Dòng sự kiện:
Không dễ có sóng cổ phiếu từ chứng quyền
03/07/2019 10:48:45
Trong 6 mã chứng khoán cơ sở của 10 chứng quyền có bảo đảm (CW) vừa được niêm yết, 2 mã có 'sóng' trong 2 tuần gần đây là FPT và MWG, 4 mã còn lại gồm MBB, HPG, PNJ, VNM dao động trong biên độ hẹp.

Giữa tháng 6, khi giá cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội ở mức 20.100 đồng/cổ phiếu, có thông tin trên thị trường rằng, MBB được nhiều công ty chứng khoán chọn làm cổ phiếu cơ sở phát hành chứng quyền có bảo đảm (CW) sẽ giúp kích giá cổ phiếu này, nhưng đến nay, sóng cổ phiếu MBB chưa xuất hiện.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Everest cho biết, giới đầu tư đã truyền đi những khuyến nghị mua cổ phiếu MBB xuất phát từ hiệu ứng phát hành chứng quyền. Về lý thuyết, khi một cổ phiếu được chọn làm chứng khoán cơ sở phát hành chứng quyền thì nhà phát hành, tức công ty chứng khoán phải mua vào một lượng cổ phiếu làm kho hàng cho hoạt động phòng ngừa rủi ro.

Hoạt động mua này có thể tác động đến cầu cổ phiếu trong ngắn hạn khi nhiều nhà phát hành cùng mua. Nhưng trên thực tế, số lượng phát hành chứng quyền ban đầu rất nhỏ nên lượng cầu cổ phiếu từ nhà phát hành chứng quyền không đủ lớn để kích giá.

Theo quy định, với mỗi cổ phiếu cơ sở, tất cả các tổ chức phát hành chỉ được phát hành chứng quyền tối đa 10% khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng và mỗi đợt chào bán chỉ được phát hành tối đa 1,5% khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Việc quy định hạn mức cho mỗi đợt chào bán thể hiện sự thận trọng của cơ quan quản lý trong bước đầu phát triển sản phẩm chứng quyền.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, tác động tâm lý tích cực khi một cổ phiếu được chọn phát hành chứng quyền là có, do nhà đầu tư tin tưởng vào đánh giá của công ty chứng khoán về tiềm năng tăng giá của cổ phiếu. Theo logic, khi phát hành chứng quyền mua, công ty chứng khoán sẽ lựa chọn những cổ phiếu ít có khả năng giảm giá, có tiềm năng tăng giá cao để nhà đầu tư thành công, có lời khi tham gia sản phẩm mới. Càng được nhiều nhà phát hành lựa chọn càng chứng tỏ cổ phiếu có tiềm năng tăng giá.

Hai cổ phiếu cơ sở của chứng quyền tăng giá mạnh trong 2 tuần qua là MWG và FPT. Cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động tăng giá từ mốc 85.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 6 lên 95.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. MWG được 4 công ty chứng khoán lựa chọn phát hành chứng quyền trong đợt đầu. Ngoài ra, cổ phiếu MWG được nhà đầu tư kỳ vọng vào sự bùng nổ của chuỗi Bách hóa xanh.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận định, khi chuỗi Bách hóa xanh chưa vượt qua điểm hòa vốn thì việc MWG tăng trưởng lợi nhuận nhờ bán những sản phẩm chưa bao giờ bán như đồng hồ đem lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, khiến nhà đầu tư đánh giá lại dư địa tăng trưởng của nhà bán lẻ này. Theo đó, cổ phiếu MWG tăng giá chủ yếu là nhờ yếu tố cơ bản tốt, ngoài hiệu ứng chứng quyền.

Tương tự, giá cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần FPT tăng từ mốc 42.000 đồng/cổ phiếu lên 47.000 đồng/cổ phiếu. Tin cơ bản tốt giúp FPT tăng giá đều từ đầu năm đến nay. Hiệu ứng chứng quyền khi FPT đã thiết lập mặt bằng giá cao giúp cổ phiếu này bật tăng, đạt ngưỡng giá cao hơn.

Cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát không tăng giá do nhà đầu tư ngoại còn bán ra, nhưng ở mặt bằng giá hiện nay, HPG được nhà đầu tư kỳ vọng khó giảm mạnh. Giá cổ phiếu HPG vừa qua có diễn biến trồi sụt, không giảm sâu, cũng không tăng mạnh. Với thanh khoản cao, diễn biến giá này thích hợp với các nhà đầu tư lướt sóng. Hiệu ứng chứng quyền giúp HPG giữ vững được ngưỡng cản dưới, xét ở góc phân tích kỹ thuật.

Cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận dao động phổ biến trong khoảng 72.000 - 74.000 đồng/cổ phiếu từ giữa tháng 6 đến nay. Cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam dao động quanh 124.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận xét, thời điểm này, nhà đầu tư quan tâm đến tin tức trên thị trường thế giới nhiều hơn là thông tin trong nước.

Vì thế, trước khi chứng quyền được giao dịch, dù trên thị trường đã có kỳ vọng sẽ xuất hiện sóng cổ phiếu cơ sở, nhưng tin tức thế giới khi đó không tốt nên sóng không hình thành. Gần sát thời điểm niêm yết chứng quyền, đặc biệt là đầu tuần này, thông tin Mỹ - Trung nối lại đàm phán thương mại đã hỗ trợ thị trường, nhà đầu tư lạc quan hơn. Khi thị trường được hỗ trợ thì đương nhiên những cổ phiếu có tiềm năng tăng cao, là các cổ phiếu cơ sở cho chứng quyền, sẽ tăng giá trước tiên.

Sắp tới, nhiều công ty chứng khoán sẽ tham gia phát hành chứng quyền và có thêm chứng khoán được lựa chọn là chứng khoán cơ sở cho chứng quyền. Nếu thị trường có xu hướng tăng thì chứng khoán được lựa chọn phát hành chứng quyền sẽ có thêm động lực tăng. Nhưng thị trường chưa rõ xu hướng như hiện nay thì việc phát hành chứng quyền không tác động nhiều đến chứng khoán cơ sở. Về mặt tâm lý, chứng quyền sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi lựa chọn đầu tư trực tiếp cổ phiếu cho mục tiêu dài hạn.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến