ĐBQH các tỉnh miền Trung gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đồng bào, chiến sĩ cả nước... đã quan tâm, chia sẻ động viên kịp thời với miền Trung trong đợt bão lũ vừa qua.
Mất quá nhiều rừng tự nhiên
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cho rằng sự động viên chia sẻ ấy là động lực to lớn, giúp người dân miền Trung đứng dậy vượt lên gian khó, mất mát đau thương.
ĐB tỉnh Quảng Trị cho hay cần định vị cách tiếp cận trong chiến lược phát triển và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cho khu vực miền Trung và cả nước trong bối cảnh mới.
ĐB Hoàng Đức Thắng
Theo ông Thắng, những lý giải bất thường về bão lũ đã có lát cắt về nguyên nhân thiên tai với biến đổi khí hậu, hậu quả về phức tạp của nắng hạn lâu ngày, đất bị lún do mưa lớn kéo dài. Nhưng chắc chắn có thể nhận ra: "Chúng ta mất quá nhiều rừng tự nhiên, tấm lá chắn chắc chắn an toàn của mẹ thiên nhiên dẫn đến thiên tai ngày càng dữ dội".
Rừng không còn là câu chuyện mới xong nhìn lại lũ lụt miền Trung "càng thấy thấm thía cái giá phải trả cho sự tàn phá này". Trong hơn 20 năm qua, các dự án thuỷ điện nhỏ ồ ạt được xây dựng với quy mô khác nhau.
"Cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng khiến hàng chục ha rừng đầu nguồn mất đi. Chỉ tiêu phấn đầu về độ che phủ rừng hàng năm đều tăng nhưng điều đó không nói được nhiều về khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai", ĐB đánh giá.
Ông Thắng nhấn mạnh: “Thuỷ điện có thể không làm tăng lũ nhưng thuỷ điện làm mất rừng, tác nhân làm lũ dữ hơn và tàn phá nặng hơn".
Quốc hội tăng cường giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ và giải pháp, kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án công trình không hiệu quả, không an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên.
Theo ĐB tỉnh Quảng Trị, cần nhìn lại tổng quát về chiến lược phát triển KT-XH cho vùng chịu nhiều tác động thiên tai để phát triển bền vững. Có những ứng xử chủ động sáng tạo, tăng cường khả năng thích nghi, chống chịu giảm nhẹ thiên tai…
"Mọi hành động kiên quyết mạnh mẽ hôm nay dẫu phải hy sinh một phần về kinh tế trước mắt nhưng chắc chắn sẽ nhận lại an toàn mưu sinh cho hàng chục triệu người dân miền núi và hạ du để không lặp lại thảm cảnh vào mỗi mùa mưa bão", ĐB nhấn mạnh.
ĐB Phan Thái Bình
Từ thực tiễn ở Quảng Nam, dải đất miền Trung khi xảy ra thiên tai, ĐB Phan Thái Bình cho biết sắp tới triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, ông đề xuất có cơ chế hỗ trợ cấp gạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông cho rằng đây là vùng núi, cần hỗ trợ để nhân dân giữ rẫy thành rừng, để người dân có nguồn sinh kế tại chỗ, yên tâm đảm bảo lương thực.
Cần có cơ chế chính sách khuyến khích trồng rừng đủ lớn, trồng cây bản địa. Về các giải pháp, ĐB tỉnh Quảng Nam đề nghị nên quan tâm khuyến khích đồng bào ở vùng sạt lở làm nhà sàn. Qua thực tiễn, những nơi làm nhà sàn thì không bị lấp mà chỉ bị đẩy đi.
Cần làm nhà chống lụt ở vùng trũng thấp, hầm trú bão. "Nơi nào đông dân cư, nhiều học sinh, thì có điểm trường. Các cơ quan nhà nước mà chủ yếu là các điểm trường là nơi nhân dân đến trú bão. Vì vậy, cần có thiết kế, nghiên cứu để xây dựng trường học kiên cố, vừa để sử dụng lâu dài, an toàn cho học sinh, giáo viên, đồng thời là nơi trú bão", ông Bình đề xuất.
ĐB cũng đề nghị rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, đặc biệt là các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, xem lại tác động như thế nào đến môi trường, thiên tai. Ông cho biết: "Chúng ta rà soát thông tin rộng rãi cho yên tâm vì vừa qua nhân dân rất bất an khi xảy ra thiên tai bão lũ vùng hạ du".
"Thủy Tinh dâng tới đâu, Sơn Tinh dâng tới đó"
Giải trình thêm về vấn đề phát triển rừng, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay tổng diện tích rừng trên cả nước là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, còn rừng trồng là 4,3 triệu ha, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân chỉ 29%.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Đây là sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, phát triển rừng trọng yếu để bảo vệ môi trường", ông Cường khẳng định.
Về rừng tự nhiên theo Bộ trưởng: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn có chính sách khuyến khích hỗ trợ để bà con giữ, bảo vệ hơn 1 triệu ha rừng, chế độ này ngày càng tăng lên.
Cùng với đó là chính sách chi trả môi trường rừng, mỗi năm xã hội hóa được 3.000 tỷ. Ngày 20/10 Việt Nam chính thức ký với đối tác về CO2 của thế giới, chúng ta bán được 10 triệu m3 CO2. Mỗi m3 là 5 USD, tổng số được hơn 1.000 tỷ đồng (của 6 tỉnh miền Trung).
Từ việc này cũng thể hiện cam kết và chứng tỏ Việt Nam quyết tâm tăng cường phát triển bền vững, được thế giới thừa nhận.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa. Bởi trong chiến tranh, Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học, hủy hoại 2 triệu ha rừng miền Trung. Bây giờ phục hồi rừng tự nhiên cũng phải có thời gian, giai đoạn.
Đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, cần tái cơ cấu theo hướng thích ứng, căn cứ vào thị trường, vào nguồn nước để bố trí lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Phát triển thủy sản là ưu tiên nhất, cây ăn quả là thế mạnh, lúa gạo thì tái cơ cấu lại, đi theo từng vùng.
Cùng với đó là đưa khoa học công nghệ, kết hợp với kinh nghiệm dân gian để theo đúng phương châm "Thủy Tinh dâng đến đâu, Sơn Tinh dâng đến đấy", Bộ trưởng ví von.
Để lòng tốt không bị lãng phí
Tranh luận vấn đề này, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, thực tế cho thấy rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại, bão lụt, sạt lở ngày càng để lại hậu quả nặng nề, năm nay hơn năm trước.
Ông Hiếu bày tỏ: "Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công trong lõi rừng. Thủy điện tiếp tục được hoạt động, được cấp phép mới... thì sẽ xảy ra tiếp những đợt lũ lịch sử, những sự cố tang thương nữa. Phải thay đổi cách làm, nhận thấy những sai lầm trong quá khứ".
ĐB Nguyễn Lân Hiếu
ĐB đánh giá "việc này thật khó" vì thay đổi trên văn bản, chỉ đạo, nghị quyết thì đã làm nhưng thay đổi trong tư duy không dễ.
“Khi mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp, khách đến nhà thì khoe cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ gỗ giáng hương, lim, sến, táu rồi tự huyễn gỗ này được nhập khẩu, không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu thực tế.
Ông cho biết Philippines là quốc gia chịu nhiều cơn bão nhất Đông Nam Á. “Nước bạn giữ rừng già, giữ ngọn núi cao còn hơn con ngươi của mắt mình. Họ biết đây là thành trì quan trọng nhất để giữ đất nước, con người trước sự giận dữ của thiên nhiên. Cơn bão số 10 đập vào rừng già, dãy núi của Philippines đã bị giảm cấp", ĐB Hiếu dẫn chứng.
Ông nhận định, Việt Nam có rất nhiều người trẻ tuổi, thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng và giàu lòng trắc ẩn như đôi vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên.
Tinh thần tương thân, tương ái là bản chất, truyền thống của dân tộc ta vì vậy nên "tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí", người thực sự khó khăn nhận được sự giúp đỡ và lòng yêu thương ngày càng được nhân rộng.
“Bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm do quy luật của thiên nhiên, vì vậy, không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả từ năm này qua năm khác”, ĐB đề nghị.
Tác giả: Tr. Thường - Th. Hằng - H. Nhì
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy