Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt khi chỉ số điều chỉnh. Ảnh: Việt Linh.
Sau chuỗi phiên tăng giá liên tiếp với đỉnh điểm là mốc 1.185,6 điểm, VN-Index bắt đầu bước vào giai đoạn điều chỉnh. Trong tuần vừa diễn ra, chỉ số chính đại diện sàn HoSE ghi nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, qua đó giảm gần 6 điểm trong cả tuần và lùi về mốc 1.175,67 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường tuần này có xu hướng giảm dần về cuối tuần, bình quân giá trị giao dịch trong tuần thứ 4 của năm 2024 đạt 14.728 tỷ đồng. Diễn biến của VN-Index cho thấy mốc 1.185 điểm là vùng chịu áp lực chốt lời lớn, tuy nhiên dòng tiền vẫn sẵn sàng nhập cuộc và hỗ trợ nếu chỉ số rơi xuống vùng 1.170 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng phân hóa
Sau hơn một tháng bùng nổ, sức ảnh hưởng của cổ phiếu ngân hàng bắt đầu suy giảm. Dù vẫn đóng góp 4 đại diện, tương tự tuần trước đó, các cổ phiếu ngân hàng chỉ có thể đóng góp hơn 1 điểm vào đà tăng của chỉ số chung.
Mặt khác, ở nhóm 10 cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số thị trường, các cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn như BID, VCB và CTG lại khiến VN-Index thiệt hại 2,6 điểm.
Trên thực tế, áp lực chốt lời tại những cổ phiếu này là không tránh khỏi khi đã tăng lên vùng giá cao. Điển hình như cổ phiếu BID đang giao dịch ở mức đỉnh lịch sử 49.850 đồng/cổ phiếu, thị giá VCB trong khi đó cách mức kỷ lục chưa đến 1.000 đồng hay CTG đang ở vùng cao nhất kể từ tháng 2/2022.
VN-Index điều chỉnh sau khi va chạm với lực bán ở mốc 1.185 điểm. Ảnh: DNSE.
Bên cạnh 3 cổ phiếu ngân hàng nêu trên, chỉ số chứng khoán chung còn chịu áp lực từ cổ phiếu SAB của Sabeco, VHM của Vinhomes, GAS của PV Gas hay MSN của Masan.
Đối với SAB, mã này đã trải qua 4/5 phiên giảm trong tuần, qua đó giảm từ mốc 61.400 đồng xuống còn 57.300 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2023, thời điểm SAB thiết lập mức đáy dài hạn.
Theo báo cáo phân tích hồi giữa năm 2023, Chứng khoán Vietcombank cho biết nhu cầu phục hồi của ngành bia sau dịch Covid-19 hạ nhiệt và có thể lượng tiêu thụ sẽ thấp hơn so với mức sản xuất của các doanh nghiệp. Trong ngắn hạn, triển vọng ngành bia dự kiến tăng trưởng chậm lại khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Trong khi đó, thị giá VHM, GAS hay MSN vẫn đang đi ngang ở vùng giá thấp và chưa có dấu hiệu tạo đột biến.
Khối ngoại mua ròng 2 tuần liên tiếp
Tuần này, khối ngoại cho thấy động thái giao dịch rõ ràng hơn khi đẩy mạnh quy mô mua ròng. Tính riêng trên sàn HoSE, khối ngoại mua vào tổng cộng 288 triệu cổ phiếu và bán ra 234 triệu cổ phiếu, tương đương mua ròng 54 triệu cổ phiếu với giá trị gần 900 tỷ đồng. Đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp dòng tiền ngoại duy trì trạng thái mua ròng trên sàn TP.HCM.
Trong đó, cổ phiếu VCG của Vinaconex dẫn đầu giá trị mua ròng của khối này với 321 tỷ đồng. Kết phiên 26/1, cổ phiếu VCG tạm dừng ở mốc 25.450 đồng/đơn vị, tăng 34% so với đáy trung hạn thiết lập hồi đầu tháng 11 năm ngoái.
Mới đây, trong phiên 23/1, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua thêm hơn 4,5 triệu cổ phiếu VCG, qua đó nâng sở hữu tại Vinaconex từ gần 37 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,87%) lên hơn 41 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,71%). Tạm tính theo giá đóng cửa phiên này, ước tính số tiền mà nhóm Dragon Capital chi ra để hoàn thành thương vụ vào khoảng 114 tỷ đồng.
Kế sau VCG về giá trị mua ròng từ khối ngoại là cổ phiếu HPG của Hòa Phát với 289 tỷ đồng. Một cổ phiếu ngành thép khác là HSG của Hoa Sen cũng được dòng tiền ngoại gom ròng 140 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng vẫn là điểm đến thu hút dòng tiền ngoại. Điển hình như EIB được mua vào 237 tỷ đồng, CTG (+192 tỷ đồng), VPB (+152 tỷ đồng), VCB (+121 tỷ đồng).
Một số cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa cũng nhen nhóm tín hiệu được khối ngoại gom hàng trở lại, có thể kể đến LG (+98 tỷ đồng), VRE (+73 tỷ đồng), BCM (+60 tỷ đồng), PDR (+20 tỷ đồng), NVL (+18 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, nhóm thực phẩm đồ uống gồm VNM và SAB đang dẫn đầu giá trị bán ròng, lần lượt là 176 tỷ đồng và 174 tỷ đồng. Cổ phiếu DGC bị khối ngoại chốt lời 159 tỷ đồng khi đang có dấu hiệu bước vào đợt điều chỉnh.
Các cổ phiếu khác bị đưa vào danh sách hạ tỷ trọng của nhà đầu tư nước ngoài còn có VHM (-140 tỷ đồng), MSN (-134 tỷ đồng) và MWG (-102 tỷ đồng).
Đối với sàn HNX, khối ngoại vẫn duy trì vị thế bán ròng nhưng quy mô thu hẹp đáng kể so với tuần trước còn 15 tỷ đồng. Giao dịch nổi bật nhất tập trung ở cổ phiếu CEO và SHS khi đều bị bán trên dưới 22 tỷ đồng. Mặt khác, IDC của Idico hấp thụ hơn 36 tỷ đồng từ dòng tiền ngoại.
Thị trường UPCoM trong khi đó chứng kiến sự bùng nổ của cổ phiếu BSR khi được khối này mua ròng 175 tỷ đồng, qua đó đưa quy mô mua ròng trên UPCoM lên 152 tỷ đồng.
Tác giả: Minh Khánh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy