Tỷ trọng nhập khẩu “khiêm tốn”
Năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu gần 4,2 tỷ kWh và năm 2022 nhập khẩu 3,279 tỷ kWh điện. So với tổng sản lượng điện của cả hệ thống là 280 tỷ kWh trong năm 2023 hay 268 tỷ kWh trong năm 2022, tỷ trọng nhập khẩu điện khá nhỏ, chỉ chiếm 1,5%.
Dẫu vậy, trước thực tế nguồn cung điện cho miền Bắc không được bổ sung mới như kỳ vọng những năm qua, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện tại đây có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, việc xoay xở để có thêm nguồn cung cho miền Bắc, nhất là trong các giai đoạn thời tiết cực đoan được xem là một giải pháp.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2024, EVN tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức trong đảm bảo cân đối tài chính, đảm bảo cung ứng điện và đưa vào vận hành đúng tiến độ các công trình đầu tư xây dựng.
Nhằm tăng thêm năng lực trong cấp điện, EVN kiến nghị Bộ Công thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu 225 MW thủy điện từ Lào trong năm 2024. Tuy nhiên, tới giữa tháng 1/2024, chưa thấy có chuyển động gì từ phía Bộ này.
Xa hơn nữa, việc nhập khẩu điện gió từ các nhà máy tại Lào về Việt Nam không phải là dễ.
Nhà máy Điện gió Trường Sơn công suất 250 MW tại tỉnh Bolikhamsai (Lào) dự kiến vận hành vào quý IV/2025, bán điện về Việt Nam với mức giá gần 7 UScent/kWh, được cho là góp phần bổ sung nguồn điện cho miền Bắc trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Để nhập khẩu điện từ nhà máy điện gió này về Việt Nam trong năm 2025, chủ đầu tư chấp nhận thực hiện đầu tư toàn bộ công trình đấu nối lưới điện với chiều dài 75 km phục vụ đấu nối nhà máy điện gió Trường Sơn vào hệ thống điện Việt Nam bằng nguồn vốn của Dự án.
Góp ý về sự cần thiết của đề xuất nhập khẩu điện từ Nhà máy Điện gió Trường Sơn, một số cơ quan cho rằng, cần đánh giá tính khả thi và hiệu quả của đề xuất nhập khẩu điện nhằm đảm bảo lợi ích của Việt Nam, bao gồm phương án đấu nối, khả năng tiếp nhận và giải tỏa công suất, cơ chế chính sách giá điện nhập khẩu so với các phương án sản xuất điện trong nước; bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam, các hiệp định/thỏa thuận giữa Việt Nam và Lào, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Không chỉ có Dự án Nhà máy Điện gió Trường Sơn chờ mong bán điện về Việt Nam, theo thống kê của EVN, có khoảng 5.000 MW điện gió khác đang được triển khai đầu tư tại Lào chỉ để bán điện về Việt Nam và kỳ vọng sẽ được hưởng mức giá tốt như trên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một nhà đầu tư có dự án tại Lào cho hay, họ mong muốn giá bán điện tốt ngay cả khi kết thúc năm 2025, có thể theo hướng đưa ra mức giá sàn không thấp hơn mức giá trần 6,95 UScent/kWh hiện nay và không khống chế giá trần.
Được biết, tháng 11/2023, Bộ Công thương yêu cầu EVN thuê tư vấn để xây dựng khung giá mua điện gió từ Lào về Việt Nam cho giai đoạn từ năm 2026 trở đi, với yêu cầu trình phương án trong năm 2023. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, EVN vẫn đang xây dựng và chưa xong khung giá này, nhưng quan điểm của Tập đoàn là “giá giai đoạn sau phải thấp hơn giá giai đoạn trước”. Không có gì ngạc nhiên với quan điểm này khi nhìn vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến điện mặt trời thời gian qua.
Bên cạnh câu chuyện giá đã nhìn thấy trước thực tế là không dễ đạt được tiếng nói chung giữa bên bán và bên mua, các chuyên gia cho rằng, khi nhập khẩu điện gió từ Lào, phía Việt Nam dù giảm được nguồn vốn cần đầu tư ban đầu, không phải có các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường xã hội trong nước đối với địa điểm dự án, nhưng ở khía cạnh khác, việc gia tăng mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió tiếp tục gây áp lực cho hệ thống điện Việt Nam trong quá trình vận hành.
Muốn mua nhiều hơn cũng không dễ
Ngành điện đang mua điện từ Trung Quốc qua liên kết 220 kV, với công suất lớn nhất lên tới 515 MW và sản lượng mua trong năm 2023 khoảng 1,06 tỷ kWh. Ngành điện kỳ vọng có thể tăng sản lượng mua từ Trung Quốc qua các đường dây 220 kV trong năm 2024 - 2025 lên cỡ 2,5 tỷ kWh.
Dẫu vậy, những người am hiểu câu chuyện đàm phán mua điện cho hay, muốn mua nhiều cũng không dễ, vì phía Vân Nam (Trung Quốc) giáp Việt Nam có khó khăn trong cấp điện những giai đoạn thời tiết mùa khô hạn trùng với Việt Nam. Còn trong thời điểm mưa nhiều, họ muốn bán nhiều hơn, thì Việt Nam lại không có nhu cầu.
Tuy vậy, dự kiến năm 2024, việc mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 220 kV phía Vân Nam sẽ tăng thêm được gấp rưỡi so với năm 2023.
Ở vai trò chính lo điện cho miền Bắc, bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho hay, Trung Quốc có khoảng 3.000 MW điện hạt nhân ở cách Móng Cái (Quảng Ninh) vài chục km và dư dả so với nhu cầu tiêu thụ tại chỗ của họ.
Năm 2023, khi được ủy quyền mua điện trong những tháng thiếu, EVNNPC đã đàm phán mua 70 MW trong vòng 3 ngày, với giá tốt, lại thuận lợi vì không phải đầu tư thêm gì cho truyền tải vì hai bên có các đường dây truyền tải từ trước đó. Để lo điện, EVNNPC đang tính chuyện cử đoàn công tác sang đàm phán với mục tiêu mua thêm được vài trăm MW ngay trong năm nay và các năm trước mắt, để đỡ căng thẳng về nguồn cung điện.
Tác giả: Thanh Hương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy