Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) vừa công bố doanh thu thuần năm 2021 đạt 10.501 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. 2021 là năm đầu tiên đánh dấu sự mở rộng nhanh chóng của doanh nghiệp thuộc nhóm đầu trong ngành hàng kem với thương hiệu Merino, Celano và dầu ăn với nhãn hàng Tường An, Vocarmiex sang các lĩnh vực chuỗi cà phê, trà sữa, nước giải khát, bánh kẹo.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh trong năm qua, đặc biệt mặt hàng dầu ăn phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, biên lãi gộp của Kido bị ảnh hưởng khi tỷ suất lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 21,2% xuống còn 19,6%.
Tuy nhiên, nhờ kiểm soát chi phí vận hành, lợi nhuận sau thuế của Kido năm qua tăng trưởng gần 100% so với cùng kỳ 2020 lên 648 tỷ đồng. Nếu loại trừ 2 năm 2015-2016, thời điểm hạch toán lợi nhuận tài chính sau thương vụ chuyển nhượng lại mảng bánh kẹo cho Mondelez, đây là năm Kido đạt lợi nhuận cao nhất sau khi tái cấu trúc.
Trong năm qua, tổng tài sản của Kido cũng tăng mạnh gần 2.000 tỷ đồng từ 12.349 tỷ đồng lên 14.132 tỷ đồng. Phần tăng thêm chủ yếu do giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng mạnh trong năm 2021.
Trải qua 12 tháng mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh mới, dư nợ của Kido cũng tăng mạnh khi giá trị vay vốn ngân hàng ngắn hạn tăng thêm hơn 1.100 tỷ đồng. Công ty đồng thời cũng phát sinh thêm gần 1.000 tỷ đồng dư nợ vay dài hạn, cụ thể do hoạt động phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, dư nợ vay ngân hàng ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động tăng thêm có lẽ không tạo áp lực lớn với Kido khi các khoản vay tín chấp này có lãi suất rất ưu đãi bình quân từ 3-5%/năm cùng với việc tập đoàn này có dòng tiền ổn định cùng khoản tiền mặt rủng rỉnh gần 1.300 tỷ đồng. Đặc biệt, một ngân hàng nước ngoài thậm chí cho Kido vay tín chấp 344 tỷ đồng cùng 15 triệu USD với lãi suất thuộc hàng thấp nhất thị trường chỉ 2,09%/năm.
Trong năm tới, đại diện Kido cho biết sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm, ngành hàng mới trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu như nước chấm, gia vị, snacking, các loại thức uống dinh dưỡng. Trước đó, Tổng Giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên từng chia sẻ công ty sẽ tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm để nhanh chóng chinh phục cột mốc doanh thu tỷ USD.
Với ngành hàng kem, Kido hiện đã đứng đầu thị trường với gần một nửa thị phần. Tuy nhiên, kem lại là sản phẩm thực phẩm không thiết yếu nên khó có thể giúp công ty tiếp tục tăng trưởng bứt phá. Thay vào đó, Kido đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng thị phần và gia tăng khoảng cách với đối thủ.
Ngành hàng chủ lực chiếm tỷ trọng hơn 80% doanh thu hiện tại của Kido là dầu ăn lại có một đặc thù khác là biên lợi nhuận không cao khi phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Với mảng dầu ăn, Kido vẫn tiếp tục nỗ lực để chiếm lấy thị phần số một thị trường từ tay Calofic trong 2-3 năm tới.
Ở các mảng kinh doanh mới triển khai như thương hiệu chuỗi cà phê, trà sữa, ngành hàng bánh kẹo, tập đoàn thực phẩm của hai anh em doanh nhân Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên đang đặt kỳ vọng sẽ bứt tốc, hướng đến việc vươn ra thị trường thế giới sau hàng loạt động thái bắt tay chiến lược với các đối tác lớn thời gian gần đây.
Tác giả: Việt Đức
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy