Những bài học đắt giá từ khủng hoảng đồng Rúp
13/01/2015 11:25:21
ANTT.VN - Liệu Nga đã thực sự vượt qua khủng hoảng tiền tệ và các nền kinh tế thế giới rút ra điều gì từ cuộc chiến này.

Tin liên quan

Bị giáng mạnh bởi giá dầu lao dốc và lệnh trừng phạt kinh tế từ châu Âu và Mỹ, nền kinh tế Nga đang lâm phải tình cảnh khó khăn đặc biệt trong năm qua, khi đồng Rúp đã sụt giảm hơn một nửa so với đồng đô la Mỹ, lạm phát cán mốc 10% và GDP giảm lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây.  Người đàn ông quyền lực và mạnh mẽ của nước Nga, tổng thống Vladiamir Putin không có sự lựa chọn nào khác mà phải thừa nhận sẽ mất ít nhất 2 năm để quốc gia này phục hồi.
Có  hai luồng giải thích chính cho sự sụp đổ đột ngột của nền kinh tế Nga: thứ nhất việc giá dầu sụt giảm liên tiếp đã ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc 50% vào khai thác dầu mỏ này. Thứ hai là lệnh trừng phạt kinh tế phương Tây áp đặt lên cùng với những đòn hiểm của Mỹ nhằm giảm giá dầu cũng đã cùng nhau kéo nền kinh tế Nga xuống vũng bùn.

Tuy nhiên trong hai giả thuyết trên không có cái nào là toàn diện hay khách quan.“Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, trước hết phải nói rằng sự khó khăn đến với Nga trong thời điểm này cũng là do cấu trúc kinh tế bất cân xứng, phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng. Quốc gia này cũng thất bại trong việc liên kết với hệ thống thương mại toàn cầu và kết quả là không thể cân bằng được rủi ro tài chính khi dính líu đến cuộc khủng hoảng chính trị với Ukraine.

Để ngăn chặn đà giảm của đồng Rúp khi đồng tiền này đã có lúc chạm mốc 80ruble/USD Tổng thống Putin đã dung biện pháp nâng lãi suất cơ bản lên gần gấp đôi từ 10,5% lên 17% đồng thời kết hợp với một số biện pháp khẩn cấp như huy động các công ty tài chính bán ngoại tệ ra thị trường, làm tăng giá trị của đồng nội tệ. Bên cạnh đó các tập đoàn và doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Nga cũng buộc phải tung bớt dự trữ ngoại tệ ra thị trường nhằm “cứu” đồng Rúp.

Đến ngày 25/12/2014 thì Nga đã tuyên bố cuộc khủng hoảng tiền tệ kết thúc khi đồng Rúp tăng 35% trở lại so với USD. Tuy nhiên, trong gần 2 tuần đầu năm 2015, đồng Rúp Nga đã lại quay đầu giảm giá so với đồng bạc xanh. Trong một tuần đầu năm nay đồng tiền Nga đã tiếp tục mất giá 8% so với đô la Mỹ khi dầu Brent tiếp tục giảm dưới cả ngưỡng nguy hiểm 50USD/thùng. Bên cạnh đó, những chính sách mạo hiểm để cứu đồng Rúp trong những ngày cuối năm 2014 cũng gây tổn thất mạnh mẽ cho Nga: dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh, lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp Nga bị o ép bởi lãi suất mới quá cao. Điều này châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất khiến thế giới phải nhớ lại thời điểm năm 1998.

Bài học cho nước Nga
Có thể nói các vũ khí mà Nga hiện đang dùng để thoát khỏi khủng hoảng đồng Rúp đều là vũ khí thông thường, phổ biến và thường được dùng ở giai đoạn đầu trong các cuộc khủng hoảng tiền tệ trên thế giới.

Việc nâng lãi suất cơ bản là “con dao hai lưỡi”. Khi tăng lãi suất đột ngột với biên độ lớn như vậy, các nhà đầu tư sẽ tích cực nắm giữ tài sản bằng đồng ruble (hoặc, ngược lại, ngăn chặn cơn sợ hãi của nhà đầu tư rời bỏ các tài sản bằng đồng ruble và chuyển sang các tài sản bằng ngoại tệ và chuyển ra nước ngoài cho an toàn) đồng thời ngăn chặn hành động đầu cơ trục lợi của các nhà đầu tư thông qua việc vay bằng đồng ruble đang mất giá mạnh để đầu cơ vào USD, sau đó bán USD thu về nhiều hơn số đồng ruble đã vay.

Các biện pháp trên sẽ lập tức phát huy tác dụng hỗ trợ đồng nội tệ vì gián tiếp hay trực tiếp làm giảm nhu cầu USD, đồng thời lại làm tăng nguồn cung USD và bảo toàn quỹ dự trữ ngoại hối, góp phần hãm lại đà giảm không phanh của đồng Rúp.

Nhưng mặt bên kia của đồng xu tăng lãi suất cũng sẽ là cái giá đắt đỏ mà chính các doanh nghiệp Nga phải gánh chịu.

Việc nâng mạnh lãi suất sẽ là đòn giáng mạnh vào tiêu dùng và đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp ở Nga. Để phục hồi lòng tin vào đồng ruble, lãi suất buộc phải giữ ở mức đủ cao và đủ lâu. Nếu lãi suất cao kéo dài trong một thời gian sẽ không những làm giảm cầu tiêu dùng và đầu tư ngay lập tức mà còn châm ngòi cho kỳ vọng suy thoái kinh tế trong những quý tới, lại làm người tiêu dùng và nhà đầu tư càng co cụm lại, không dám tiêu dùng và đầu tư. Bởi thế, nâng mạnh lãi suất chỉ có thể là một giải pháp nhất thời, chứ không thể kéo dài và là biện pháp chủ đạo để vực nền kinh tế dậy.

Như vậy, có thể thấy các biện pháp hiện tại của Nga chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, chỉ giúp họ mua thêm thời gian trước khi có những biện pháp cơ bản khác và hữu hiệu hơn được thực thi.

Các lựa chọn chính sách còn lại cho Nga là tiếp tục dùng dự trữ ngoại hối, được cho là khá lớn, để ổn định tỷ giá; thi hành kiểm soát vốn cũng như liên hệ nhờ vả đến IMF và cả đồng minh Trung Quốc; tái cấu trúc kinh tế để giảm phụ thuộc vào dầu, đồng thời khôi phục, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và EU để không chịu thêm các ảnh hưởng từ cấm vận và trừng phạt.

Tuy nhiên trong tình cảnh hiện nay của Nga khi vẫn đang vô cùng kiêu hãnh trong cuộc chiến trên chính trường và giá dầu không biết khi nào sẽ hồi phục, thì việc thực hiện những biện pháp nêu trên vẫn rất khó khăn để thực thi.

Những bài học khác
những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào một ngành công nghiệp nào đó cũng có thể rút ra bài học đắt giá từ khủng hoảng đồng Rúp tại Nga. Đơn cử như Trung Quốc và Đài Loan.

Hai quốc gia này cũng đang chịu  một vấn đề tương tự, đó là nền kinh tế phụ thuộc bất cân xứng vào một ngành công nghiệp. Ví dụ như Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào nền kinh tế bất động sản. Năm 2013, đầu tư bất động sản của TQ chiếm 20% trên tổng số đầu tư tài sản cố định. Trong năm ngoái, thị trường nhà đất TQ đã phải chứng kiến sức mua vô cùng trì trệ so với những năm trước do nhu cầu giảm và những điều này sẽ khiến nền kinh tế cực kỳ khó phục hồi nếu tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Về phần Đài Loan, nền kinh tế này đã phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, các sản phẩm IT và viễn thông. Việc khả năng sinh lời của các doanh nghiệp IT Đài Loan gần đây sụt giảm kết hợp với việc phụ thuộc quá mức vào lĩnh vực này đã khiến nền kinh tế quốc gia không thể đứng vững khi thị trường biến động mạnh.

Trung Quốc cần sử dụng mạng lưới kinh tế của mình để giúp tái cấu trúc những nền công nghiệp truyền thông và mở ra những cơ hội kinh doanh mới. Điều này cũng là một thách thức đối với chính quyền Bắc Kinh khi phải nới lỏng những luật lệ đối với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Bài học đắt giá khác chính là vấn đề toàn cầu hóa. Nga đã quá tự tin khi dựa chủ yếu vào nền công nghiệp dầu mỏ với thời điểm hoàng kim những năm 2010 để thiếu chăm lo cho việc gia nhập hệ thống thương mại toàn cầu. Quốc gia này đã chậm chân khi gia nhập WTO vào năm 2012. Thêm vào đó, Nga lại dựa quá nhiều vào thị trường châu Âu để xuất khẩu các mặt hàng năng lượng và đang nỗ lực tìm những thị trường mới như châu Á để có thể tiêu thụ dầu. Tuy nhiên chỉ đến khi lệnh trừng phạt bắt đầu áp lên vào giữa năm 2014 thì Nga mới bắt đầu “lò dò” tìm kiếm những mối mua mới từ thị trường Đông Á trong đó có cả Trung Quốc.

Bên cạnh đó phải nhắc đến vũ khí nguy hiểm: lệnh trừng phạt. Đây vốn là một biện pháp nguy hiểm mà các “ông lớn” trên thế giới vẫn hay áp dụng như một cách khuất phục nhau bằng vũ khí tiền tệ. Tuy nhiên đây là một dụng cụ nhạy cảm, có thể gây tích sát thương không chỉ cho đối thủ mà còn chính người sử dụng. Việc châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga qua việc sát nhập Crime là một ví dụ điển hình.

Trong khi dầu là yếu tố chính đằng sau sự sụt giảm của đồng Rúp thì lệnh trừng phạt của phương tây cũng đã chặn đường vay mượn các quốc gia nước ngoài cũng như việc gia tăng thương mại của Nga, lấy đi mất bước đệm cuối cùng của quốc gia này khi giá dầu suy giảm. Tuy nhiên không chỉ đem lại những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế này, lệnh trừng phạt còn gây những tác động nhất định cho thị trường châu Âu. Tại hội chợ công nghệ Mát-xcơ-va  tháng 11, các giám đốc điều hành châu Âu phải đối diện với thực tế mới khi phương Tây trừng phạt Nga: số lượng khách tham quan và bạn hàng giảm chỉ còn một nửa so với năm ngoái.

Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov ngày 4/12 tuyên bố rằng nền kinh tế nước này đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh trừng phạt của EU, vốn được đưa ra chỉ nhằm vào nền kinh tế, tài chính và quốc phòng của Nga. Thêm vào đó, 1/4 khách du lịch đến Bulgaria là người Nga. Số lượng khách du lịch Nga sang nước này đang giảm và sẽ giảm nhiều hơn nữa do đồng rúp đang mất giá, dẫu nguyên nhân của việc này chủ yếu xuất phát từ giá dầu giảm nhiều hơn là lệnh trừng phạt của EU.

Trong  số các quốc gia châu Âu, Đức được coi là chịu tổn thất nặng nề nhất  khi hiện có hơn 6.000 công ty hoạt động tại Nga. Pháp cũng sẽ phải chịu tác động lớn từ những lệnh cấm vận này trong lĩnh vực quốc phòng và Anh rất có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả của các lệnh trừng phạt nhắm vào thị trường vốn.

Có lẽ trước khi xem xét sử dụng vũ khí lệnh trừng phạt, giới chức  phương Tây cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn về những ảnh hưởng của nó.

Tú Anh (theo Businessweek/Wantchinatimes)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến