Dòng sự kiện:
Khi có tranh chấp về phí dịch vụ, chủ đầu tư có được quyền cắt điện, nước?
07/08/2019 05:34:35
Người dân bức xúc vì chủ đầu tư không thực hiện cam kết nên quyết không đóng phí dịch vụ, để 'đáp trả' chủ đầu tư cắt điện, nước. Vậy chủ đầu tư có được làm việc này?

Chủ đầu tư dự án New City “tuyên bố” cắt điện, nước của cư dân.

Đầu năm 2019, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt (Công ty Thuận Việt) chủ đầu tư dự án New City (quận 2, TPHCM) đã ra văn bản thông báo tiến hành các biện pháp xử lý đối với căn hộ BB7.12 của dự án này.

Cụ thể, theo văn bản thông báo số 24/2019/NEWCITY do bà Lưu Thị Bích Chi, Giám đốc Kinh doanh Bất động sản ký tên, Công ty Thuận Việt sẽ ngừng cung cấp điện, nước, cùng các dịch vụ có liên quan, niêm phong căn hộ, khóa thẻ từ thang máy của khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ này. Thời gian thực hiện từ 19/2 – 23/2.

Nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng giữa chủ đầu tư dự án New City và khách hàng trong thời gian qua xuất phát từ việc khó khăn trong khâu vay vốn ngân hàng để thanh toán tiền mua căn hộ tại dự án này.

Trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư dự án New City và khách hàng mua căn hộ có phần cam kết khách hàng sẽ được ngân hàng Vietinbank bảo lãnh và cho vay vốn. Vietinbank sau đó cũng đã chấp thuận cho nhiều hộ dân vay và hoàn tất thủ tục nhận nhà với Công ty Thuận Việt từ tháng 4/2018. Tuy nhiên, Công ty Thuận Việt sau đó đã không cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý để VietinBank có thể giải ngân.

Khi không hợp tác được với Vietinbank, chủ đầu tư dự án New City đã yêu cầu khách hàng chuyển sang ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng An Bình (ABBank). Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã từ chối yêu cầu này vì có quá nhiều điểm bất lợi.

Vào ngày 4/1/2019, Công ty Thuận Việt đã ra văn bản thông báo có nội dung: “Chủ đầu tư đề nghị Quý khách nhanh chóng xúc tiến thủ tục với ngân hàng An Bình để giải ngân hoặc bằng nguồn tài chính tự có của mình, thanh toán số tiền còn lại để đủ điều kiện nhận bàn giao căn hộ theo hợp đồng mua bán, trong thời hạn từ ngày ra thông báo này đến hết ngày 20/1/2019”.

“Quá thời hạn trên, chủ đầu tư sẽ ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ khác liên quan (nếu có) đồng thời chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ; buộc quý khách phải ngay lập tức bàn giao trả căn hộ cho chủ đầu tư với điều kiện sử dụng bình thường, các hạng mục không bị hư hỏng gì và có đầy đủ trang thiết bị như khi nhận bàn giao từ chủ đầu tư”.

Quá bức xúc với cách hành xử của chủ đầu tư, cư dân đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng và giới truyền thông.

Nhiều cư dân chung cư Happy Star đồng loạt treo băng rôn ra ban công chào bán nhà để phản đối, đấu tranh với chủ đầu tư.

Đầu tháng 3/2019, 3 hộ dân ở chung cư Happy Star Tower (khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) đang sống trong cảnh không điện, không nước. Đơn vị quản lý toà nhà là chủ đầu tư - Công ty TNHH Vintep Hà Nội, đơn phương cắt điện và nước của cư dân.

Chị Trương Hải Yến, một trong 3 hộ dân bị chủ đầu tư cắt điện và nước cho biết, cuộc sống đã bị đảo lộn, chị Yến và 2 con nhỏ phải ăn mỳ tôm, cháo cả tuần nay khi không có điện để nấu ăn, cả nhà vẫn phải tắm bằng nước lạnh.

Gia đình chị Trương Hải Yến, một trong những hộ bị chủ đầu tư - Công ty TNHH Vintep Hà Nội cắt điện và nước, phải ăn mỳ tôm cả tuần.

Chủ đầu tư đã đưa cư dân vào ở trong chung cư Happy star Tower từ đầu năm 2017, nhưng tới nay sau 2 năm chưa bàn giao nhà, không có hồ sơ bàn giao, hoàn công, thiếu hụt diện tích và không có sổ đỏ… Vì điều này mà cư dân chưa thống nhất được mức thu phí dịch vụ tại toà nhà, hầu hết các hộ gia đình không đóng phí dịch vụ và yêu cầu làm việc với chủ đầu tư. Do người dân không đóng phí dịch vụ nên bị chủ đầu tư cắt điện nước.

Tương tự, tại chung cư Smile Building (Hoàng Mai, Hà Nội), thời gian vừa qua, một số cư dân bị cắt nước do không đóng khoản phí dịch vụ 3 triệu đồng trong thời gian thi công nội thất. Bên cạnh đó, họ cho rằng mức phí dịch vụ quản lý, vận hành 5.000 đồng mỗi m2 một tháng tại đây là quá cao với chất lượng dịch vụ quản lý "chưa tương xứng". Sau nhiều lần đối thoại nhưng một số cư dân chưa đồng tình, không chịu đóng khoản phí dịch vụ nói trên.

Tình trạng cư dân không nộp phí dịch vụ đã từng diễn ra tại rất nhiều chung cư. Tại không ít chung cư một số cư dân bị cắt nước do nợ phí dịch vụ.

Lý giải việc cắt nước, Công ty CP Đầu tư thương mại Trung Yên – chủ đầu tư dự án cho biết, việc cắt nước quy định trong hợp đồng mua bán khi khách hàng không đóng phí dịch vụ. Theo đó, chủ đầu tư thông qua ban quản lý gửi thông báo 3 lần trong 1 tháng, thông báo qua phường về việc cắt nước mới tiến hành cắt chứ không tự ý cắt.

Sự khác biệt về phong cách sống, tiêu chuẩn sống đã dẫn đến những xung đột dai dẳng giữa cư dân với chủ đầu tư, đơn vị quản lý hoặc thậm chí giữa chính các cư dân với nhau?

Đó chỉ là những trường hợp tiêu biểu cho việc khi mâu thuẫn cư dân và chủ đầu không được giải quyết, chủ đầu tư ép người dân bằng cách cắt điện, nước. Thực trạng này đặt ra câu hỏi, khi có tranh chấp, người dân không đóng phí dịch vụ, chủ đầu tư có được quyền cắt điện, nước?

Trả lời vấn đề này với cử tri, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã ban hành Thông tư 02 về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong đó, Bộ dẫn ra điều 39 quy định quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư: “Đóng góp đầy đủ, đúng thời hạn kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và các chi phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ”.

Quy định cũng nêu rõ: Trường hợp chủ sở hữu không đóng kinh phí quản lý vận hành theo quy định thì bị xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư mà ban quản trị nhà chung cư đã ký với đơn vị quản ly vận hành”.

Cùng với đó, tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 6 của Phụ lục số 02 ban hành kèm theo quy định: Mẫu hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư ban hành kèm theo Quy chế 02 thì Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư "Được tạm ngừng cung cấp các dịch vụ: ... hoặc đề nghị đơn vị cung cấp điện, nước, năng lượng... cho nhà chung cư tạm ngừng cung cấp các dịch vụ này trong trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đã được thông báo bằng văn bản đến lần thứ hai yêu cầu nộp kinh phí quản lý vận hành và kinh phí khác do Bên B thu nhưng vẫn không nộp các kinh phí này".

Theo Tin tức Việt Nam

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến