Dòng sự kiện:
Kí ức xúc động của người lính du kích Tây Tiến về món quà của Bác Hồ
19/05/2018 08:30:44
2 lần được gặp Bác Hồ, được Bác khen ngợi, động viên, được chính tay Bác trao món quà là chiếc đèn pin và tấm vải đỏ, đối với người du kích Tây Tiến năm nào, đó là kí ức quý giá không bao giờ quên được.

Pho sử sống của thời Tây Tiến

Cụ Lương Văn Pém (SN 1930), bản Sim, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa là người du kích Tây Tiến cuối cùng của Mường Lát. Cụ Pém là một cán bộ lão thành cách mạng, là pho sử sống về một thời kì chống giặc Pháp gian khổ và oanh liệt của đoàn quân Tây Tiến.

 

Cụ Lương Văn Pém, người du kích Tây Tiến cuối cùng ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, hết đánh giặc Pháp rồi đánh giặc Mỹ, thời thế đã bao lần xoay vần chuyển đổi, quê hương Mường Lát của cụ cũng đã thay da đổi thịt, cũng là lúc người du kích năm xưa ngày một già đi và sức khỏe yếu dần.

Thế nhưng, nhắc đến những năm tháng gian khó thuở ấy, cụ vẫn không thể nào quên được, những kỉ niệm hào hùng vẫn còn cuộn chảy như mới hôm qua.

Cụ Pém nhớ lại, sau Cách mạng tháng 8 thành công, cụ theo học lớp bình dân học vụ. Năm 1947, trung đoàn Tây Tiến về Mường Lát. Khi ấy, bộ đội về đóng quân ở bản Poọng, Sài Khao (xã Tam Chung) bây giờ. Lúc ấy, đồng bào miền núi còn khổ cực, đói ăn, đói muối, sốt rét rừng, thú dữ hành hạ.

Vì thương bộ đội bị bọn lính Pháp, bọn làm tay sai cho Pháp lùng bắt bớ, nên chàng thanh niên trẻ tuổi xin theo bộ đội làm du kích để giúp đỡ. Thời điểm đó, ngoài cụ còn có 22 người nữa tham gia vào đội du kích Tây Tiến.

“Thương cán bộ, nên việc gì giúp được là tôi sẵn sàng làm mà không sợ gì hết. Tôi chỉ đường cho bộ đội hành quân, mang muối, gạo, thuốc men, thư, súng đạn cho cán bộ, chăm sóc người bệnh, tìm cây thuốc cho bộ đội uống, các anh tin tưởng và yêu mến lắm. Sau đó, tôi được bộ đội dạy cho học chính trị, huấn luyện bắn súng, ném lựu đạn, gài mìn, làm bẫy đánh Pháp. Nhờ thế, chúng tôi được học làm du kích và được đi theo cách mạng từ đó”, cụ kể lại.

Có một kỉ niệm mà cụ vẫn còn nhớ như in: “Có một lần, một anh bộ đội tên Liễn bị giặc bắt, chúng hò hét, giải đi trên đường làng, lúc đó tôi đang giấu 2 quả lựu đạn trong lưng để chuyển cho bộ đội nên cần bí mật. Mặc dù 2 chúng tôi nhận ra nhau nhưng chỉ biết đưa mắt nhìn mà không thể thốt nên lời, tôi dựa lưng vào vách núi tránh đường cho anh đi, rất thương anh mà chẳng thể làm khác được…”

Ngày ấy, ngoài tiếng Thái, là tiếng dân tộc mình, cụ còn biết tiếng Lào, tiếng Mông, Khơ Mú, Dao, Mường… nhưng tiếng Kinh thì lại chưa biết nói. Thế nhưng, khi được giao nhiệm vụ giao liên, dẫn đoàn quân Tây Tiến, cụ đã gặp nhiều khó khăn, dù vậy việc gì khó cũng cố hoàn thành bằng được.

Công việc của cụ là đón quân từ Tam Trung, theo suối Sim lên Pù Nhi, Pù Mùa, Mường Chanh, lên trạm Cang rồi sang đất Lào, đến Nà Lứa, Chiềng Ken, Sục Toong, bàn giao công việc dẫn đoàn cho người khác, rồi lại vòng về đất Việt.

Đến năm 1953, cục diện chiến trường vùng Tây Bắc thay đổi, thực dân Pháp rút quân khỏi Mường Lát, bộ đội Tây Tiến cũng rời đi. Cụ Pém ở lại tiếp tục hoạt động cách mạng, được cử đi học rồi về giữ chức Phó Công an xã Quang Chiểu, Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch huyện, Phó Bí thư Huyện ủy Quan Hóa cho đến lúc về hưu.

Kí ức xúc động về Bác

Cụ Pém tâm sự, trong suốt cuộc đời, 2 lần được gặp Bác Hồ chính là kí ức đẹp đẽ nhất và không thể nào quên.

Lần thứ nhất là năm 1960, khi cụ tham gia một Đoàn đại biểu là người DTTS ở Thanh Hóa ra Hà Nội thăm quan, bất ngờ được Bác đến thăm và động viên bà con trong đoàn.

Tháp tưởng niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến ở thị trấn Mường Lát.

Tuy nhiên, ấn tượng sâu sắc hơn cả là lần thứ hai, vào năm 1963, cụ được gặp Bác nhân dịp tham dự “Đại hội bảo vệ trị an toàn miền Bắc”, diễn ra tại Hà Nội.

“Lúc tôi được mời đi dự Đại hội, tôi không nghĩ lại vinh dự được gặp Bác, nên khi bất ngờ thấy Bác Hồ xuất hiện, tôi vui mừng, hạnh phúc và xúc động lắm”, cụ bồi hồi nhớ lại. 

Cụ Pém kể, trong đại hội, Bác khen xã Quang Chiểu đoàn kết tốt. Một xã biên giới xa huyện, xa tỉnh, xa Trung ương nhưng cán bộ một lòng theo Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số với bộ đội, với công an đoàn kết tốt giúp đỡ lẫn nhau. Bác vừa dứt lời, các đại biểu trong hội trường đều vỗ tay hoan hô.

“Rồi bất ngờ, Bác hỏi: Có ai ở Quang Chiểu không? Tôi liền đứng lên nói to: Thưa Bác có con! Tiếp đó, Bác hỏi thăm, tuyên dương tôi ngay giữa hội trường trước những tràng vỗ tay không ngớt làm tôi vui quá đỏ hết cả mặt”, cụ nhớ lại.

Khi rời Thủ đô, cụ được Bác tặng cho một túi quà gồm 1 chiếc đèn pin, 2 đôi pin và 4m vải lụa đỏ. Với cụ, những món quà ấy quý giá như báu vật.

“Những món quà Bác tặng, tôi đã dành tặng lại 4m vải lụa cho mẹ già. Mẹ tôi cũng không dùng tấm vải đó để may quần áo mà giữ nó rất cẩn thận. Ngày mẹ qua đời, gia đình đã dùng tấm vải quý đó để khâm liệm cho mẹ”, cụ Lương Văn Pém xúc động.

Bước sang tuổi 88, bệnh tật tuổi già đã khiến người du kích Lương Văn Pém không còn nhanh nhẹn, hào sảng như thuở trước nhưng mỗi lần nhắc đến Bác, đến những kỉ niệm quý giá thời là một người du kích Tiến, nhắc đến Đảng và Bác Hồ, cụ vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. Niềm mong mỏi lớn nhất của cụ là mảnh đất quê hương Mường Lát ngày một phát triển và đổi mới, người dân không còn đói nghèo, lạc hậu, thế hệ con cháu được học hành đầy đủ.

Lương Thị 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến