Dòng sự kiện:
Không thống nhất, sẽ chấm dứt chương trình nhiệt điện 2.800 MW tại Long An
24/09/2018 16:13:09
Long An giữ quan điểm chỉ đầu tư dự án điện nhiệt điện tại Trung tâm điện lực của địa phương này bằng công nghệ khí hóa lỏng (LNG), trong khi Bộ Công Thương cho rằng không có đủ cơ sở để phê duyệt như vậy.

Điều trên, được hiểu chương trình đầu tư dự án nhiệt điện quy mô 2.800 MW ở Long An sẽ chấm dứt. 

Chương trình nhiệt điện 2.800 MW tại Long An sẽ chấm dứt. Trong ảnh là hệ thống truyền tải điện tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. (Ảnh minh họa: Trung Chánh)

Trao đổi với PV vào hôm nay, 21/9, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An một lần nữa tái khẳng định, quan điểm của lãnh đạo địa phương là nếu có đầu tư dự án, thì chỉ đầu tư bằng công nghệ LNG, không đầu tư bằng công nghệ đốt than.

Tuy nhiên, theo ông, Bộ Công Thương trả lời chưa có căn cứ để chấp thuận theo đề nghị của địa phương. “Điều này chứng tỏ là hủy luôn”, ông nói.

Theo ông Đức, trong công văn trả lời của Bộ Công Thương, đơn vị này không đề cập đến chuyện loại bỏ quy hoạch Trung tâm điện lực Long An với quy mô 2.800 MW ra khỏi Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, tức quy hoạch nhiệt điện than vẫn còn.

Thế nhưng, do tỉnh chọn đầu tư bằng LNG, thì coi như việc tồn tại quy hoạch hay không tồn tại, thì chương trình đầu tư nhiệt điện cũng sẽ không còn nữa, ông giải thích và nói “Bộ (ý nói Bộ Công Thương - PV) trả lời như vậy coi như chấm dứt chương trình, không còn luôn”.

Tại công văn số 7344/BCT-ĐL về quy hoạch Trung tâm điện lực Long An do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng ký cho biết, quy hoạch điện 7 điều chỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016, thì Long An được quy hoạch 2 nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu là than.

Từ điều này, Bộ Công Thương cho biết, không có cơ sở để phê duyệt quy hoạch Trung tâm điện lực Long An sử dụng LNG như kiến nghị của địa phương.

Liên quan đến việc hủy bỏ dự án nhiệt điện than để chuyển sang tìm nhà đầu tư, đầu tư nhiệt điện LNG, theo tìm hiểu của PV đã từng xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cụ thể, vào năm 2016, sau khi tỉnh Bạc Liêu xin rút dự án nhiệt điện (than) Cái Cùng ra khỏi quy hoạch điện 7 điều chỉnh và được chấp thuận.

Vào ngày 4/5, UBND tỉnh Bạc Liệu đã cùng liên doanh nhà đầu tư Energy Capital Vietnam (Mỹ) đã ký bản ghi nhớ (MOU) về việc đầu tư xây dựng dự án cung cấp khí LNG và nhà máy nhiệt điện khí tại Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư gần 4 tỉ đô la, có công suất 3.200 MW.

Sau đó, vào ngày 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp các nhà đầu tư và UBND tỉnh Bạc Liêu liên quan đến dự án nêu trên. Tại buổi tiếp, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bộ, ngành liên quan xem xét nếu dự án khả thi cao, thì bổ sung vào Tổng sơ đồ điện 7.

Như vậy, với dự án ở Long An, thì cũng có thể làm điều tương tự, nếu việc chuyển sang đầu tư dự án bằng LNG có tính khả thi và đem lại hiệu quả tốt.

Theo Thời báo kinh tế SG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến