Dòng sự kiện:
“Cần quan tâm đến tính công bằng trong chính sách phí, lệ phí”
19/06/2015 13:36:02
ANTT.VN – Đó là phát biểu của đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) và rất nhiều đại biểu khác trong buổi thảo luận ở hội trường về Dự án Luật phí, lệ phí ngày 18/6/2015.

Tin liên quan

Khắc phục tình trạng phí vô lý, phí chồng phí
Theo đại biểu Tâm, chúng ta “không chỉ quan tâm đến vấn đề công khai và minh bạch trong chính sách phí và lệ phí mà còn phải quan tâm đặc biệt đến tính công bằng trong chính sách phí, lệ phí. Bởi vì trong thực tiễn có một số khoản phí và lệ phí đã thể hiện thiếu sự công bằng”. Ví dụ: việc thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện xe mô tô, đề nghị cần bãi bỏ, vì khoản phí này hiện nay không được người dân đồng tình và khoản phí đó đã hội đủ những yếu tố hạn chế như nó vừa không hợp lý, vừa thiếu tính công bằng, vừa khó công khai minh bạch, khó hiểu và khó thực hiện trong thực tiễn, cần phải được bãi bỏ trong Luật này”- đại biểu Tâm nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) - ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Kiên Giang), “Nguyên tắc phí và lệ phí không được chồng thuế. Nếu người dân đã trả một lần dịch vụ nào đó ở nghĩa vụ thuế thì không nên trả thêm một lần nữa dưới danh nghĩa là phí”. Trên thực tế, câu chuyện một con gà từ lúc là quả trứng cho đến khi bị giết mổ phải “cõng” 14 loại phí được tranh luận sôi nổi trong hai phiên họp trước đây đã thể hiện rõ sự không công bằng này.
Hay như vấn đề của đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đưa ra cũng thể hiện sự chồng chéo, bất tiện của chính sách về phí, lệ phí. Đại biểu Nghĩa đề xuất” đóng lệ phí về xây dựng thì nên chăng gộp cả lệ phí cấp phép số nhà vào trong đó, không nên bắt người dân sau khi đóng lệ phí xây dựng xong lại đi xin cấp phép số nhà và đóng phí số nhà.
Một vấn đề nữa, theo đại biểu Ánh Tuyết, chúng ta cần cân nhắc đối với một số phí  như phí tuyển dụng công chức, viên chức, lệ phí đi qua vùng đất, vùng biển, lệ phí hoa hồng, chữ ký ...vì chưa rõ nội hàm, tính cụ thể, tính phù hợp trong từng lĩnh vực. Hay phí qua trạm BOT giao thông hiện nay đang gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Ngoài ra, đại biểu Tuyết cho rằng tính không công bằng còn thể hiện ở chỗ: thực tế hiện nay mức thu phí, lệ phí mặc dù các địa phương ban hành cụ thể, nhưng thực hiện cao hơn rất nhiều so với mức quy định điển hình như phí tham quan, dịch vụ giữ xe ô tô, xe máy ở các địa bàn khác nhau với giá khác nhau và người dân phải trả cao hơn rất nhiều lần theo quy định nhất là vào lễ tết
Một vấn đề nữa các đại biểu cũng lưu tâm để đảm bảo tính công khai, công bằng, minh bạch của chính sách phí, lệ phí đó là vấn đề giám sát thực hiện quá trình thu phí, lệ phí. Theo đại biểu Điểu K` Rứ (Đắk Nông) thì:một số quỹ đã được bãi bỏ nhưng hiện nay một số địa phương vẫn bắt người dân phải đóng phí, như Quỹ an ninh trật tự, Quỹ phòng chống lụt bão…”
Không nên áp dụng phí sử dụng tạm thời lề đường, lòng đường, hè phố
Đây là loại phí mới, nhưng đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều đại biểu. Theo đại biểu Điểu K` Rứ (Đắk Nông), không nên thu phí này bởi vìngười dân cho rằng họ đóng phí này thì họ được quyền mua bán, đậu, đỗ xe trên lề đường, do đó gây khó khăn cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) cũng cho rằng:  Nếu chúng ta đặt ra vấn đề thu phí này thì vô hình chung chúng ta chấp nhận cho người dân kinh doanh lòng đường, lề đường, hè phố”, như vậy vừa ảnh hưởng mỹ quan thành phố, vấn đề giao thông, vừa là bộ mặt đô thị…
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) có cách giải quyết mềm dẻo hơn: “Vấn đề lề đường, lòng đường, hè phố là một vấn đề bất cập ở các đô thị lớn. Thực tế hiện nay vỉa hè, lề đường được các tổ chức, cá nhân sử dụng, nhưng phí ai thu, thu có đúng quy định pháp luật không thì rất khó thống kê, nếu nhu cầu sử dụng hè phố, lề đường là tất yếu đối với các đô thị lớn thì chúng ta cần phải quy định rõ khu vực nào tuyệt đối không được phép mua bán, khu vực nào được phép bố trí một số hoạt động kinh doanh nhỏ, nơi nào như phố đi bộ thì có thể kinh doanh các hoạt động thương mại như bán hàng lưu niệm, phục vụ thức ăn nhanh, nước giải khát, không làm cản trở đi lại của người dân, nếu cho phép thì phí ấy sẽ được phép thu và thu bao nhiêu sẽ rõ ràng minh bạch. Như vậy, chúng ta vừa tăng được nguồn thu chính thức cho địa phương, đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội, lập lại trật tự cho vỉa hè, tạo mỹ quan đô thị”.
Dự án Luật phí, lệ phí trước đó đã được Bộ trưởng Bộ tài chính đọc tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội tại phiên họp sáng ngày 26/5/2015. Sau đó, Quốc hội đưa ra thảo luận tại tổ vào phiên họp ngày 29/5/2015. Theo lộ trình, Luật phí, lệ phí sẽ được áp dụng từ 1/1/2017.
                                                                                                                                                                                                                                                                        Hoàng Yến
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến