Dòng sự kiện:
Khu di tích Lầu Bảo Đại đáng giá bao nhiêu?
08/09/2016 08:19:06
ANTT.VN – Mỗi mét vuông đất tại khu di tích Lầu Bảo Đại được đưa đi góp vốn làm resort với giá chưa tới 850.000 đồng, bằng non nửa khung giá đất thấp nhất trong quy định.

Tin liên quan

Bản đồ chi tiết khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại

Năm 2008, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương cho Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý di tích) tìm đối tác để đầu tư xây dựng, cải tạo di tích Lầu Bảo Đại, có địa chỉ tại đường Trần Phú, Phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang – Khánh Hòa.

Năm 2011, Khatoco liên kết với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP đầu tư Khánh Hà (gọi tắt là Công ty Khánh Hà) triển khai thực hiện Dự án. 

Từ thời điểm đó cho tới 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa và các ban ngành liên quan đã ban hành thủ tục cần thiết, đồng ý cho Công ty Khánh Hà triển khai dự án cải tạo, nâng cấp khu di tích Lầu Bảo Đại thành khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Theo đó, 89.227m2 đất và 47.415m2 mặt biển liền kề được giao cho Công ty Khánh Hà triển khai dự án. Trong đó, đơn vị này sẽ xây mới 35 căn biệt thự khác; xây dựng khu khách sạn 5 sao với 50 phòng, 58 căn condotel.

Dinh Bảo Đại xây dựng vào năm 1923, trên đỉnh núi Cảnh Long, gồm 5 căn biệt thự trong khuôn viên rộng 12ha, được đặt theo tên các loài hoa nhiệt đới như Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng. Từ năm 1940-1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình đã thường xuyên tới đây nghỉ ngơi, cùng với các hoạt động giải trí khác như câu cá, tắm biển. 

Ngoài ra, đơn vị này còn xây dựng nhiều công trình phụ trợ khác như hội trường, sân tập gôn, cầu tàu, đồng thời cải tạo 5 biệt thự cổ được xây dựng từ năm 1923 để cho thuê, riêng biệt thự Xương Rồng (lầu Nghinh Phong) có vị trí đẹp, vươn ra biển, được đề xuất thiết kế thành nhà hàng sang trọng theo phong cách hoàng gia. Trên sân thượng của biệt thự này được bố trí thành câu lạc bộ có sức chứa khoảng 60 chỗ, gồm quầy bar, khu bàn công cộng; lầu 1 các biệt thự được bố trí các phòng ngủ VIP, có diện tích từ 40 - 60m2…

‘Bắt tay’ biến khu di tích thành resort?

Đáng chú ý, phần góp vốn của Khatoco trong liên doanh Khánh Hà là 75,5 tỷ đồng (chiếm 29%), được xác định bằng chính quyền sử dụng đất khu di tích Lầu Bảo Đại mà Khatoco đang sở hữu (89.227 m2), trong đó bao gồm 5 ngôi biệt thự cổ với tổng diện tích 12.124 m2. 

Khatoco góp vốn vào liên doanh Khánh Hà với chính quyền sử dụng đất của khu di tích. Nguồn: BCTC riêng kiểm toán Khatoco 2015

Như vậy tính bình quân mỗi mét vuông đất tại đây có giá khoảng 850.000 đồng, chưa kể tới giá trị hữu hình và vô hình của 5 ngôi biệt thự cổ, bằng một nửa so với khung giá đất tối thiểu hiện nay do UBND tỉnh Khánh Hòa quy định tại Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 21/12/2014. (Trục đường Trần Phú có giá quy định dao động từ 1,62 – 16,2 triệu đồng/ m2) – một cái giá quá rẻ mạt.

Giá đất đường Trần Phú theo Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa

Được biết, năm 1995, UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh Lầu Bảo Đại. Năm 2001, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH-TT-DL) lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa trình Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận nơi đây là di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, đến nay hồ sơ vẫn không được trình.

Luật Di sản Văn hóa 2001, sau này là Luật Di sản Văn hóa 2013 đều quy định việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích đối với di tích cấp quốc gia phải có được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, trong khi đối với di tích cấp tỉnh chỉ cần sự cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh. Đây phải chăng là mấu chốt khiến Khu Di tích Lầu Bảo Đại cho tới nay vẫn chưa được công nhận là di tích cấp quốc gia!?

Trong khi đó, Khoản 3 Điều 32 Luật Di sản 2013 quy định rõ bất cứ việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích nào đều không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích.

Chiểu theo điều luật này, việc chủ đầu tư là Công ty Khánh Hà xây dựng tổ hợp nhà hàng – khách sạn – biệt thự, phá vỡ cảnh quan của Khu Di tích Lầu Bảo Đại có dấu hiệu vi phạm Luật.
Dư luận cùng các cơ quan báo chí đã nhiều lần lên tiếng, bày tỏ lo ngại về tổ hợp nghỉ dưỡng trên, đồng thời đặt ra nghi vấn liệu có hay không việc ‘bắt tay’ biến khu di tích cấp tỉnh thành trung tâm nhà hàng, khách sạn, đe dọa sự tồn tại của một ‘chứng nhân’ lịch sử gần trăm năm tuổi của dân tộc.

Ông Trương Đăng Tuyến – nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa cho biết cơ quan này đã có văn bản quyết liệt không đồng tình và đề nghị phải giữ 5 biệt thự cổ làm nơi tham quan cho cộng đồng, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn cấp phép thực hiện dự án.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin.

Nghi Điền

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến