Dòng sự kiện:
Khi chỉ thị phòng, chống dịch của Hà Nội được áp dụng... tùy nghi
07/10/2021 10:05:24
Chỉ thị mới nhất về phòng, chống dịch của Hà Nội cho phép tiếp tục duy trì các chốt tự quản "vùng xanh" tại các thôn, xóm… tùy tình hình địa phương nhưng thực tế nhiều chốt vắng bóng người túc trực.

Những "chốt chặn" vắng bóng người

Hà Nội đang áp dụng Chỉ thị 22/CT-UBND để phòng chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Theo nội dung chỉ thị này, thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động quyết định kế hoạch triển khai phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, trong đó có việc duy trì các chốt tự quản "vùng xanh" tại các thôn, xóm, làng, tổ dân phố, khu dân cư để kiểm soát di biến động của người dân…

Liệu những chốt "vùng xanh" không có người túc trực sẽ đem lại hiệu quả thế nào cho công tác phòng, chống dịch của thành phố?

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc duy trì các chốt tự quản; chốt phòng, chống dịch tại các thôn, xóm, tổ dân phố… đang tỏ ra rất hình thức, không hiệu quả.

Cụ thể, tại các phường Láng Hạ, phường Thành Công (quận Đống Đa), phường Xuân Đỉnh, phường Thụy Phương, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân)… rất dễ bắt gặp ở ngõ ngách, tổ dân phố các barie chiếm một nửa lối đi nhưng không có người túc trực.

Chính vì vậy, những yêu cầu như phải khai báo y tế, giao nhận hàng hóa tại điểm trực chốt… dù được thể hiện rất rõ ràng trên các barie, chốt "vùng xanh" nhưng không nhận được sự chấp hành của người dân khi di chuyển qua.

Chưa kể đến thực trạng các chốt "vùng xanh" cũng được thiết lập tùy theo từng ngõ ngách, nơi có, nơi không như hình ảnh PV Dân trí ghi nhận được trên địa bàn phường Nhân Chính.

Barie "vùng xanh" chiếm nửa lối đi tại ngõ 44 phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính (Ảnh: Nguyễn Trường).

Theo ông Nguyễn Văn Cường (62 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố Liên Ngạc, phường Đông Ngạc), theo tinh thần Chỉ thị 22 của thành phố, địa bàn vẫn duy trì các chốt tự quản "vùng xanh" tại các ngõ ngách nhưng điều này không còn đạt hiệu quả cao như thời điểm Hà Nội đang giãn cách xã hội.

Sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại một số hoạt động, dịch vụ, địa phương đã tạo điều kiện cho người dân ở độ tuổi lao động đi làm trở lại. Vì vậy, hiện lực lượng trực chốt hầu hết là người đã nghỉ hưu, nhiều thời gian nhàn rỗi.

"Ngay từ khi Chỉ thị 22 có hiệu lực, các thành viên trong tổ Covid cộng đồng đã thực hiện công tác theo dõi, quản lý người từ địa phương khác đến địa phương sinh hoạt, lao động, học tập. Tôi thấy việc kiểm soát di biến động của cư dân như vậy hiệu quả, thiết thực hơn là ngồi trực chốt. Mấy ngày đầu áp dụng chỉ thị mới, nhiều người dân có thắc mắc về việc dựng chốt chắn nửa đường nhưng dần dần không thấy ai ý kiến với tôi nữa" - ông Cường chia sẻ.

Hình ảnh chốt tự quản tại khu dân cư văn hóa số 1, phường Thành Công đang được duy trì ở thời điểm Chỉ thị 22 có hiệu lực (Ảnh: Nguyễn Trường).

Nên tiếp tục duy trì hay dừng lại?

Liên quan đến việc duy trì chốt tự quản "vùng xanh" trên địa bàn, một lãnh đạo UBND phường Đông Ngạc cho biết, điều này được địa phương thực hiện đúng theo tinh thần Chỉ thị 22 đã ban hành.

Sau khi PV chuyển tải thông tin người dân cho rằng, các hàng rào tại khu vực dân cư không được dỡ bỏ và đang gây cản trở việc đi lại, vị lãnh đạo này cho biết sẽ xin ý kiến chỉ đạo của quận Bắc Từ Liêm.

"Có thể nhân dân muốn dỡ bỏ hết để việc đi lại dễ dàng hơn nhưng thành phố chưa có văn bản nào thay thế Chỉ thị 22. Nếu các chốt được dỡ bỏ hoàn toàn mà trên địa bàn lại xuất hiện ca dương tính thì rất nguy" - vị này cho hay.

Các chốt tự quản "vùng xanh" liệu còn phát huy hiệu quả cao như thời điểm Hà Nội đang giãn cách xã hội? (Ảnh: Nguyễn Trường).

Trong khi đó, một lãnh đạo UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) thừa nhận, việc duy trì các chốt tự quản "vùng xanh" đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều và khó thực hiện đồng đều về mặt nhân lực trực chốt ở tất cả các khu vực.

Vì vậy, quận này đang nghiên cứu theo hướng duy trì 267 "vùng xanh" ở các tổ dân phố và giao Bí thư, chi ủy cấp bộ, tổ trưởng tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng chịu trách nhiệm quản lý, phòng dịch.

Đặc biệt, trong một vài ngày tới, quận Tây Hồ sẽ có điều chỉnh liên quan tới các chốt "vùng xanh" theo hướng giảm quy mô, bám tiêu chí kiểm soát chặt di biến động dân cư. Điều này sẽ tiết chế được nhân lực và giảm khối lượng công việc phải làm.

"Quan điểm của quận là các tổ dân phố, các phường tự chịu trách nhiệm bằng phương thức cụ thể như dán điểm quét mã QR, hướng dẫn người dân di chuyển qua thì quét mã; chịu trách nhiệm kiểm soát người dân ở vùng dịch; đặc biệt sẽ linh hoạt trong việc giữ chốt, lập chốt tùy theo từng khu vực, nguy cơ đến đâu lập chốt đến đó" - vị lãnh đạo quận Tây Hồ chia sẻ thêm.

Tác giả: Nguyễn Trường

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến