Dòng sự kiện:
Kịch bản và những thách thức cho thị trường bất động sản năm 2023
28/01/2023 06:42:47
Thị trường bất động sản đã trải qua một năm với nhiều khó khăn và thách thức.Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bước sang năm 2023, thị trường bất động sản dự báo sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

3 kịch bản và 5 rủi ro thị trường bất động sản phải đối mặt

Chia sẻ với TTXVN về thị trường bất động sản, ông Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến cáo 3 kịch bản và 5 rủi ro cho thị trường bất động sản 2023.

Theo ông Chung, với kịch bản thứ nhất, dự báo thị trường tiếp tục điều chỉnh theo hướng thu hẹp, thực chất hơn. Đây là phương án có khả năng xảy ra nhất. Trong bối cảnh các nguồn tiền không có đột biến, các chính sách cũng phải đến cuối năm 2023 mới được thông qua thì nhiều khả năng thị trường sẽ phát triển theo xu hướng này.

Góc nhìn tích cực hơn rơi vào kịch bản thứ hai có phần tích cực hơn. Thị trường đón chờ động năng mới nếu ban hành bộ ba luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản. Từ đó xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi và cùng với sự ổn định của tình hình trong và ngoài nước, vốn nước ngoài tiếp tục "rót" vào Việt Nam.

Khi đó, vốn trong nước sẽ được kích hoạt và hấp thu để đón chờ một chu kỳ đi lên mới. Thị trường bất động sản vượt qua "điểm lõm," ông Chung phân tích. Kịch bản này có thể xảy ra nhưng xác suất thấp vì có nhiều điều kiện nằm ngoài khả năng của nền kinh tế Việt Nam.

Kịch bản thứ ba, ông Chung cho rằng kinh tế thế giới khó khăn và kinh tế trong nước bị ảnh hưởng đồng thời với kinh tế vĩ mô diễn biến đi ngang. Thị trường bất động sản sẽ đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Nếu không có khoản tiền đáp ứng yêu cầu trả lãi và tất toán, thị trường bất động sản bắt buộc phải điều chỉnh giảm để cơ cấu lại thị trường. Theo ông Chung, kịch bản này khó xảy ra nhưng không phải không thể xảy ra.

Bên cạnh đó, ông Trần Kim Chung cũng đưa ra những rủi ro mà thị trường năm sau có thể gặp phải. Đầu tiên là rủi ro kinh tế quốc tế sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Thêm một yếu tố cần tính đến là rủi ro kinh tế vĩ mô. Ông Chung cho rằng cần chú ý đến lạm phát, lãi suất và tỷ giá; tín dụng đối với thị trường bất động sản; giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư nước ngoài; xuất nhập khẩu...

Bước sang năm 2023, thị trường bất động sảndự báo sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh minh họa từ internet 

Tiếp đó, thị trường bất động sản đang điều chỉnh theo hướng đi xuống. Nếu không có chính sách nào đặc biệt, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống cho tương ứng với khoản tài chính đã bị rút khỏi hiện trường do các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, ông Chung nhận định.

Mặt khác, do năm 2019-2021, thị trường bùng phát nên một phần rất lớn tài chính cần thu hút để thanh quyết toán các giao dịch sẽ cần đến trong năm 2022-2023 nhưng hiện nay nguồn tài chính này không những không như kỳ vọng mà còn bị sụt giảm. Hệ quả là thị trường sẽ tiếp tục bị thu hẹp.

Rủi ro thứ 4 được chuyên gia này chỉ ra là đối tác. Ngoài những rủi ro như các năm, hiện nay xuất hiện thêm rủi ro phái sinh là một số doanh nghiệp bị phong tỏa tài sản do liên quan đến các doanh nghiệp đang gặp các vấn đề pháp lý. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác đang có những diễn biến tài chính khó khăn...

Chính sách cũng là vấn đề cần quan tâm, nhất là về tín dụng, lãi suất, tỷ giá… Nếu các yếu tố này thay đổi theo hướng tăng cao hơn nữa sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Đặc biệt, trong năm 2023, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ được thông qua; trong đó, thuế nhà đất hoặc thuế tài sản sẽ được đưa ra.

Bởi vậy, theo ông Chung, trong năm 2023 và giai đoạn đến 2030, nhiệm vụ rất quan trọng của các tổ chức tài chính là phát triển đa dạng, đầy đủ nhiều nguồn tài chính cho thị trường bất động sản.

Theo Vietnamnet, tại Diễn đàn bất động sản 2022 với chủ đề Proptech - Xu hướng tất yếu của thị trường, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – VARS dự báo có 2 kịch bản xảy ra với thị trường bất động sản năm 2023.

Thứ nhất, thị trường bất động sản năm 2023 khả năng vẫn còn khó bởi dòng vốn chưa được khơi thông. Thứ hai, sau Tết Quý Mão, Chính phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh. Thị trường sẽ dần ấm lên và ổn định đến cuối năm. Theo ông Đính, kịch bản này có thể xảy ra cao hơn.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, thị trường bất động sản hết năm 2022 còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ năm 2023 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính...

Cũng theo ông Lực, bên cạnh các phân khúc truyền thống (nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng…), dự báo sản phẩm trên thị trường bất động sản sẽ ngày càng đa dạng, với sự xuất hiện và phổ biến hơn của một số phân khúc như bất động sản nghĩa trang, bất động sản số, bất động sản tâm linh, sức khỏe…

Cần cơ cấu lại sản phẩm

Theo Vietnamnet, chuyên gia cho rằng, trong năm 2023, doanh nghiệp bất động sản sẽ phải chủ động cơ cấu lại sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm bất động sản có giá phù hợp tại các dự án mới do giá đã bị đẩy quá cao thời gian qua.

Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam để thích ứng, doanh nghiệp bất động sản sẽ chủ động cơ cấu lại sản phẩm tại các dự án đang phát triển theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Đồng thời tập trung phát triển nhiều hơn các sản phẩm bất động sản có giá phù hợp tại các dự án mới. Khi đó thị trường sẽ lưu thông và thanh khoản tốt hơn.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số được các doanh nghiệp lựa chọn, ứng dụng tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cung cấp thông tin, dữ liệu về thị trường, giúp thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Trao đổi cụ thể về xu hướng chuyển đổi số trong bất động sản, ông Nguyễn Khắc Thế, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và cơ sở dữ liệu đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng, muốn phát triển thị trường bất động sản minh bạch bền vững thì nhất thiết dữ liệu thị trường bất động sản phải gắn liền với dữ liệu đất đai và trong đó chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu.

Cũng theo ông Thế, để thị trường BĐS minh bạch, bền vững hơn, Bộ Tài nguyên Môi trường kiến nghị Chính phủ và Quốc hội tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật đất đai, trong đó cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được xây dựng theo hướng tập trung thống nhất đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện trong việc xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai.

Đồng quan điểm, ông Đặng Tùng Anh, Phó giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và truyền thông), cho biết, thời gian vừa qua Bộ Thông tin và truyền thông đã tham mưu để Chính phủ ban hành nhiều văn bản liên quan tới chuyển đổi số như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Đây là những văn bản quan trọng trong chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ về chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.

Nằm trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, ông Tùng Anh cho rằng bất động sản cũng sẽ phải chuyển mình mạnh mẽ, bởi chỉ có chuyển đổi số trong giai đoạn này mới giúp mang lại nhiều cơ hội để tiếp cận khách hàng với chi phí rẻ hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các chiến dịch marketing hấp dẫn, hiệu quả và nhanh chóng.

Tác giả: Đào Vũ (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến