“Không nên vội vàng nới lỏng tiền tệ”
09/09/2015 15:05:28
“Cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt chẽ và không vội vàng nới lỏng tiền tệ khi lạm phát thấp”...

Tin liên quan

Đến 31/8/2015, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 10,23% so với cuối 2014, gấp nhiều lần so với các năm từ 2011 đến nay. Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, cho rằng, cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt chẽ và không vội vàng nới lỏng tiền tệ khi lạm phát thấp.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước.

Thưa ông, kết quả tăng trưởng tín dụng toàn ngành 8 tháng đầu năm cụ thể như thế nào và điểm nhấn trong đó là gì?

Tính đến 31/8/2015 so với cuối 2014, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 10,23%. Trong đó, kết quả cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên tăng khá: dư nợ “tam nông” (không bao gồm dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đạt 811.638 tỷ đồng, tăng 9%.

Dư nợ 4 lĩnh vực ưu tiên tính đến cuối tháng 6/2015 so với cuối 2014 như sau: xuất khẩu: 184.596 tỷ đồng, tăng 4,99%; ứng dụng công nghệ cao: 25.614 tỷ đồng, tăng 29,12%; công nghiệp hỗ trợ: 110.620 tỷ đồng, tăng 3,2%; doanh nghiệp nhỏ và vừa: 976.729 tỷ đồng, tăng 4,07%.

Như vậy, cơ cấu tín dụng đang đi đúng hướng tập trung ưu tiên của Chính phủ.

Sở dĩ tín dụng tăng trưởng đột phá so với nhiều năm kể từ 2011 đến nay là do tình hình kinh tế đang hồi phục rõ nét, nhu cầu đầu tư khởi sắc, đẩy cầu tín dụng cao lên.

Song song với đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chấn chỉnh các tổ chức tín dụng nắn dòng vốn đi đúng hướng; đồng thời, đôn đốc rốt ráo việc thực hiện các chương trình lớn như “kết nối ngân hàng - doanh nghiệp”, “Nghị định 55”, “Thông tư 10”, “cho vay 67”, “tín dụng nhà ở”, “tín dụng chính sách” và tháo gỡ những vướng mắc để đưa tín dụng ra phục vụ nền kinh tế.

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng đều, bình quân mỗi tháng tăng từ 1,1%-1,2%, tạo nên kết quả tăng chung khá ấn tượng như 8 tháng vừa qua. Chắc chắn mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành từ 16%-17% của năm nay sẽ hoàn thành.

Thưa ông, ở chiều huy động vốn cân đối với tín dụng cụ thể ra sao, tỷ lệ LDR toàn hệ thống hiện ở mức nào?

Hiện tại, tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng luôn ở mức độ khá cân đối; tỷ lệ tổng các khoản cho vay/tổng tiền gửi (LDR) ở mức 80%, đạt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Cũng phải nói thêm, ở các năm trước, lo tín dụng tăng thấp nhưng nay, tín dụng khởi sắc và nếu tăng vọt quá cũng lo không kém.

Một số năm trước 2011, tín dụng tăng trưởng lớn hơn rất nhiều so với huy động vốn trên thị trường 1, dẫn đến tình trạng tỷ lệ LDR vượt quá 100%, nhiều ngân hàng phải vay mượn trên thị trường liên ngân hàng để tài trợ cho tín dụng, để lại nguy cơ rủi ro thanh khoản cho hệ thống rất lớn.

Do vậy, chúng tôi phải tính toán cân đối tăng trưởng tín dụng trong một bài toán tổng thể về cung cầu vốn, lãi suất, lạm phát. Làm sao đó, vừa nắn dòng vốn đi đúng vào các lĩnh vực sản xuất nhưng phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn mà chỉ số LDR là một ví dụ.

Tình hình tăng trưởng tín dụng nội tệ so với ngoại tệ cụ thể như thế nào, thưa ông?

Trước đây, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ có cao hơn tăng trưởng tín dụng nội tệ nhưng thời điểm này thì ngược lại. Tăng trưởng tín dụng VND 10,1% trong khi ngoại tệ chỉ hơn 8%; tỷ trọng tín dụng ngoại tệ quy đổi ra VND chỉ 470 nghìn tỷ so với tổng tín dụng quy đổi trên 3 triệu tỷ đồng.

Lý do là những năm trước, khi chênh lệch lãi suất “đô đồng” còn ở mức khá cao, các doanh nghiệp vay ngoại tệ nhiều hơn sau đó chuyển ra VND để hưởng lợi. Nhưng gần đây, hiện tượng này giảm vì có thể họ lo ngại biến động tỷ giá nên chuyển sang vay VND nhiều hơn.

Mới đây, một chuyên gia đưa ra giả định giá dầu thô về mức 30 USD/thùng, điều này có thể dẫn đến giảm phát và vì vậy, nên chủ động tung các gói nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Quan điểm của ông như thế nào?

Dự báo giá dầu về 30 USD/thùng chỉ là sự cóp nhặt các nhận định từ giới phân tích trên thế giới. Tôi cho rằng, nếu giá dầu về mức này thì chỉ có thể ở một vài thời điểm nào đó, phụ thuộc vào diễn biến kinh tế, chính trị, cạnh tranh giành thị phần trên thế giới và không thể nằm trong một xu hướng rõ ràng.

Trên thực tế, nếu giá dầu ở mức 30 USD/thùng chỉ đủ hòa vốn, sẽ không một quốc gia, tập đoàn dầu lửa nào có thể khai thác mãi với mức giá này để dẫn đến phá sản.

Trở lại với ý kiến trên, theo tôi, nếu CPI cứ thấp như thế này hoặc thấp hơn, sẽ không phù hợp lắm với mục tiêu tăng trưởng vì các quốc gia đang phát triển, thông thường vẫn phải đổi một chút lạm phát, nới lỏng tiền tệ ở mức độ nào đó để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, đối với Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu số 1 vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị VND để tạo niềm tin cho người dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vì thế, việc nới lỏng phải được cân nhắc, tính toán liều lượng trong một bài toán lạm phát tăng trưởng phù hợp thay vì một vài điều kiện lãng xẹt nào đó như giá dầu giảm để nới lỏng tiền tệ là không được. Không cẩn thận, bao nhiêu công sức kiểm soát lạm phát mấy năm qua sẽ đổ xuống sông.

Cũng phải nói thêm, trong mục tiêu dài hạn, để hỗ trợ cho tăng trưởng thì chúng ta phải “tập cai sữa” với việc dựa dẫm vào ngân hàng. Phải làm sao đó để thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh dẫn vốn cho tăng trưởng; ngân hàng chỉ cung ứng dịch vụ tài chính, vốn lưu động và một phần hỗ trợ đầu tư dài hạn; không nên để hệ thống ngân hàng nắm giữ tới 80% nguồn vốn đầu tư cho cả nền kinh tế như lâu nay.

Hiện tại, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn chiếm tới 40% trong cơ cấu kỳ hạn, tỷ trọng này được cho là cao. Trong bối cảnh hiện tại, điều này không thể khác vì thị trường vốn không phát triển nên vẫn phải dựa vào ngân hàng.

Theo VnEconomy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến