Dòng sự kiện:
Không để đứt gãy nguồn cung lương thực, thực phẩm các tỉnh phía Bắc
15/08/2021 06:24:23
Các địa phương cần sẵn sàng vật tư nông nghiệp và có phương án mở rộng diện tích, tăng quy mô chăn nuôi gia súc gia cầm, sử dụng giống chất lượng để tăng quy mô và hiệu quả sản xuất.

Đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và thích ứng với điều kiện phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác đặc biệt ngành nông nghiệp triển khai với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương phía Bắc cần sẵn sàng vật tư nông nghiệp cho sản xuất và có phương án mở rộng diện tích, tăng quy mô chăn nuôi gia súc gia cầm, sử dụng giống chất lượng để tăng quy mô, hiệu quả sản xuất.

Tại tỉnh Bắc Giang, ngay sau khi dịch Covid 19 được khống chế trên địa bàn, ngành nông nghiệp địa phương đã tập trung khôi phục sản xuất, tháo gỡ những khó khăn trong khâu chế biến cũng như tiêu thụ nông sản.

Các địa phương phía Bắc tăng quy mô chăn nuôi gia súc gia cầm, sử dụng giống chất lượng để tăng quy mô, hiệu quả sản xuất.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành qua 6 tháng đầu năm đạt hơn 3%, gấp hơn 3 lần kế hoạch đề ra. Từ nay đến cuối năm, Bắc Giang sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện không để dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi, phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp địa phương khoảng 4,6%, vượt kế hoạch hơn 2%. Theo đó, không chỉ đáp ứng nguồn cung trong tỉnh về lương thực, thực phẩm mà sẽ có 40% sản lượng nông sản cung ứng ra các tỉnh lân cận.

“Bắc Giang rất quan tâm đến tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết, đặc biệt đã hình thành các HTX sản xuất nông nghiệp từ đó tổ chức kết nối với các siêu thị, điểm bán hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội. Hiện nay sản phẩm nông nghiệp Bắc Giang đã được duy trì và khôi phục rất tốt nên thực phẩm cung ứng cho Hà Nội cũng như thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng”, ông Tùng cho biết.

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản cả nước 7 tháng qua tiếp tục tăng 26,7%, đạt 28,6 tỷ USD, suất siêu khoảng 3,9 tỷ USD. Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến sản xuất, chế biến, lưu thông, cung ứng nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các địa phương phía Bắc, nhất là các địa phương đang có những khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng sản xuất lương thực, thực phẩm qua 7 tháng đầu năm và dự kiến kế hoạch trong những tháng cuối năm cơ bản đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid -19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành nông nghiệp các địa phương khu vực phía Bắc cần tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đảm bảo sản xuất cung ứng không những đáp ứng nhu cầu nội tỉnh mà còn cho thành phố Hà Nội và các địa phương trong khu vực.

“Sản xuất nông nghiệp cần có sự liên thông các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Nam và phục vụ xuất khẩu. Do vậy, ngoài những bài học, kế hoạch và phương án chủ động của các tỉnh, cần phải phối hợp với Bộ NN&PTNT cũng như các Bộ, ngành liên quan và những địa phương khác để đảm bảo được thắng lợi vượt qua khó khăn của dịch Covid”, ông Cường cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, bên cạnh mục tiêu phòng chống dịch, ngành nông nghiệp các địa phương, nhất là các tỉnh phía Bắc cần có sự linh hoạt trong chỉ đạo và triển khai trong chuỗi cung ứng. Đồng thời phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn ảnh hưởng đến tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Các tỉnh phía Bắc cần có sự linh hoạt trong chỉ đạo và triển khai trong chuỗi cung ứng.

Đây là việc cần làm ngay để có thể chủ động về thị trường và tiêu thụ nông sản, không chỉ đáp ứng đủ lương thực thực phẩm tại chỗ mà còn cung ứng cho các tỉnh lân cận và chuẩn bị khối lượng nông sản phục vụ cho giai đoạn hậu dịch Covid 19 tại các địa phương phía Nam.

“Hà Nội có quy mô nông nghiệp như vậy nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng hơn 3%, Nghệ An là 4,9%, Thanh Hóa cũng ở mức cao. Các tỉnh phía Bắc phải tập trung chỉ đạo sản xuất để vừa cung cấp nội tỉnh đồng thời đáp ứng nhu cầu nguồn cung. Khi dịch bệnh được khống chế nhu cầu tiêu dùng lương thực thực phẩm sẽ tăng trở lại, khi đó nếu các tỉnh phía Nam ảnh hưởng bởi Covid không đáp ứng đủ nhu cầu sẽ có nguồn nông sản để hỗ trợ cung ứng cho các tỉnh. Như vậy, vừa đảm bảo chống dịch Covid, đảm bảo được tăng trưởng và xuất khẩu đó là những chỉ tiêu quan trọng Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.

Những tháng cuối năm, theo dự báo, dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, Bộ NN&PTNT đặt quyết tâm cao nhất trong chỉ đạo và điều hành sản xuất, tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa góp phần cung ứng cho các tỉnh, thành phố có khả năng thiếu hụt nông sản do dịch ảnh hưởng đến sản xuất./.

Tác giả: Minh Long

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến