Khối lượng TPCP huy động giảm do tác động từ Thông tư 36
13/01/2015 13:22:54
ANTT.VN – Việc khối lượng TPCP huy động được đối với kỳ hạn dài từ 10 năm đến 15 năm giảm xuống được cho là do chịu tác động từ Thông tư 36 do NHNN ban hành với quy định về giới hạn tỷ lệ tối đa đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn.

Tin liên quan

Theo đó, Tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) trong tháng 12/2014 đạt 8.202 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng trái phiếu trúng thầu có kỳ hạn 3 năm đạt 5.055 tỷ đồng (chiếm 62% tổng khố lượng phát hành trong tháng), kỳ hạn 5 năm là 1.987 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 20 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm có khối lượng là 1.140 tỷ đồng.

Cũng trong tháng cuối cùng của năm 2014, lãi suất TPCP có xu hướng tăng so với tháng 11/2014. Cụ thể, mức lãi suất trung bình TPCP có kỳ hạn 3 năm khoảng 5,2%, tăng 0,3% so với tháng trước. Lãi suất trung bình TPCP có kỳ hạn 5 năm khoảng 5,95%/năm, tăng 0,6% so với tháng trước. Lãi suất trung bình TPCP có kỳ hạn 15 năm là 7.8%/năm, tăng 0,8% so với phiên phát hành cuối tháng 11/2014.

Mặc dù tổng khối lượng phát hành TPCP tăng nhưng khối lượng TPCP huy động được đối với kỳ hạn dài từ 10 năm đến 15 năm giảm xuống. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do tác động  của Thông tư 36/2014/TT-NHNN do NHNN ban hành vào ngày 20/11/2014, có hiệu lực từ tháng 2/2015 quy định về giới hạn tỷ lệ tối đa đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) so với nguồn vốn ngắn hạn có tác động mạnh đến TTTP.

"Còn sớm để cho rằng, Thông tư 36 tác động tiêu cực đến TTTP thời gian qua". (Ảnh minh hoạ)

Trả lời trên báo ĐTCK, ông Phạm Thanh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, theo khảo sát của VBMA, 29% NĐT trên thị trường cho biết đã hết hạn mức để có thể đầu tư thêm TPCP trong thời gian tới. Dẫu vậy, còn sớm để cho rằng, Thông tư 36 tác động tiêu cực đến TTTP thời gian qua, nhưng hiệu ứng tâm lý là thận trọng hơn mức cần thiết trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô đều diễn biến tích cực là khá rõ.

“Về dài hạn, Thông tư 36 sẽ có ảnh hưởng tích cực tới thị trường, đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), tạo áp lực phân bổ hợp lý nguồn vốn của các NHTM vào tăng trưởng tín dụng, qua đó nâng cao năng lực quản trị nguồn vốn...” – ông Hà nói.

Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư TPCP dài hạn của các NHTM giảm do các quy định về đầu tư tín dụng vào lĩnh vực bất động sản được nới lỏng. Theo Thông tư 36, hệ số rủi ro đối với các khoản vay khó đòi đối với lĩnh vực bất động sản được giảm từ 250% xuống 150%. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc giảm hệ số rủi ro cùng với việc tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn đầu tư trung dài hạn được xem như một thông điệp của NHNN đối với việc mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực này.

Ngoài ra, theo báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi cũng là cơ sở cho các NHTM đẩy mạnh hoạt động tín dụng bất động sản thay vì đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Trước những diễn biến này trên TTTP để hạn chế bất cập, Phó Chủ tịch VBMA đã đưa ra kiến nghị đối với NHNN “xem xét áp dụng một tỷ lệ thống nhất cho các NHTM trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài với chung một tỷ lệ là 35% để bảo đảm bình đẳng giữa các ngân hàng trong quản lý thanh khoản. Đồng thời,  xem xét yếu tố kỳ hạn còn lại của TPCP để tính toán chỉ số danh mục TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn, phù hợp với tiêu chí quy định tại Điều 17 TT36 là tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn.”

Diệu Ly (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến