Dòng sự kiện:
Không để học phí, viện phí thành gánh nặng cho người nghèo
20/06/2015 08:32:19
ANTT.VN - Đó là ý kiến của đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) và là một trong những vấn đề làm nóng nghị trường trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật phí, lệ phí ngày 18/6/2015, trong khuôn khổ Chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.

Tin liên quan

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) - ảnh: quochoi.vn

Bắt đầu từ Điều 7 của Dự án Luật phí, lệ phí quy định mức thu phí được xác định là đảm bảo bù đắp chi phí, có lợi nhuận phù hợp và tính đến chính sách nhà nước trong từng thời kỳ. Các đại biểu cho rằng cách tính “phí” và “lệ phí như vậy là đã thiên về khái niệm “giá” và như vậy, khoản “lợi nhuận phù hợp” kia sẽ lại đổ lên đầu dân.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Trà Vinh) cho rằng: “Tất cả các khoản phí người dân phải trả để được sử dụng, cung cấp dịch vụ công do các cơ quan nhà nước hay đơn vị sự nghiệp cung cấp. Khoản phí đó để đảm bảo bù đắp những chi phí hợp lý của cơ quan tạo ra dịch vụ công đó. Nhưng ở đây lại xác định là người dân phải trả thêm một khoản tiền nữa gọi là mức lợi nhuận phù hợp cho cơ quan nhà nước như quy định tại Điều 7, đây là điều hết sức vô lý”.
Nếu như khoản “lợi nhuận hợp lý” kia được áp dụng thì có nghĩa từ nay học phí và viện phí sẽ được coi là cái “giá” mà trường học và bệnh viện bán cho học sinh sinh viên và bệnh nhân. Mức “giá” đó bao gồm chi phí cộng với lợi nhuận, và bị chi phối bởi các quy luật của thị trường. Điều đó phần nào phản ánh chủ trương xã hội hóa giáo dục và y tế của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên nếu “thả nổi” hoàn toàn học phí và viện phí thì sẽ ảnh hưởng đến một số chính sách dân sinh khác.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu: “Tôi đề nghị xem xét việc chuyển sang giá dịch vụ như đối với giáo dục, y tế, các hoạt động vệ sinh, môi trường, dịch vụ công cộng khác cũng cần được xem xét thận trọng. Phân loại và có lộ trình thích hợp vì phạm vi tác động rộng liên quan đến các nhóm đối tượng yếu thế, nhạy cảm nhất là các đối tượng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội. Những đối tượng này hiện đang vẫn cần những chính sách bảo trợ của Nhà nước. Ví dụ trong giáo dục phổ thông chúng ta đang chủ trương phổ cập ở các cấp, chưa nên chuyển toàn bộ sang cơ chế giá đối với hệ thống giáo dục công lập”.
Cùng chung băn khoăn này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị: “Trong viện phí cũng vậy, đã đưa vào hạch toán giá đúng,nhưng phải có lộ trình,nhà nước sẽ bù lỗ cái gì, cái gì đã có cơ sở hạ tầng, đã có lực lượng biên chế rồi, ta tính thế nào, bây giờ bác sĩ biên chế ta có, cơ sở vật chất ta sắm, nhưng lại nói tính đủ, tính đúng thì không đúng, cơ chế thị trường chúng ta phải hạch toán đúng chỗ này, ta trừ ra những khoản đó để lộ trình chính sách nhà nước có bao nhiêu, còn bao nhiêu người dân phải đóng góp cho phù hợp giá”.
Còn đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM): “Tôi muốn Quốc hội đặc biệt quan tâm đến việc chuyển học phí và viện phí sang cơ chế giá, ... đối với học phí cho cấp phổ thông thì Quốc hội phải đặc biệt quan tâm, bởi vì vấn đề này rất nhạy cảm và ảnh hưởng trực tiếp quyền được học hành của người dân đã ghi trong Hiến pháp. Không phải vì xã hội hóa mà chúng ta đánh đồng tất cả mọi cái, làm mất cơ hội học tập của người dân và vi hiến là không được”.
Không ủng hộ chuyển học phí sang cơ chế giá còn là ý kiến của đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam). Đại biểu Tiến cho rằng hiện nay “còn một số bộ phận người dân không đủ điều kiện đóng phí cho con em học. Vì vậy, không nên áp giá phí học theo giá thị trường mà cần phải có lộ trình thực hiện theo từng năm. Nên chăng nghiên cứu lại việc chuyển viện phí, học phí thành giá như hiện nay, như vậy không thể hiện được tính ưu việt của chế độ ta”.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu trên, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phản ánh: “Mặc dù viện phí và học phí thuộc nhóm hoạt động dịch vụ do nhà nước định giá, nhưng tôi vẫn mong muốn và đề nghị Quốc hội cũng như Chính phủ cần quy định lộ trình, cơ chế quản lý và chính sách học phí cho các trường công lập, chính sách miễn giảm cụ thể để viện phí, học phí không trở thành gánh nặng đối với những người nghèo, những gia đình chính sách, người già neo đơn. Đặc biệt, cần phải đảm bảo cho mọi trẻ em đều được đến trường, góp phần xây dựng một xã hội học tập và là cơ sở để phát triển nền kinh tế tri thức cho đất nước”.
 
  Hoàng Yến
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến