Dòng sự kiện:
Kiểm soát lạm phát 2019: Linh hoạt hơn để ứng vạn biến
14/01/2019 14:08:19
Cần tính tới việc điều hành linh hoạt hơn đối với giá cả các mặt hàng thiết yếu để dần tiến tới giá thị trường, đồng thời cũng là cơ hội để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và hỗ trợ nhiều hơn cho tăng trưởng.

Mặc dù giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn đang là ẩn số, song nhiều ý kiến cho rằng, với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, mục tiêu kiểm soát CPI dưới 4% trong năm 2019 là có thể thực hiện được. Cùng với đó, thắng lợi kép trong công tác điều hành khi kinh tế tăng trưởng cao và lạm phát thấp trong năm qua, cũng là kịch bản được mong đợi sẽ tiếp tục lặp lại trong năm 2019. Lúc này, lại có những ý kiến cho rằng cần mạnh dạn và linh hoạt hơn trong điều hành chính sách để đạt được mục tiêu cao hơn.

Cần mạnh dạn và linh hoạt hơn trong điều hành chính sách để đạt được mục tiêu cao hơn

Theo các chuyên gia, ẩn số lớn nhất của lạm phát trong năm 2019 chính là giá xăng dầu. Cùng với đó, để giữ mức lạm phát dưới 4% là thách thức đối với cơ quan quản lý, khi dự kiến sẽ điều chỉnh giá điện, điều chỉnh giá theo lộ trình một số dịch vụ y tế, giáo dục; điều chỉnh tiền lương… Hiện nay, tất cả các yếu tố này đều đã được Tổng cục Thống kê dự tính tác động và đưa ra khuyến nghị thông qua các kịch bản điều hành giá trong năm 2019.

Cụ thể, theo số liệu dự báo của 10 tổ chức quốc tế, giá xăng thành phẩm thế giới năm 2019 nằm trong khoảng 80-85 USD/thùng. Tổng cục Thống kê dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ tăng thêm khoảng 5% - 10% so với năm 2018. Cùng với đó, việc điều chỉnh thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu cũng sẽ tác động đến CPI.

Trong khi giá dịch vụ y tế sẽ có cả tăng lẫn giảm. Nếu chi phí quản lý trong giá dịch vụ khám chữa bệnh tác động đến CPI chung tăng, thì việc thực hiện giảm giá một số loại dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ước tính làm chỉ số giá dịch vụ y tế giảm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giảm định mức tiêu hao vật tư trong kết cấu giá dịch vụ y tế khiến giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế cũng giảm, giúp CPI chung giảm theo.

Tổng cục Thống kê cũng đánh giá, tăng trưởng tín dụng năm 2019 ước trong khoảng 14% là vừa đủ với sức hấp thụ vốn của các DN, tránh rủi ro nợ xấu và hỗ trợ tăng trưởng bền vững, đảm bảo ổn định lạm phát. Dự báo tỷ giá hối đoái có thể sẽ tăng nhưng không đột biến do phương thức điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của NHNN với 8 đồng tiền chủ chốt đã làm giảm rủi ro so với việc trước đây chỉ “neo” VND với đồng tiền duy nhất là USD, do vậy không có tác động đột biến đối với CPI.

Đánh giá một cách tổng thể, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là có thể đạt được. TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, có thể lạm phát năm 2019 còn thấp hơn năm 2018. Bởi theo ông, cả 3 yếu tố khiến cho lạm phát những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là giá dầu, giá thịt lợn và tỷ giá đều được dự báo sẽ giảm hoặc ổn định hơn trong năm 2019. “Điều đó có nghĩa nhiều khả năng lạm phát trong năm 2019 còn thấp hơn lạm phát 2018”,TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.

Trong bối cảnh chung tương đối “dễ thở” hơn đối với công tác điều hành giá, các chuyên gia cho rằng năm 2019 chúng ta có đủ cả cơ hội và yêu cầu để thực hiện mục tiêu điều hành chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát để tạo điều kiện cho chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không hy sinh lạm phát để thúc đẩy tăng trưởng như giai đoạn trước, mà kiểm soát trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. Lúc này cũng cần tính tới việc điều hành linh hoạt hơn đối với giá cả các mặt hàng thiết yếu để dần tiến tới giá thị trường, đồng thời cũng là cơ hội để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và hỗ trợ nhiều hơn cho tăng trưởng.

TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2019 cần tính toán tới việc chủ động đẩy lạm phát lên ở mức 5-6% để tạo điều kiện cho chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông nhấn mạnh ở đây không phải là hy sinh lạm phát để thúc đẩy tăng trưởng như giai đoạn trước. “Mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 6,8%, theo tôi hoàn toàn có cơ hội để cao hơn, ít nhất cao hơn năm 2018, nếu tốt thì ở mức 7,5% và để đạt được vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, và nới rộng lạm phát lên 5-6% vẫn trong vòng kiểm soát được”, ông Ánh khẳng định.

Ông Ánh đưa ra 3 lý do để giải thích cho đề xuất của mình. Thứ nhất, liên quan đến chính sách điều chỉnh giá điện. Năm 2018 vì cố giữ lạm phát dưới 4% nên không có dư địa để điều chỉnh giá điện, việc này sẽ liên quan đến vấn đề năng lượng của các năm tiếp theo, đồng thời liên quan đến vấn đề tăng trưởng trong dài hạn. Vì để có tăng trưởng cao lên cần phải sử dụng điện nhiều hơn.

Thứ hai, liên quan tới chính sách tiền tệ. Năm 2018 tín dụng tăng 14%. Với tốc độ tăng trưởng của năm 2018 thì mức tăng trưởng tín dụng như vậy là ổn vì đang có sự điều chỉnh tăng chất lượng tín dụng. Nhưng 2019 nếu muốn tăng trưởng cao hơn thì phải nới tín dụng lên, do nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào tín dụng. Bên cạnh đó, việc này cũng tạo dư địa cho điều chỉnh lãi suất. Tại sao năm 2018 ông không thể điều chỉnh giảm lãi suất cho vay được? Ông Ánh lý giải, đó là do khi kéo giảm lãi suất sẽ có nguy cơ gây ra lạm phát do tăng tín dụng cho nền kinh tế lên. Tuy nhiên nếu nới dư địa lạm phát lên mức 5-6%, sẽ tạo điều kiện để nới tín dụng lên trong bối cảnh vẫn xử lý nợ xấu để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Và như vậy 2019 là cơ hội để chính sách tiền tệ kéo giảm lãi suất cho vay xuống.

Cuối cùng, liên quan chính sách tài khoá. Năm 2019 để thúc đẩy tăng trưởng thì phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công lên chứ không thể để giải ngân đì đẹt như 2018 được. “Nói gì thì nói vẫn phải trông vào đầu tư của Nhà nước, vì vậy phải nâng cao hiệu quả. Nhưng mà khi ông đẩy giải ngân lên chắc chắn sẽ gây ra áp lực lạm phát. Nếu ông cố giữ lạm phát 4% thì sẽ rụt rè trong giải ngân vốn đầu tư”, ông Ánh nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý, việc giữ giá điện trong năm 2018 chưa được tính toán hết các tác động lâu dài và có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng cũng như thu ngân sách. Ông Kiên phân tích, hiện nay cơ quan thống kê không đưa ra được con số nếu kìm giữ giá điện như năm 2018 thì ngân sách hụt thu bao nhiêu. “Cùng với việc giữ ổn định như thế thì chúng ta phải so sánh xem nếu điều hành theo đúng nguyên tắc thị trường thì cái nào lợi hơn”, ông Kiên nhấn mạnh.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến