Thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: A.M
Áp dụng cơ chế phí
Sau gần 6 tháng rốt ráo nghiên cứu, tuần qua, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 8646/BGTVT-TC gửi các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Tư pháp xin ý kiến về phương án thu hồi vốn đối với các đoạn cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Phương án thu hồi vốn), trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đây là một trong nhiệm vụ rất cấp bách nhằm tránh tạo ra khoảng trống trong việc vận hành, khai thác, thu phí 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự kiến lần lượt hoàn thành từ cuối tháng 12/2021 đến đầu năm 2023, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2.
Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn bộ 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư 100% vốn với tổng mức đầu tư lên tới 65.268 tỷ đồng đang bám sát kế hoạch đề ra, trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành tới 75% khối lượng.
Trước đó, tại Thông báo số 154/TB-VPCP ngày 7/6/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu đề xuất cơ chế Nhà nước thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư phát triển GTVT, báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan.
Tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21/7/2017 về quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2021, Quốc hội cũng đã giao Chính phủ nghiên cứu áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công.
Được biết, điểm nhấn quan trọng nhất trong Phương án thu hồi vốn là việc Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương phương án thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thông qua trạm thu phí đối với 8 đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí.
Mức thu phí được Bộ GTVT dự kiến từ 1.000 - 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn (PCU/km), tùy từng tuyến; áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT kiến nghị giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản. Cơ quan này sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Cần tổ chức thu minh bạch
Tại Phương án thu hồi vốn, Bộ GTVT đánh giá, mức thu phí dự kiến tại 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (1.000 - 1.500 đồng/PCU/km) là tương đồng với mức thu của các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác và phù hợp với mức chi trả, lợi ích thu được của người sử dụng đường cao tốc.
Hiện mức thu phí sử dụng của một số tuyến đường cao tốc đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư tài chính phát triển hạ tầng và một số nhà đầu tư tư nhân khai thác dao động từ 1.000 đến 2.100 đồng/PCU/km.
Tính toán của cơ quan xây dựng Phương án thu hồi vốn cho thấy, trong trường hợp lưu lượng phương tiện tăng trưởng theo đúng kịch bản, với mức thu 1.000 - 1.500 đồng/PCU/km tùy từng tuyến, thì sau khi trừ chi phí vận hành, bảo dưỡng và tổ chức thu, ngân sách sẽ thu được khoảng 2.130 tỷ đồng/năm từ 8 tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đồng trong giai đoạn 2025 - 2030.
Đây là khoản thu rất quan trọng, không chỉ tạo nguồn lực tái đầu tư mở rộng mạng lưới đường cao tốc, mà còn trực tiếp giúp giảm áp lực bố trí ngân sách cho việc duy tu, bảo trì 8 tuyến cao tốc này.
Được biết, hiện kinh phí hàng năm cho công tác bảo trì đường bộ được bố trí từ ngân sách nhà nước. Theo số liệu thống kê, những năm qua, ngân sách nhà nước chỉ cân đối và đáp ứng được 35-40% yêu cầu.
“Nếu không có nguồn kinh phí để bố trí đúng, đủ cho công tác bảo trì, thì hệ thống đường bộ cao tốc sẽ xuống cấp nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ (VARSI), hiện Nhà nước thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, nên việc tổ chức thu phí thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư có thể dẫn đến phản ứng của các đối tượng tham gia giao thông, sẽ có ý kiến cho rằng “phí trùng phí”. “
Tuy nhiên, do đường cao tốc Bắc - Nam đem lại lợi ích cho người tham gia giao thông cao hơn so với Quốc lộ 1 song hành, nên người dân nhất định sẽ ủng hộ nếu mức thu hợp lý, tổ chức thu minh bạch”, ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI đánh giá.
Tác giả: Anh Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy