Kiểm soát dòng tiền dự án Đèo Cả: 'Lạ' mà 'hay'
29/09/2014 08:36:09
ANTT.VN - Trong lịch sử thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, việc công khai và áp dụng chính sách quản lý và kiểm soát dòng tiền dự án như Đèo Cả thực hiện là chưa hề có tiền lệ. Đây là một cách làm khá "mới", "lạ" và hứa hẹn nhiều tích cực.

Tin liên quan

Chính sách “lạ” cho một Dự án trọng điểm Quốc gia

Dự án hầm đường bộ Đèo Cả được thực hiện theo hình thức BOT và BT, do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là 15.603 tỷ đồng, trong đó phần vốn BOT 10.555 tỷ đồng và phần BT 4.509  tỷ đồng, phần GPMB là 539 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh thiết kế cơ sở, giá trị tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 12.000 tỷ đồng.

Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả do ngân hàng VietinBank tài trợ vốn. Tổng giá trị hợp đồng tín dụng với ngân hàng VietinBank là 10.251 tỷ đồng. Kế hoạch bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ dành cho phần BT và GPMB 5.048 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đã được cổ đông góp vốn đến nay là 600 tỷ đồng.

Tổng số tiền đã giải ngân đến hết tháng 8/2014 là 2.284 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân cho triển khai dự án từ nguồn vốn chủ sở hữu hơn 318 tỷ đồng và từ nguồn vốn vay tín dụng 1.728 tỷ đồng; giải ngân cho công tác GPMB và tái định cư hơn 237 tỷ đồng, trong đó có hơn 39 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Hầm Cổ Mã, một trong các hạng mục của dự án hầm đường bộ Đèo Cả sẽ được thông xe vào tháng 10 này.

Có thể nói, trong lịch sử thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia thì việc công khai và áp dụng chính sách quản lý và kiểm soát dòng tiền dự án như Đèo Cả thực hiện là chưa hề có tiền lệ. Lần đầu tiên, một chủ đầu tư “dám” tổ chức hội nghị và mạnh dạn công khai chính sách quản lý và kiểm soát nguồn tiền minh bạch đến vậy.

Để xây dựng, triển khai Chính sách mang tính “cách mạng” trên, DCIC đã rất cẩn trọng thiết lập quy trình 3 bước từ thống nhất nội dung, ban hành quy định và triển khai thực hiện với 3 nguyên tắc xuyên suốt là: cung cấp đủ và kịp thời cho Nhà thầu, tiền tạm ứng chỉ sử dụng cho dự án và phân rõ trách nhiệm cho các bên liên quan. Bên cạnh đó, chủ đầu tư Đèo Cả cũng đóng vai trò trung tâm, phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA 85-Bộ GTVT, Ngân hàng Vietinbank, các nhà thầu, đơn vị tư vấn đầu tư và ngân hàng bảo lãnh để đảm bảo dòng tiền lưu chuyển hiệu quả và đúng chính sách.

Theo đó, dòng tiền của dự án sẽ được chia thành 4 khoản mục lớn để quản lý và kiểm soát, bao gồm: các khoản tạm ứng, hoàn ứng, thanh toán và nghiệm thu. Mỗi khoản tiền chỉ được xuất ra hoặc thu về khi đảm bảo 3 nguyên tắc: hồ sơ phù hợp với thực tế, đúng quy định của Nhà nước; phù hợp với chính sách của Chủ đầu tư; đáp ứng việc kiểm toán và báo cáo của Chủ đầu tư.

Việc triển khai chính sách nêu trên là nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên, trước hết là Chủ đầu tư dự án, cũng như đảm bảo tiền tạm ứng thi công phục vụ cho việc triểu khai dự án. Đồng thời, sự “minh bạch” đó cũng sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu có thể triển khai dự án một cách thuận lợi nhất.

Tất cả những nội dung quy định trong chính sách đều được thiết lập và triển khai dựa trên nguyên tắc cho việc nghiệm thu, thanh toán và hoàn ứng cũng như kiểm soát các khoản tạm ứng cho nhà thầu. Như nguyên tắc của kiểm soát nghiệm thu và hoàn ứng là phải đảm bảo thanh toán phù hợp với thực tế triển khai thi công trên công trường của nhà thầu và đáp ứng được yêu cầu theo quy định nhà nước và hợp đồng.

Hết kiểu “đem con bỏ chợ”

Ngay từ giai đoạn chuẩn bị, DCIC đã phải phối hợp với đối tác pháp lý là Công ty luật hợp danh Luật Việt và đơn vị tư vấn tài chính là Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam VAE để xây dựng những văn bản, phương án chào thầu hợp lý và chuẩn mực . Song song với đó, DCIC cũng kết hợp với đối tác tư vấn quản lý và kiểm soát rủi ro Apave, NK để đánh giá năng lực và giám sát các nhà thầu.

Với những bước chuẩn bị chu đáo như vậy, mỗi nhà thầu được DCIC lựa chọn phải là những đối tác thực sự “đứng đắn” và có năng lực. Điều này giúp Chủ đầu tư tránh được tình trạng mà hàng loạt dự án trọng điểm trong nước đang gặp phải đó là việc bỏ thầu thấp để nhận rồi sau đó lại đòi hỏi “ề a”, "đem con bỏ chợ" dẫn đến chậm tiến độ và đội vốn lên rất nhiều.

Mô hình kiểm soát và quản lý dòng tiền tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả

Khi tiến hành thực hiện mỗi gói thầu, nhà thầu sẽ được DCIC xét duyệt tạm ứng, nghiệm thu và thanh toán một khoản tiền thích hợp theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, không còn kiểu Chủ đầu tư sau khi được rót tiền, sẽ lại ngay lập tức rót xuống cho nhà thầu, xong rồi để rồi họ “muốn làm gì thì làm” như truyền thống; tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) với tư cách là nhà tài trợ chính của dự án sẽ đóng một vai trò chủ yếu trong công tác quản lý dòng tiền.

Theo đó, mọi dòng tiền đều được đặt dưới hệ thống quản lý của VietinBank, trên cơ sở phối hợp cùng với Chủ đầu tư và các nhà thầu. 

Chính sách nhấn mạnh việc nhà thầu phải được bảo lãnh bởi ngân hàng khác hệ thống với VietinBank mỗi khi nhận các khoản tạm ứng. Ngân hàng bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện các điều khoản theo các điều kiện thống nhất giữa DCIC với VietinBank. Cụ thể, mỗi lần xuất tạm ứng, Vietinbank sẽ giải ngân các khoản tạm ứng vào tài khoản phong toả, chủ thầu sẽ phải kết hợp với Ngân hàng bảo lãnh để phát hành thư bảo lãnh theo đúng quy định, sau đó Vietinbank sẽ căn cứ vào thực tế thi công mới quyết định chấp thuận và giải ngân khoản tạm ứng đó vào tài khoản theo bảo lãnh, từ đó được chuyển tiếp cho nhà thầu.

Trong giai đoạn đầu thực hiện gói thầu, do đặc thù của việc triển khai dự án là vừa thiết kế vừa thi công, nên ngân hàng bảo lãnh khoản tạm ứng có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý dự án xác định công việc nhà thầu đã triển khai cũng như kế hoạch thi công trong thời gian kế tiếp để làm cơ sở giải ngân. Những lần giải ngân tiếp theo dựa trên cơ sở kiểm tra thực tế tiến độ hoàn thành tại công trường thông qua hồ sơ nghiệm thu kết hợp với kế hoạch tiếp theo của nhà thầu.

Bên cạnh đó, việc giải ngân theo hồ sơ thanh toán sẽ do VietinBank đảm nhận dựa trên hồ sơ thanh toán đã được DCIC phê duyệt. Đây cũng là cơ sở để ngân hàng bảo lãnh thực hiện việc hoàn ứng.

Với sự tham gia của các ngân hàng bảo lãnh, mỗi khoản đầu tư sẽ được gắn chặt chẽ với chất lượng và tiến độ thưc tế của các hạng mục công trình, từ đó giúp giảm lãng phí, thất thoát, góp phần nâng cao hiệu quả dự án.

Phương thức giải ngân này cũng quy định rõ sự phối hợp nhịp nhàng giữa VietinBank, ngân hàng bảo lãnh và Ban quản lý dự án trong việc xác định khối lượng triển khai của nhà thầu.

Điều khoản này ghi rõ chi tiết, thư bảo lãnh khoản tiền tạm ứng là loại bảo lãnh vô điều kiện, không hủy ngang và có hiệu lực đến khi khoản tạm ứng được thu hồi hết.

Ngoài ra, chính sách quản lý và kiểm soát dòng tiền cũng phân định rất rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan. Như vai trò kiểm soát dòng tiền của nhà tài trợ chính Vietinbank, hay trách nhiệm tư vấn cho Chủ đầu tư thực hiện hợp đồng một cách khả thi nhất của đơn vị tư vấn quản lý là Ban QLDA 85-Bộ GTVT.

Và một điều cũng rất “mới” không thể không kể đến trong công tác quản lý và thực hiện dự án hầm đường bộ Đèo Cả, đó là sách bình ổn giá vật liệu, lần đầu tiên được áp dụng tại các Dự án lớn tại Việt Nam. Theo đó, dựa trên cơ sở hồ sơ thanh toán nhà thầu thực hiện chương trình, VietinBank sẽ thực hiện giải ngân theo chương trình bình ổn giá vật liệu, sau khi Chủ đầu tư chấp nhận hồ sơ thanh toán.

Có thể thấy, với một dự án trọng điểm, có yêu cầu căng thẳng về tiến độ, vừa thiết kế, vừa thi công cũng như loại hình đầu tư phức tạp như hầm đường bộ Đèo Cả thì chính sách quản lý và kiểm soát dòng tiền đầu tư mà DCIC đang xây dựng và triển khai chắc chắn sẽ phát huy được hiệu quả rất lớn.

Thiết nghĩ trong bối cảnh hiện nay, khi hàng loạt các dự án trọng điểm bị chậm tiến độ, ùn tắc, kém hiệu quả thì phong cách làm việc và phương án quản lý, kiểm soát khá “lạ” như DCIC đang áp dụng là rất đáng biểu dương và cần thiết phải nhân rộng!.

Ninh Giang
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến