Khi doanh nghiệp nội địa bị thao túng
15/04/2015 10:15:40
ANTT.VN – Thời gian qua, những sự việc liên quan đến sản phẩm đồ uống của Công ty TNHH Thương Mại – Dịch Vụ Tân Hiệp Phát (Cty Tân Hiệp Phát) bỗng nhiên thành tâm điểm chú ý của dư luận. Sở dĩ có hiện tượng lạ lùng này, theo các chuyên gia về kinh tế, truyền thông là do có sự thổi phồng, “hâm nóng” của các trang mạng, diễn đàn, trong số ấy, có cả những trang mượn cớ là bảo vệ người tiêu dùng nhưng thực chất là công kích, tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát(THP). Trước sự xuất hiện ồ ạt của những trang mạng này, nhiều chuyên gia đã nhận định nhà sản xuất này đang bị đối thủ dùng chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh để thôn tính, chiếm lĩnh thị phần.

Tin liên quan

Trước đây, nhiều doanh nghiệp nước giải khát truyền thống của người Việt đã phải chấp nhận “bán mình” cho các đại gia đồ uống thế giới bởi sự yếu thế của mình. ANTT điểm lại những cuộc “hợp hôn” vượt đại dương trong ngành đồ uống từng được dư luận chú ý này.

Liên doanh và bị “nuốt chửng”

Coca Cola từng liên doanh với công ty Việt Nam

Coca Cola được biết đến ở Việt Nam từ thập niên 60, tuy nhiên đến những năm đầu thập niên 90 mới bắt đầu chính thức kinh doanh. Lạ nước lạ cái, đối tác đầu tiên của Coca Cola là Công ty Nông nghiệp và thực phẩm Vinafimex, sau đó thêm một liên doanh khác xuất hiện tại miền Trung “Coca Cola Non Nước” được thực hiện do sự hợp tác với công ty Nước giải khát Đà Nẵng. Sau đó một thời gian Chính phủ đã cho phép các công ty liên doanh trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, các liên doanh của công ty này đã hoàn toàn trở thành sở hữu của Coca Cola. Rồi lần lượt những liên doanh tại Đà Nẵng và Hà Nội cũng chuyển sang hình thức sở hữu tương tự.

Đến năm 2001, các công ty nước giải khát của Coca Cola tại 3 miền được hợp nhất thành một và chung sự quản lý của Coca Cola Việt Nam.

Đầu tiên phải kể đến Vinafimex, nhiều thông tin đưa ra công ty này đã bán 30% cổ phần của mình cho Coca Cola với giá 2 triệu USD, rồi lần lượt các nhà máy Coca Cola: Ngọc Hồi (có vốn đầu tư hiện có là 151 triệu USD) , Chương Dương (vốn đầu tư hiện có 182,5 triệu USD), Non Nước (vốn đầu tư hiện có 25 triệu USD) được Bộ Công nghiệp cho phép sáp nhập. Từ đó một công ty sản xuất và kinh doanh nước ngọt lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 350 triệu USD đã ra đời.

Tiếp tục sau đó, Bộ Công nghiệp lại ra công văn đồng ý về nguyên tắc sáp nhập 4 doanh nghiệp của Tập đoàn Coca Cola tại Việt Nam

Coca Cola từng dính vào nghi án “chuyển giá” với 10 năm không nộp thuế cho nước sở tại. Nhưng mặc dù liên tục báo lỗ nhưng doanh nghiệp đồ uống này vẫn được công ty mẹ đầu tư 300 triệu USD vào thị trường ở Việt Nam, và trong suốt 10 năm không đóng thuế các chỉ số của Coca Cola như chỉ số về số lượng, thị trường…vẫn tăng liên tục.

Bài ca không quên: lỗ

Có thể nói hầu như chiêu thức “lỗ” liên miên của những cuộc “hôn nhân” giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài đã dần đẩy các đối tác Việt Nam phải bán lại cổ phần đã là chiêu bài quá “quen” mà các doanh nghiệp ngoại áp dụng để thâu tóm đối tác.

Không riêng gì trường hợp đối tác Việt Nam bị Coca Cola “thâu tóm” mà Công ty CP Nước giải khát Sài Gòn – Tribeco cũng là một trong những đối tác của doanh nghiệp nước ngoài và phải chịu số phận tương tự.

Từng là thương hiệu sữa đậu nành có tiếng trong nước và thuộc lứa doanh nghiệp “hạt giống” trên sàn chứng khoán từ những ngày đầu, giai đoạn trước và sau khi niêm yết Tribeco kinh doanh rất hiệu quả và cổ tức tiền mặt duy trì từ 15 – 18%.

Đến năm 2005, Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô đã mua lại hơn 35% cổ phần của Tribeco. Tiếp đó, Tribeco tiếp tục hợp tác với đối tác là Uni – President – một Tập đoàn thực phẩm của Đài Loan.

Cuối năm 2008, Tribeco gây ra cú sốc với toàn thị trường khi tuyên bố lỗ 145 tỷ đồng, thế nhưng 9 tháng đầu năm này Tribeco vẫn báo lãi, đây được coi như một cú sảy chân khó hiểu của Tribeco.

Nhìn lại, năm 2007, Uni – President đã mua lại 15% cổ phẩn của Tribeco, đến cuối năm 2011 con số này tăng lên 43,6%. Cú sốc năm 2008 khiến Tribeco phải tái cơ cấu tài chính và chuyển nhượng phần góp vốn ở công ty liên kết Tribeco Bình Dương và người mua lại là Uni – President và hiện tại Tập đoàn này của Đài Loan đã giữ 100% vốn của Tribeco Bình Dương.

Từ đó, Tribeco (Sài Gòn) làm nhiệm vụ phân phối và lập hệ thống còn Tribeco Bình Dương đảm nhiệm việc sản xuất, theo một cựu thành viên HĐQT của Tribeco từ khi năm 100% vốn tại Tribeco Bình Dương và Tribeco (Sài Gòn) sảy chân, Uni – President muốn sáp nhập ngược Tribeco (Sài Gòn) và Tribeco Bình Dương nhưng dự định này bất thành vì không thể giải quyết nút thắt pháp lý.

Đến cuối tháng 6/2012, Tribeco tổ chức Đại hội cổ đông thường niên, toàn bộ người của Kinh Đô đã từ nhiệm và nhường ghế cho Uni – President và thành viên HĐQT người Việt Nam cũng từ nhiệm sau đó.

Carlsberg và cuộc hợp hôn với Bia Huế

Bia Huế từng là một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam, vào những năm 90 trước tình trạng khó khăn, hãng bia này đã tìm lối “gỡ khó” là thực hiện liên doanh, liên kết với hãng bia Đan Mạch Carlsberg, sau gần 2 thập kỷ, cuối năm 2011, Carlsberg đã mua lại vốn của đối tác Việt Nam là UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế để từ một đơn vị liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.

Được biết, hãng bia Đan Mạch này đã bỏ ra 1.875 tỉ đồng để mua lại phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bia lớn nhất miền Trung, Công ty Bia Huế. Trong đó, 775 tỉ đồng trả cho giá trị hữu hình là cơ sở vật chất của 2 nhà máy và hơn 1.100 tỉ đồng trả cho giá trị thương hiệu Bia Huda.

Không chỉ có vậy, Carlsberg cũng đang sở hữu 55% nhà máy bia tại Bà Rịa - Vũng Tàu có công suất 50 triệu lít một năm. Trong liên doanh Nhà máy bia Đông Nam Á (Halida) với Công ty bia Việt Hà, Carlsberg sở hữu 60% và thêm 30% trong liên doanh với Công ty bia Hạ Long. Với Habeco, Carlsberg đang sở hữu 17,23% vốn điều lệ nhưng đang đề xuất tăng phần vốn nắm giữ lên 30%...

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nội không muốn "bán mình" thời gian qua cũng đã phải đối mặt với nhiều sóng gió khi nhiều trang web mượn cớ bảo vệ người tiêu dùng nhưng thực chất là công kích, tẩy chay sản phẩm như trường hợp của Tân Hiệp Phát đang đối mặt... 

Kiều Chinh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến