Dòng sự kiện:
Khu đô thị mới An Phú - An Khánh: Sai phạm chồng sai phạm
03/08/2019 05:49:22
Dù đã bị xử phạt nhiều lần và yêu cầu dừng thi công do không có giấy phép (phường An Phú, quận 2, TP Hồ Chí Minh) nhưng CTCP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) vẫn cố tình cho triển khai DA.

Khu E và Khu D - Dự án (DA) Khu đô thị mới An Phú - An Khánh.

Liên tục bị phạt do thi công không phép

Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5-2019, các cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, xử phạt HDTC về lỗi tiến hành xây dựng không phép tại Khu E và Khu D của DA Khu đô thị mới An Phú - An Khánh. Cụ thể, ngày 25-4, UBND phường An Phú đã lập Biên bản vi phạm hành chính (VPHC) đối với HDTC do có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có GPXD.

Với hiện trạng vi phạm khi tổ chức thi công tường vây, đào hầm, sàn tầng trệt tại Lô E4 và Lô E7, UBND phường An Phú cho rằng, HDTC đã vi phạm điểm C khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Đến ngày 3-5-2019, Chủ tịch UBND quận 2 đã ban hành Quyết định xử phạt VPHC đối với HDTC do có hành vi vi phạm nêu trên.

Tiếp đến, ngày 6-5, UBND phường Bình An (quận 2, TP Hồ Chí Minh) lập Biên bản xử lý VPHC đối với HDTC cũng do hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có GPXD.

Với hiện trạng vi phạm khi tổ chức thi công tường vây, đào hầm, sàn tầng trệt tại Khu D. Ngày 14-5, Chủ tịch UBND quận 2 tiếp tục ban hành Quyết định xử phạt VPHC đối với HDTC do có hành vi vi phạm tại Khu D nêu trên.

Đi kèm các quyết định trên, cơ quan chức năng đã yêu cầu HDTC dừng thi công công trình. Tuy nhiên HDTC vẫn tiếp tục cho thi công DA (?).

Những vi phạm này đã bị Thanh tra Xây dựng TP Hồ Chí Minh phát hiện khi vào ngày 10-5, cơ quan này đã phối hợp UBND phường An Phú, Bình An kiểm tra việc chấp hành ngưng thi công của HDTC và đơn vị thi công tại hai DA trên. Tuy nhiên, chủ đầu tư (CĐT) và nhà thầu không chấp hành.

Thanh tra Xây dựng TP Hồ Chí Minh tiếp tục phải lập Biên bản xử lý VPHC đối với HDTC do có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có GPXD sau khi đã bị lập Biên bản VPHC tại Khu E và Khu D. Đồng thời, lực lượng chức năng đã lập Biên bản xử lý VPHC đối với Công ty CP Xây dựng và ứng dụng Delta - V (đơn vị thi công) do có hành vi tiếp tục thực hiện thi công xây dựng công trình không có GPXD mà CĐT đã bị xử lý do VPHC.

Đến ngày 27-5-2019, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành hai quyết định xử lý VPHC đối với HDTC do các hành vi vi phạm trên.

Theo lý giải của HDTC, DA Khu đô thị mới An Phú - An Khánh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư theo Quyết định số 1042/QĐ-TTg nên thuộc trường hợp miễn GPXD (Điều 89, Luật Xây dựng 2014).

Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, DA Chung cư cao tầng do HDTC tiến hành xây dựng tại Khu E và Khu D (Khu đô thị An Phú - An Khánh) là DA phát triển nhà ở, nên thuộc trường hợp thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) và các quy định khác có liên quan. Mặt khác, các công trình do HDTC làm CĐT nêu trên đều bị phát hiện xây dựng từ tháng 4-2019, nên bị điều chỉnh bởi các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng DA nhà ở. Vì vậy, không thuộc trường hợp được miễn GPXD theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014.

Công trình vi phạm đã nhiều lần bị phạt hành chính.

Siêu lợi nhuận nhờ thâu tóm DN nhà nước

Tiền thân của HDTC là Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà - doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước, thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco. Năm 2016, Công ty CP thương mại - quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) của ông Đinh Trường Chinh đã chi hơn 1.600 tỷ đồng để thâu tóm 70% cổ phần HDTC khi Nhà nước bán vốn tại DN này.

Theo Quyết định số 5603/QĐ-UBND về việc xác định giá trị DN thực hiện cổ phần hóa (CPH) của HDTC do ông Tất Thành Cang, khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ký ngày 3-11-2015, xác định giá trị thực tế của HDTC là hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần góp vốn Nhà nước tại DN là hơn 2.200 tỷ đồng. Việc CPH HDTC sau đó cho thấy nhà đầu tư (NĐT) chiến lược và người trúng đấu giá cổ phần số lượng lớn đều là người của Công ty Việt Hân, giá mua cổ phần không chênh lệch lớn với giá khởi điểm (10.000 đồng/cổ phần).

Theo đó, Công ty Việt Hân được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chọn làm NĐT chiến lược mua 34,79% cổ phần HDTC. Đấu giá công khai, DN này mua thêm được 17,35% cổ phần, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 52,14%. Qua đấu giá công khai cũng ghi nhận hai cá nhân gồm: bà Đinh Ngọc Châu Hương và bà Hà Thị Bích Hạnh đã mua cổ phần HDTC với tỷ lệ mỗi người chiếm 8,67%. Bà Đinh Ngọc Châu Hương lúc này giữ chức Tổng Giám đốc tại Công ty Việt Hân. Cá nhân còn lại cũng là người thân của chủ Công ty Việt Hân.

Như vậy, sau khi triển khai Quyết định số 5603/QĐ-UBND, Công ty Việt Hân và nhóm cá nhân liên quan ông Đinh Trường Chinh đã thâu tóm thành công HDTC. Xin lưu ý, nhóm pháp nhân và cá nhân này nắm giữ tới gần 70% vốn điều lệ, áp đảo hoàn toàn cổ đông nhà nước (CĐNN) tại HDTC (30%). Nói cách khác, CĐNN không có tiếng nói quyết định tại HDTC, khi luôn thua về tỷ lệ biểu quyết. Do đó, 30% vốn Nhà nước (tương đương 1.200 tỷ đồng) cũng sẽ chịu chi phối về quyết định điều hành DN của nhóm nắm 70% tại HDTC. Từ góc độ quản lý, điều này không khác gì vốn Nhà nước đang bị chiếm dụng và điều khiển bởi NĐT tư nhân. Hậu quả đầu tiên đã nhìn thấy, là CĐNN cũng có liên quan về trách nhiệm trong vi phạm xây dựng không phép tại DA Khu đô thị An Phú - An Khánh của HDTC, và kéo dài sang việc DN này không tuân thủ dừng thi công theo yêu cầu của cơ quan quản lý. HDTC hiện quản lý nhiều tài sản, DA BĐS lớn. Trong đó lớn nhất là DA Khu đô thị An Phú - An Khánh với 131 ha đất và Khu dân cư An Sương 64,7 ha đất.

Đặt một phép tính đơn giản, tổng đầu tư thâu tóm HDTC (1.600 tỷ đồng) phân bổ trên diện tích hai DA này (131 ha + 64,7 ha), thì bình quân đầu tư của nhóm ông Đinh Trường Chinh cho mỗi m2 đất đang do HDTC nắm giữ chỉ chưa tới 820.000 đồng. Giả sử tỷ lệ đất ở tại các DA của HDTC chỉ khoảng 30% tổng diện tích, thì bình quân đầu tư của nhóm này cho mỗi m2 đất ở cũng chỉ khoảng 2,6 triệu đồng (chưa bao gồm cả chi phí thủ tục, chi phí không chính thức, chi phí hạ tầng…). Trong khi đó, đất tại hai DA nêu trên của HDTC đang được rao bán qua các sàn giao dịch theo hình thức góp vốn, cho vay… ở mức hơn 20 tỷ đồng cho mỗi lô đất khoảng 160 m² (bình quân khoảng 130 triệu đồng/m². Còn giá cao nhất cho vị trí đẹp có thể lên tới 200 triệu đồng/m².

Tất cả những lợi thế có được này, đều xuất phát từ Quyết định số 5603/QĐ-UBND về việc xác định giá trị DN thực hiện CPH của HDTC.

Sau khi Công ty Việt Hân hoàn thành “sứ mệnh” tại HDTC, ông Đinh Trường Chinh đã rút khỏi Công ty Việt Hân. Đồng thời, Công ty Việt Hân cũng rút lui khỏi HDTC. Thay vào đó là sự xuất hiện của Công ty CP Đầu tư tài chính BĐS FR tại HDTC, với việc sở hữu tới 34,79% cổ phần HDTC. Ông Đinh Trường Chinh cũng tăng tỷ lệ nắm giữ từ 8,82% lên 26,44% cổ phần HDTC. Tại Công ty FR, ông Đinh Trường Chinh và em gái là bà Đinh Ngọc Châu Hương đều đang nắm các vị trí chủ chốt.

Theo báo Nhân dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến