Với nền tảng tích cực đạt được của năm 2018, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 vừa được Quốc hội dễ dàng thông qua với đa số đại biểu tán thành. Tuy nhiên với những biến động khó lường hơn của kinh tế, thương mại toàn cầu và những vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết thì để thực hiện được kế hoạch đặt ra sẽ cần rất nhiều nỗ lực trong triển khai.
Xuất khẩu đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong năm 2019
Khi động lực cải cách được khơi dậy
Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế 2018, có thể thấy niềm tin và những động lực mới của cải cách đang được khơi dậy. KTVM ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, DN thành lập mới tăng nhanh, đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Đó thực sự là những thành quả ấn tượng.
Một điểm đáng chú ý là tăng trưởng theo hướng giảm dần phụ thuộc vào nguồn vốn vay và các nguồn khai thác dầu, khoáng sản... trong khi các nguồn lực trong nước dần dần được phát huy. Cùng với sự hồi phục của đầu tư công, tăng trưởng duy trì ở mức cao của đầu tư tư nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là cơ sở cho sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần phụ thuộc vào FDI và tăng dần tỷ trọng của khối tư nhân trong nước.
Bên cạnh đó, việc có được sự vươn lên dẫn dắt của một số tập đoàn, DN đầu tàu trong nước, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ sẽ mang lại những thay đổi nhanh chóng cho nền sản xuất cũng như dịch vụ, qua đó tạo nền tảng cho tăng trưởng cao và bền vững trong các năm tiếp theo.
Tuy nhiên ở các chỉ tiêu chủ yếu cụ thể của năm 2019, đặc biệt về tăng trưởng và lạm phát, sẽ cần rất nhiều nỗ lực mới có thể đạt được trong bối cảnh hiện nay. Để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5% - 7%/năm cho giai đoạn 2016 – 2020 (với tốc độ tăng trưởng trung bình ước tính đạt khoảng 6,57%/năm giai đoạn 2016-2018) thì mục tiêu tăng trưởng 6,6%-6,8% cho năm 2019 được nhìn nhận là hợp lý. Nhưng là nền kinh tế có độ mở cao, rất nhạy cảm đối với các tác động từ bên ngoài – trong khi biến động bên ngoài đang khó lường hơn, với dự báo tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn (Trung Quốc, Mỹ…) có thể chậm lại trong năm tới, CTTM Mỹ - Trung nhiều khả năng còn căng thẳng, Fed tiếp tục xu hướng tăng lãi suất, đồng Nhân dân tệ vẫn trong xu hướng giảm giá… thì thách thức phía trước để đạt được mục tiêu đề ra là không nhỏ.
Đặc biệt, trong khi xuất khẩu vẫn là một trong những động lực chính của tăng trưởng nhiều năm qua, song theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, với những bối cảnh bên ngoài kém khả quan hơn nên các xu hướng về xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam cũng sẽ khó thuận lợi trong thời gian tới.
Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, trong bối cảnh bên ngoài phức tạp hơn, nhất là CTTM Mỹ - Trung tác động đến thương mại, dòng vốn (và đây cũng là những thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất, nhì của Việt Nam) thì những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 và cả các năm tiếp theo chủ yếu phải trông vào các chính sách, giải pháp tác động từ phía tổng cung. Trong đó, cần kiên định và nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên chính sách đầu tư mới để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời phải có các giải pháp cân đối nguồn lực để hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong nước đầu tư mới sản xuất kinh doanh để ổn định và mở rộng quy mô sản xuất.
Cùng với đó, phải quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, triển khai thực hiện tốt chủ trương thu gọn khu vực kinh tế nhà nước, mở dư địa, khơi thông nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đảm bảo cho nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường hiệu quả hơn. Ngoài ra trong bối cảnh hiện nay, cần bảo đảm thực hiện tốt chủ trương đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa đối tác thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ.
Trong khi đó, việc quyết mục tiêu lạm phát năm 2019 “khoảng 4%” được đánh giá là hợp lý. Cũng có ý kiến cho rằng, việc chuyển mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% của năm 2018 sang mục tiêu mới này là một bước lùi khi chuyển từ mục tiêu cứng (dưới 4%), sang mục tiêu “mơ hồ” hơn “khoảng 4%”. Tuy nhiên, với những biến động khó lường xuất hiện trong năm nay và dự báo sẽ tiếp diễn trong năm tới, đặc biệt từ thị trường toàn cầu (như giá dầu mỏ biến động rất mạnh, CTTM Mỹ - Trung “bất ngờ” xuất hiện và leo thang…) thì việc điều chỉnh ngôn từ đối với mục tiêu kiểm soát không phải tín hiệu của sự thiếu quyết liệt mà thể hiện sự cẩn trọng và linh hoạt cần thiết trước những biến số mà chúng ta chưa thể lường được hết.
Điều đó có nghĩa là, kiểm soát lạm phát vẫn là một ưu tiên, nhưng những biến động khó lường hiện nay đòi hỏi sự linh hoạt hơn về mục tiêu điều hành. Như Nghị quyết đã nhấn mạnh, kiên định với ổn định KTVM vẫn là ưu tiên hàng đầu (và tất yếu trong đó, việc kiểm soát lạm phát là yếu tố quan trọng nhất). Bài học và hệ lụy của lạm phát cao trong quá khứ chắc chắn không cho phép Chính phủ “nương tay” với lạm phát và Chính phủ cũng đã có nhiều kinh nghiệm đối với việc này. Đơn cử để có thể kiểm soát được chỉ số CPI dưới 4% trong năm nay, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp rất quyết liệt, trong đó có cả các giải pháp mang tính hành chính như đối với giá điện và giá các dịch vụ, hàng hóa khác. Bởi vậy, hoàn toàn có thể tin tưởng lạm phát năm tới sẽ nằm trong tầm kiểm soát.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy