhất lãi tới 160 tỷ đồng.
Lượng xuất xưởng của Vinaxuki thời kỳ đỉnh cao này trung bình 50 - 60 xe mỗi ngày, có thời điểm lên tới 100 xe. Năm 2011, riêng lượng tiêu thụ xe tải (dòng xe chính của Vinaxuki) luôn đứng top đầu thị trường.
Thế nhưng, năm 2012, công ty này bắt đầu làm ăn sa sút do thiếu hụt vốn lưu động, vay ngân hàng không được vì các ngân hàng cho rằng việc Vinaxuki đầu tư vào nội địa hóa là "mạo hiểm".
Theo chia sẻ của ông chủ Vinaxuki, năm 2012 khi ông mang dự án nội địa hóa ô tô cho ngân hàng thẩm định, họ lại đi hỏi mấy công ty đang nhập khẩu và lắp ráp. Mấy công ty này tham mưu cho ngân hàng rằng Vinaxuki nội địa ô tô là không hiệu quả, chỉ nên lắp ráp thôi, đợi 2018 thuế nhập khẩu ô tô về 0% thì nhập về bán.
Lại gặp đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế, ông Huyên cho hay, Vinaxuki vay có mấy chục triệu đô nhưng ngân hàng cầm vượt quy định về tài sản thế chấp rồi cắt vốn lưu động. Thời điểm đó thị trường ô tô ngừng trệ, lãi suất ngân hàng quá cao, ngân hàng yêu cầu Vinaxuki bán nhà máy để trả nợ. "Chính tâm lý chuộng hàng ngoại và thói quen bài xích cái mới của người Việt đã ngăn cản tôi thành công", ông Huyên từng quả quyết.
Đến năm 2013, tổng dư nợ 4 ngân hàng lên đến 940 tỷ đồng. Ông Huyên đã phải bán nhà cửa, vét từng đồng lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn snag dài hạn. Nhưng các ngân hàng cũng không cho vay nữa. Sau đó, Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng bán.
Kết cục, từ đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hóa, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh, trong khi các doanh nghiệp lắp ráp ô tô lại sống khỏe. "Đã nhiều lần các chủ nợ và bản thân tôi rao bán nhà máy, nhưng không ai mua. Lý do các nhà đầu tư còn phải chờ chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ; chờ quy mô thị trường ô tô Việt Nam tăng", ông Huyên chia sẻ.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, với tổng vốn đầu tư hơn 1.650 tỷ đồng, sau gần 8 năm dừng hoạt động, đến nay các nhà máy ô tô của Vinaxuki ngày càng dột nát, thiết bị hư hỏng; rao bán cũng chẳng ai mua, có mua cũng với giá rất rẻ mạt.
Khánh Linh (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy