Dòng sự kiện:
Kịch bản để giá vàng về 65 triệu/lượng?
10/01/2024 08:38:21
Theo các chuyên gia, Nghị định 24 sắp tới được sửa rất có thể sẽ xóa bỏ độc quyền vàng, kinh doanh vàng trang sức không cần điều kiện nữa.

Những động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thị trường vàng liên quan đến vàng miếng SJC khiến giá vàng lập tức giảm mạnh về mốc 74 triệu đồng/lượng sau 2 tuần lên đỉnh hơn 80 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, Nghị định 24 sắp tới được sửa rất có thể sẽ xóa bỏ độc quyền vàng, kinh doanh vàng trang sức không cần điều kiện nữa. Nếu điều này diễn ra trong thực tế, giá vàng SJC được dự báo sẽ lao dốc, giảm về mốc 65 triệu đồng/lượng.

“Đu đỉnh” vàng SJC, lỗ gần 10 triệu đồng/lượng

Cách đây 2 tuần, giá vàng SJC lập đỉnh khi chạm mốc 80 triệu đồng/lượng. Những nhà đầu tư ôm vàng thời điểm giá ở mức 67 triệu đồng/lượng vỡ òa vì lãi đậm. Thế nhưng trước tin đồn giá vàng có thể leo lên ngưỡng 90 triệu đồng/lượng, thậm chí 100 triệu đồng/lượng, không ít người đã bị cuốn vào vòng xoáy đầu tư “rút” tiền gửi ngân hàng đi mua vàng. Đau đớn, chỉ vài ngày sau đó, giá vàng liên tục quay đầu giảm.

Đến ngày 9/1/2024, giá vàng SJC mua vào chỉ còn quanh mốc 71 triệu đồng/lượng và bán ra 74 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu nhà đầu tư “đu đỉnh”, chỉ sau 2 tuần họ đã lỗ gần 10 triệu đồng/lượng. Không ít người khóc ròng vì vừa vỡ mộng, vừa xót xa khi thấy tiền đội nón ra đi.

Giá vàng SJC liên tục giảm những ngày gần đây, vì sao? Sau vài ngày giá vàng tăng liên tục, NHNN đã lên tiếng khẳng định sẽ sửa Nghị định 24 về độc quyền vàng trong tháng 1 và sẵn sàng tăng cung vàng SJC cũng như đánh giá lại vai trò của vàng miếng SJC... Cùng với đó, ngày 28/12/2023, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu không để vàng hóa nền kinh tế, đánh giá lại thị trường vàng thương hiệu SJC. Trong cuộc họp đầu năm mới ngày 3/1, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới đến 20 triệu đồng là “không chấp nhận được”. Ông Tú khẳng định việc sửa Nghị định 24 (ban hành năm 2012) là thực sự cần thiết.

Ngày 4/1, NHNN ban hành Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung một quyết định hồi năm 2012 về việc tổ chức, quản lý sản xuất vàng miếng. Trong đó, có việc bổ sung một số thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng; bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc NHNN trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng.

Giá vàng SJC giảm mạnh về mốc 74 triệu đồng/lượng sau động thái của NHNN Ảnh: Như Ý

Nói rõ hơn, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, trong tháng 1/2024, NHNN sẽ có báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện Nghị định 24 và kiểm soát thị trường vàng trong thời gian qua. Cụ thể hơn, sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Tất cả liều thuốc này đã khiến giá vàng giảm về mức hợp lý hơn.

Cần điều tiết

Hiện tại, dù giá vàng SJC liên tục giảm nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích, NHNN có biện pháp cụ thể, giá vàng miếng SJC có thể sẽ giảm sâu hơn nữa. Theo đó, nếu NHNN xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, các loại vàng miếng thương hiệu khác được cung ra thị trường khiến nguồn cung dồi dào, mức chênh với giá thế giới có thể về 1-2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua bán được kéo về mức 500.000-1 triệu đồng/lượng (thay vì 3 triệu đồng/lượng như hiện tại). Khi đó, giá vàng miếng SJC sẽ chỉ khoảng 64-65 triệu đồng/lượng.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng, nhu cầu vàng trong dân lớn không chỉ với vàng miếng SJC mà với cả vàng trang sức. NHNN nên bỏ kinh doanh có điều kiện với vàng trang sức, khi đó sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia thị trường một cách dễ dàng. Theo đó, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn với vàng.

Ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: “Rủi ro đối với kênh đầu tư vàng rất lớn và đây không dành cho số đông nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vàng SJC trong nước không thực sự liên thông với thị trường quốc tế, rủi ro sẽ càng lớn hơn; nhất là khi thị trường tài chính có biến động mạnh, giá vàng biến động mạnh, nhanh, thậm chí theo giờ”.

Còn ông Nguyễn Nhật Minh, chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho biết, từ năm 2014 đến nay NHNN không sản xuất thêm vàng miếng SJC để cung cấp ra thị trường. Trong khi đó người dân có tâm lý tích trữ vàng khiến mặt hàng này càng khan hiếm, đẩy giá tăng cao và nới rộng chênh lệch với giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, Nghị định 24 cũng không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu dẫn tới họ phải chuyển vàng miếng SJC sang sản xuất vàng trang sức. Điều này làm giá vàng miếng SJC ngày càng tăng và chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, ông Minh cho rằng, NHNN nên nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng phương án nhập khẩu vàng và tái khởi động hoạt động sản xuất vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Trước những lo ngại việc cho nhập khẩu vàng sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, qua đó ảnh hưởng đến tỉ giá, lãi suất..., theo ông Minh, vấn đề này không thật sự đáng quan ngại. Theo dữ liệu của Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM (SJA), từ năm 1991-2012, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1.000 tấn vàng (trung bình mỗi năm khoảng 45 - 50 tấn).

Vì vậy, nếu tiếp tục nhập khẩu vàng với số lượng như trước đây thì mỗi năm Việt Nam sẽ chi ra khoảng 3 tỷ USD, chỉ chiếm 3% dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023. Điều quan trọng là theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong khi giá vàng thế giới trong 28 năm qua (từ năm 1995 tới năm 2023) chỉ tăng khoảng 5,4 lần, từ 387 USD/ounce vào năm 1995 lên 2.078,4 USD/ounce năm 2023 thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng 75,5 lần, từ 1,32 tỷ USD (năm 1995) lên 100 tỷ USD (năm 2023).

“Vì vậy, việc nhập khẩu vàng có kiểm soát để tăng nguồn cung vàng miếng trong nước không ảnh hưởng quá nhiều đến dự trữ ngoại hối quốc gia”, ông Minh cho hay.

Tác giả: Ngọc Mai

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến