Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, mục đích chính của khuyến cáo là cung cấp các thông tin cơ bản về lịch tiêm chủng và hướng dẫn cách dùng vắc xin cho mọi lứa tuổi đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng ở Việt Nam, qua đó nâng cao nhận thức về sử dụng các vắc xin phòng bệnh cho mọi lứa tuổi, đưa ra nhiều lựa chọn và tăng khả năng tiếp cận của người dân trong việc sử dụng vắc xin.
Theo đó, có 22 loại vắc xin được khuyến cáo tiêm chủng cho mọi đối tượng như viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b; bệnh sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella...
Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, trong suốt 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam, với hơn 100 triệu liều vắc xin đã sử dụng cho thấy việc tiêm vắc xin là an toàn, một vài phản ứng nghiêm trọng chỉ là trường hợp hy hữu. Nhờ có vắc xin, nhiều căn bệnh đã được thanh toán, loại trừ, hàng trăm triệu người không mắc bệnh.
Có thể khẳng định, tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh an toàn, chủ động và hiệu quả nhất. Nếu trẻ nhỏ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, có thể để lại các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ...
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành Thông tư "Quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”, theo đó sẽ có 10 bệnh truyền nhiễm bắt buộc cần tiêm chủng, áp dụng cho trẻ sơ sinh đến trẻ em 5 tuổi.
Theo báo Hải Quan