'Khoáng sản đừng chảy nữa, Việt Nam tôi còn nghèo'
30/09/2014 10:01:44
ANTT.VN - Từ trước đến giờ, nhiều thế hệ người Việt Nam, ngay từ tấm bé vẫn được bao bọc trong một lối suy nghĩ về sự “giàu có” của tài nguyên thiên nhiên đất nước.

Tin liên quan

Có những thời kỳ, ngay từ thuở mới chập chững bước đến trường, bài học vỡ lòng “rừng vàng, biển bạc”  lại chính là những hình dung đầu tiên về bức tranh Tổ quốc phác tạc trong mỗi con người.

Thế giới ngưỡng mộ Việt Nam về ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc và mỗi người dân đất Việt có quyền tự hào, cũng như có trách nhiệm bảo vệ một dải non sông tươi đẹp mà Mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng.

Hiện nay, Việt Nam đã phải nhập khẩu "ngược" than để phục vụ nhu câu trong nước 

“Nghèo” mà “hoang”

Rừng ta có gỗ, có vàng, có sắt…; biển lại cho ta tôm cá, khí dầu…. Đúng là tài nguyên nước ta rất phong phú; nhưng "giàu, nhiều" thì chắc chắn là không! Bởi trữ lượng của các loại tài nguyên không được tái tạo của chúng ta khá khiêm tốn và vốn dĩ "miệng ăn núi lở" nên những của cải tự nhiên đó vẫn đang “vơi” qua từng ngày với tốc độ rất nhanh.

Điển hình, theo Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH-Vinacomin, trữ lượng than của thế giới đạt bình quân khoảng 120 tấn/người, còn Việt Nam chưa tới 25 tấn/người. Xét trên khía cạnh tài nguyên, thực sự chúng ta “nghèo”.

Bên cạnh đó, để làm ra 1 USD GDP thế giới cần 0,2-0,5 KWh điện, còn Việt Nam cần tới gần 1 KWh điện. Thế giới dùng 1kg than để phát ra 3 KWh điện, trong khi Việt Nam chỉ phát được 2 KWh điện. Thế giới dùng đá trắng để làm ra mỹ phẩm, còn Việt Nam dùng đá trắng khai thác ở Nghệ An làm đá lót đường. Như vậy, ngoài việc “ nghèo” chúng ta lại còn “hoang”.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đánh giá Việt Nam là nước “tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào” (trình độ thấp nhất trong 3 giai đoạn tăng tưởng: dựa trên yếu tố đầu vào, dựa trên hiệu quả, dựa trên đổi mới). Là một nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, trong một thời gian dài chúng ta phải chấp nhận sử dụng tài nguyên khoáng sản để làm “vật tế thần” phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Chúng ta xuất khẩu than đá, dầu thô, quặng theo kiểu “ăn xổi” (mới qua sơ chế, xử lý ở trình độ thấp) và lại nhập khẩu khí đốt, xăng dầu, trang sức, sắt thép với hàm lượng giá trị gia tăng rất cao.
Bởi áp lực tăng trưởng, lượng lớn tài nguyên khoáng sản đã bị “đào” lên rồi “chạy”  thẳng ra cửa khẩu, cảng biển và các đường tiểu ngạch để “chảy” sang nước ngoài. Đó là chưa kể tới những tác động tiêu cực về môi trường , xã hội do việc cấp phép tràn lan của chính quyền địa phương  cũng cách khi thác vô trách nhiệm của các doanh nghiệp.

Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã lại bắt đầu phải nhập khẩu ngược than đá cũng như nhiều khoáng sản kim loại phục vụ cho nhu cầu trong nước (chủ yếu do nguồn cung nội địa bị cạn kiệt). Trữ lượng dầu khí ở thềm lục địa cũng được dự báo chỉ đủ để khai thác trong vòng 20 năm nữa. Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước có diện tích nhỏ, có tuổi địa chất không lớn. Vì vậy, về mặt khoa học, không có đủ không gian và thời gian để hình thành những mỏ khoáng sản lớn.

Bên cạnh đó, đối với một nền kinh tế, mọi khoáng sản khi chưa khai thác đều là tích sản và có một chi tiết rất đáng lưu ý đó là tại thời điểm 10h55’ ngày 28/10/2014 đồng hồ công nợ thế giới (Global debt clock) trên trang web www.economist.com báo mức nợ công của Việt Nam đang là 84,253  tỷ USD, chiếm 47,3% GDP…

Khoáng sản vẫn “chảy máu”

Mới đây, Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc đã công bố các số liệu thống về hoạt động của ngành công nghiệp luyện kim tại nước này. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu một lượng quặng sắt kỷ lục, lên tới 457,16 triệu tấn, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số nhập khẩu quặng sắt kỷ lục trên nhìn qua có vẻ chỉ là một sự thống kê đơn thuần giúp những người quan tâm có thêm dữ liệu để hình dung rõ hơn về sức bật và quy mô của nền kinh tế thứ 2 thế giới vẫn đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ này. Và những con số tham khảo ấy dường như không có nhiều sự liên quan hoạt động khai khoáng ở nước ta khi theo công bố thì những nhà xuất khẩu quặng lớn nhất cho thị trường này là Australia (56,1%) và Braxin (17,6%), ngoài ra còn có, Sierra Leone, Ấn Độ, Canada, Nga, Indonesia và không có Việt Nam (vốn trước đó vẫn tích cực xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc). Không khó để lý giải điều này, bởi theo Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế  biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản thì Nhà nước đã cấm xuất khẩu tất cả các loại khoáng sản trừ dầu thô và than đá kể từ ngày 09/01/2012. Nhưng thực tế có hoàn toàn đúng như vậy?

Nhiều tài nguyên khoáng sản vẫn âm thầm "chảy lậu" ra nước ngoài

Trở về cuối năm 2012, khi nhiều doanh nghiệp và địa phương  kiến nghị Chính phủ cho phép cho xuất khẩu “nốt” lượng quặng còn tồn đọng trong bối cảnh tồn kho toàn ngành rất lớn, chưa tìm được đầu ra ở thị trường trong nước thì sau đó, Văn phòng Chính phủ đã ra Công văn số 407/TB-VPCP ngày 17/12/2012 thông báo kết luận của Thủ tường đồng ý đề nghị cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản tồn kho để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính phối hợp với các địa phương già soát, kiểm tra để thực hiện.

Do đó, sang năm 2013 một số doanh nghiệp khoáng sản đã được cấp phép xuất khẩu số quặng còn tồn đọng. Cụ thể, trong năm 2013 theo số liệu mà hải quan Việt Nam ghi nhận có khoảng 1,25 triệu tấn quặng sắt được xuất sang Trung Quốc với giá trung bình 48,72 USD/tấn. Tuy nhiên đối chiếu với số liệu hải quan Trung Quốc ghi nhận lại có sự chênh lệch rất lớn, khi mà theo hải quan Trung Quốc thống kê có tới 4,5 triệu tấn quặng sắt được nhập khẩu từ Việt Nam, giá nhập bình quân 84,75 USD/tấn (chênh nhau hơn 3,1 triệu tấn, với mức giá chênh lệch khoảng 36,08 USD/tấn). Với số “vênh” như vậy, rõ ràng chúng ta đã bị “chảy máu” một lượng lớn tài nguyên do xuất khẩu “lậu”.

Theo tính toán sơ bộ, hằng năm Nhà nước thất thu hơn 3.000 tỉ đồng do không thu được các khoản thuế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phí bảo trì đường bộ và 40% thuế xuất khẩu quặng sắt. Nếu kể thêm việc kê khai giá quặng thấp chỉ bằng 1/2 giá thực xuất cho Trung Quốc, ước tính có trên 500 tỉ đồng/năm bị thất thu thuế xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Mất tài nguyên lại thất thu ngân sách. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những chế tài mạnh hơn, xiết chặt kiểm soát để giải quyết tình trạng khoáng sản của tổ quốc vẫn không ngừng “chảy máu”.

Ninh Giang

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến