Dòng sự kiện:
Kích thích phục hồi kinh tế với các giải pháp cải tổ chính sách thuế
08/12/2021 10:20:37
Theo chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long, việc cải tổ chính sách thuế và phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thì cần đúng và trúng, chỉ những doanh nghiệp gặp vấn đề, yếu kém mới cần hỗ trợ.

Hiện nay, có ý kiến đề xuất cải cách thuế của Việt Nam sẽ là thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận (miễn, giảm thuế suất) đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung gồm chi phí vốn, chi phí lao động và chi phí lãi vay.

Tùy theo từng giai đoạn và điều kiện nhất định mà Chính phủ có thể áp dụng các hình thức ưu đãi thuế khác nhau, nhằm đạt được mục tiêu của mình (ảnh minh hoạ)

Các phương thức ưu đãi thuế

Về vấn đề này, theo nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Thương Huyền và TS. Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính), khi đề cập đến các định hướng ưu đãi thuế, cần phân biệt rõ giữa các cơ chế ưu đãi chi phí và các ưu đãi lợi nhuận. Tương ứng với các nhóm ưu đãi, tùy theo từng giai đoạn và điều kiện nhất định mà Chính phủ có thể áp dụng các hình thức ưu đãi thuế khác nhau, nhằm đạt được mục tiêu của mình. Các hình thức ưu đãi thuế bao gồm:

Một là sử dụng thuế suất tiêu chuẩn thấp, minh chứng là các nước đang phát triển thu hút được tổng số vốn đầu tư nước ngoài cao so với tổng thu nhập quốc dân chủ yếu là các nước có cơ cấu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp và sử dụng biện pháp miễn giảm thuế ban đầu.

Hai là, thuế suất ưu đãi thấp hơn thuế suất tiêu chuẩn và thường được áp dụng đối với các ngành, nghề hoặc các khu vực được lựa chọn ưu đãi.

Ba là, miễn toàn bộ hoặc một phần thuế TNDN, đây là hình thức ưu đãi thuế phổ biến nhất. Hình thức này đơn giản, dễ thực hiện đối với doanh nghiệp và cơ quan thuế; hạn chế được việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với cơ quan thuế. Tuy nhiên, nếu thời kỳ ưu đãi kéo dài sẽ tăng áp lực cho thu ngân sách. Ngược lại, nếu thời gian ưu đãi ngắn, chỉ thu hút được các dự án ngắn hạn và dễ gây nên tình trạng chuyển vốn sang đầu tư ở một nước khác để hưởng thời kỳ ưu đãi thuế mới.

Bốn là, giảm thuế suất thuế TNDN đối với các nhóm lợi nhuận mục tiêu. Biện pháp này có thể khuyến khích phát triển một số lĩnh vực nhất định và các chi phí về số thu minh bạch hơn. Tuy nhiên, việc phân định và quản lý lợi nhuận nào đạt tiêu chuẩn được hưởng mức thuế suất thấp thường rất khó khăn và thường tạo cơ hội tránh thuế, do các doanh nghiệp phải chịu thuế suất cao đã chuyển lợi nhuận sang các doanh nghiệp chịu thuế thấp hơn qua phương thức chuyển giá.

Năm là, chiết khấu đầu tư và tín dụng thuế, so với miễn thuế kỳ hạn, hai hình thức ưu đãi thuế này có nhiều lợi thế. Nhưng những hình thức ưu đãi này có xu hướng bóp méo sự lựa chọn các tài sản vốn theo hướng ưu tiên các tài sản ngắn hạn, vì các khoản chiết khấu và tín dụng sẽ được tận dụng mỗi khi tài sản được thay thế.

Sáu là, khấu hao nhanh bằng cách cho phép doanh nghiệp được trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí sản xuất hợp lý được tính trừ cao hơn mức khấu hao cho phép theo lịch trình thông thường. Hiệu quả của biện pháp này là số thuế phải nộp được trì hoãn đẩy lùi về những kỳ nộp thuế sau, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để đẩy nhanh tốc độ thay thế tài sản vốn.

Bẩy là, khấu trừ thuế, khấu trừ chi phí đầu tư cho phép doanh nghiệp thực hiện đầu tư được khấu trừ bổ sung một tỷ lệ nhất định tính trên giá trị đầu tư vào chi phí trước khi tính thuế hoặc vào số thuế phải nộp nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải thực hiện với nhà nước. Khấu trừ thuế được xác định theo tỷ lệ tương ứng với giá trị đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề hoặc địa bàn khuyến khích đầu tư. Hình thức này cho hưởng ưu đãi theo hoạt động đầu tư thực tế.

Tám là, ưu đãi thuế gián tiếp, hình thức này rất dễ bị lạm dụng khi thực chất người chịu thuế không được hưởng ưu đãi mà người nộp thuế sẽ được hưởng. Hiện nay, các nước đều sử dụng hình thức miễn giảm thuế nhập khẩu và thuế GTGT và trong một số trường hợp cả thuế tiêu thụ đặc biệt cho các nhà đầu tư được khuyến khích trong việc nhập khẩu máy móc, hoặc các nhà xuất khẩu đều hưởng thuế suất 0% theo đó được hưởng chế độ hoàn thuế GTGT.

Chín là, cơ chế kích hoạt, tại các nước phát triển, một cơ chế kích thích tự động cho phép các nhà đầu tư nhận được những ưu đãi một cách tự động một khi cơ chế này thoả mãn những tiêu chuẩn, điều kiện thoả mãn mục tiêu đặc biệt nhất định. Khi đưa ra các ưu đãi này, các cơ quan liên quan sẽ chỉ thực hiện khi các tiêu chuẩn đủ điều kiện được đảm bảo. Trong khi áp dụng cơ chế này sẽ làm mất quyền tự chủ khi giải quyết các trường hợp đặc biệt.

Mười là, giảm gánh nặng lỗ, lỗ của doanh nghiệp có thể được phân bổ khấu trừ vào các năm tiếp theo để giảm thu nhập tính thuế, giảm số thuế TNDN mà các doanh nghiệp phải nộp. Hình thức này được xem như là hình thức hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp và có lợi cho những dự án lớn đầu tư vào sản xuất. Tuy nhiên, nó cũng gây ra những gánh nặng về quản lý và nếu không có quy định đúng đắn về khấu hao có thể dẫn đến giảm hiệu quả của hình thức ưu đãi này.

Hướng tới doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo đánh giá, Chính phủ các nước phát triển và đang phát triển đều xác định vai trò quan trọng và lâu dài của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nền kinh tế. Vì vậy, công tác xúc tiến, phát triển DNNVV luôn được coi là một trong những chính sách trọng tâm trong phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, DNNVV chiếm tỷ lệ 97% số doanh nghiệp trong cả nước, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xoá đói giảm nghèo,… Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ưu đãi thuế có thể được sử dụng theo hai hướng bao gồm khuyến khích các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp mới và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp đã được thành lập.

Ông Phan Lê Thành Long

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính cho rằng, về cải tổ chính sách thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thì cần đúng và trúng, chỉ những doanh nghiệp gặp vấn đề, yếu kém thì mới cần hỗ trợ về chính sách thuế và phí.

Ông Long nêu ví dụ, những doanh nghiệp được ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận như trong năm nay là được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nghĩa là hướng tới những doanh nghiệp làm ăn tốt, có lợi nhuận. Như vậy, mục tiêu hỗ trợ hoàn toàn bị chệch, trong khi các doanh nghiệp khó khăn, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 lại không được thụ hưởng ưu đãi từ chính sách. Do đó mới có đề xuất hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp như đã nêu.

“Điển hình như các doanh nghiệp vận tải taxi, trong suốt giai đoạn vừa qua, hàng nghìn xe taxi phải “đắp chiếu” nhưng phí cầu đường vẫn phải nộp. Kể cả hết giãn cách, thì hoạt động của doanh nghiệp cũng chỉ đạt 20-30% công suất, nhưng về bản chất, phí cầu đường là để sửa đường, duy tu, bảo dưỡng đường, trong khi xe không chạy mà vẫn phải đóng phí sẽ làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp”, ông Long nói.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, những chính sách này chỉ nên áp dụng trong giai đoạn ngắn hạn, vì xét về dài hạn, thuế phải dựa trên giá trị gia tăng, muốn có giá trị thặng dư thì phải tạo ra kết quả, hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận. Khi đó, doanh nghiệp đóng thuế dựa trên lợi nhuận mới là hợp lý, còn giai đoạn ngắn hạn này, Chính phủ có thể xem xét các chính sách ưu đãi phù hợp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Tác giả: Diễm Ngọc

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến