'Không bình luận sâu về dấu hiệu chuyển giá của Metro'
30/10/2014 09:37:10
ANTT.VN - Trong buổi đối thoại trực tiếp với chủ đề “Chống chuyển giá: giải pháp linh hoạt - chính sách phù hợp” ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch đầu tư) nói rằng "không bình luận sâu về dấu hiệu chuyển giá của Metro" và doanh nghiệp bị lỗ nhưng vẫn mở rộng chuỗi sản xuất là chuyện rất bình thường.

Tin liên quan

Trong thời gian gần đây, người dân quan tâm đến câu chuyện Metro Cash and Carry rời Việt Nam bằng cách bán lại chuỗi 19 đại siêu thị, sau khi báo lỗ liên tục trong hơn 10 năm hoạt động ở Việt Nam. Việc nợ đọng thuế, trốn thuế bằng hình thức tự giải thể rồi lập doanh nghiệp mới đã từng xảy ra. Vậy, đây có phải là một dạng của hình thức chuyển giá hay không, thưa ông?

Chúng ta cần nhận thức được định dạng được các hình thức của  chuyển giá, ta không nên chụp mũ, phải có bằng chứng để xem xét và xử lý đúng pháp luật. Tôi không đồng tình với quan điểm cứ nói chung chung về câu chuyện chuyển giá. Mà chuyển giá là câu chuyện của toàn thế giới không riêng một quốc gia nào. Trong trường hợp này, chưa có thông tin cụ thể nên tôi xin phép không bình luận sâu.

Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài

Trên cương vị là đơn vị chủ quản trên lĩnh vực đầu tư, xin ông cho biết chúng ta đã, đang và sẽ có cơ chế gì để xử lý các hành vi chuyển giá nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của nhà nước?

Cục đầu tư nước ngoài đã được Chính phủ giao làm đề án về chuyển giá, đã phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Tài Chính, cơ quan Công an cùng các đơn vị khác, nghiên cứu về chuyển giá báo cáo với Thủ tướng chính phủ và Thủ tướng chính phủ đã có bàn giao tiếp cho Bộ Tài chính. Việc chủ trì tiếp theo là Bộ Tài Chính, tuy nhiên với tư cách là cơ quan quản lý chung về đầu tư nước ngoài, chúng tôi xem xét chuyển giá không chỉ ở khâu thực thi mà ở ngay khâu triển khai khi bước vào Việt Nam và có thể có hiện tượng từ khi góp vốn, xây dựng. Trước đây chúng ta có quy định, sau khi nhà máy xây dựng xong, đi vào vận hành phải có giám định, và sau đó chúng ta có triển khai. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thì có thể nhận thấy việc giám định không phải là khâu đơn giản. Chúng ta đã bỏ quy định đi, hiện tại trong Luật đầu tư hiện nay bổ sung quy định, trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thể giám định lại.

Thưa ông, có nhiều doanh nghiệp báo lỗ triền miên nhưng lại tiếp tục mở rộng phạm vi kinh doanh tại Việt Nam. Chúng ta có nên đặt nghi vấn với những trường hợp này không?

Tôi nghĩ việc doanh nghiệp mở rộng sản xuất là chuyện rất bình thường, doanh nghiệp thua lỗ mở rộng là chuyện rất bình thường. Thua lỗ thì phải có phương án thu hồi vốn để thay đổi phương thức sản xuất, mở rộng kinh doanh bù lại cái gì trước đó đã sai, vì thế tôi nghĩ là vấn đề này rất bình thường. Chúng ta phải nghĩ lành mạnh câu chuyện đó và phải có căn cứ rất cụ thể và chính xác thì mới nói. Không có căn cứ mà chụp mũ thì tôi thấy không ổn, bởi các doanh nghiệp FDI phần lớn là nghiêm túc và khẳng định FDI có đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua và hiện nay.

Hàng chục % doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá là không bình thường, hành động này gây thất thu thuế và ảnh hưởng xấu tới đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, ông có nhận xét gì về vấn đề này?

Nếu chỉ là dấu hiệu thì không nên hiểu như vậy. Và càng không nên quy kết. Nếu có dấu hiệu thì việc tiếp theo là của cơ quan nhà nước. Có kết quả điều tra, chứng minh được là họ sai và lúc ấy mới kết luận còn chưa xác minh được thì tiếp tục giám sát. Phải khẳng định rằng Việt Nam đang là môi trường đầu tư tốt mà các nhà đầu tư hướng đến, vì thế chúng ta phải nghiêm túc đưa thông tin này.

Việc thu hút đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty lớn là cần thiết nhưng phải chăng nên có công bằng để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nội. Việc lo ngại doanh nghiệp nội bị chết có cơ sở không thưa Cục trưởng?

Chúng ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới  và đây là xu thế chung. Hội nhập sâu đem lại lợi ích cho nhiều quốc gia, đóng góp rất tốt cho môi trường đầu tư. Chúng ta không nên có sự phân biệt,  trong các thành phần kinh tế nước ta có thành phần kinh tế nước ngoài và chúng ta đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế.

Doanh nghiệp nội phải tự nâng cấp mình để tham gia cuộc chơi, tham gia vào biển lớn thì doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị. Khi đã biết trước chúng ta hội nhập như vậy các cơ hội đều bình đẳng công khai cho mọi doanh nghiệp trong nước và nước ngoài từng ngành nghề, từng doanh nghiệp phải có chiến lược tự nâng cấp mình. Chúng ta không chụp mũ đầu tư nước ngoài bóp chết đầu tư trong nước. Phải chăng doanh nghiệp trong nước chưa có sự chuẩn bị kĩ càng nên bị động trước cuộc chơi?

 Hội nhập giai đoạn đầu có ảnh hưởng nhưng sau một thời gian doanh nghiệp nội sẽ lấy lại được phong độ để thay đổi chính mình. Mỗi doanh nghiệp cần có sự đổi mới nhanh chóng vì thế giới phát triển tốc độ nhanh, chúng ta cần tăng tốc. Chính các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam sẽ tác động, kích thích môi trường cạnh tranh làm động lực cho sự phát triển.

Xin cảm ơn ông !

Thu Thủy – Thủy Tiên (ghi)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến