Ông Nguyễn Văn Lộc ở thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà lội nước đi nhận hàng cứu trợ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Sau khi kiểm tra, nắm bắt địa bàn một số tỉnh như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng thị trường nhìn chung ổn định, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... không biến động lớn. Riêng các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt, có tăng giá nhẹ.
Một số nơi mặt hàng mỳ ăn liền, đồ ăn đóng hộp khan hiếm cục bộ do nhu cầu tích trữ phòng chống lũ lụt dài ngày của người tiêu dùng và tình hình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn do mưa lũ.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng nhu cầu tăng cao từ thị trường để kiếm lời bất chính, gây sốt giá, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi về việc tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh miền Trung.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi phân công trực 24/24 giờ; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra; chủ động triển khai các phương án ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng con người, cơ sở vật chất, tài sản, kho hàng phương tiện tại nơi làm việc.
Ngoài ra, các Cục Quản lý thị trường quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại; đặc biệt, đối với các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, gom hàng hóa hoặc lợi dụng thiên tai để định giá, bán hàng hóa bất hợp lý.
Mặt khác, Tổng cục cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh báo cáo đầy đủ về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm từ khi bão số 6 đến nay. Cập nhật trước 16 giờ hàng ngày.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, Tổng cục yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trên chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt, cập nhật diễn biến thị trường, theo dõi sát nguồn cung-cầu đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, thuốc men; không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thiên tai để đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gây sốt giá không đúng thực chất.
Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường còn đề nghị các Cục Quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai, tăng giá thu lời bất chính đối với các loại mặt hàng bảo hộ, cứu hộ như áo phao, xuồng cao su... để các lực lượng cứu nạn, cứu hộ và người dân có đủ phương tiện xử lý kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.
Theo ông Trần Hữu Linh, tại Điều 31, Điều 32 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2020 đã nêu rất rõ các mức xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng sẽ phạt tiền từ 5-100 triệu đồng đối với các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, sẽ phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với các hành vi như cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng; quy định niêm yết bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác so với thời gian trước đó.
Chuyển hàng cứu trợ tới người dân ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)
Đáng lưu ý, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa ra thị trường; không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.
Hơn nữa, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của 3 tháng liền kề trước đó.
Thêm vào đó là các hình thức xử phạt bổ sung đi cùng như tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 điều 31. Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3-6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 32 trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 21/10, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có Công văn 972 gửi Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường yêu cầu căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, tăng cường quản lý thông tin địa bàn, lĩnh vực được giao.
Do vậy, các đơn vị chủ động nắm bắt diễn biến hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông thương mại trên thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý, mua gom gây bất ổn thị trường.
Mặt khác, tập trung các sản phẩm, mặt hàng phục vụ công tác phòng chống lụt bão, nguyên liệu khôi phục sản xuất, khắc phục môi trường sau bão lũ như: xăng dầu, chất đốt, tấm lợp, đinh vít, dây thép buộc, nhà bạt, áo phao cứu sinh, phao các loại; hàng hóa đáp ứng nhu cầu dự trữ gạo, sữa, mỳ tôm, lương khô, nước uống đóng chai và các nhu yếu phẩm khác; thuốc chữa bệnh; vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch; hóa chất xử lý môi trường sau mưa lũ.
Ngoài ra, lực lượng cần kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm; bán hàng không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết; trà trộn để bán hàng giả, hàng hóa nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm thu lợi bất chính.
Sau Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng có công văn khẩn gửi các Đội Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng thu gom, tăng giá quá mức, hàng giả, kém chất lượng đối với mặt hàng phao, áo phao cứu sinh.
Trong công văn gửi các Đội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh Trương Văn Ba nêu rõ, tình hình áp thấp nhiệt đới, mưa lũ trong thời gian gần đây ảnh hưởng rất lớn tại các tỉnh miền Trung, đời sống nhân dân vùng bị mưa lũ gặp rất nhiều khó khăn, nhân dân cả nước đang chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiên tai.
Vì vậy, ngoài những mặt hàng lương thực, thực phẩm cần thiết phục vụ cho người dân vùng lũ, mặt hàng phao và áo pháo cứu sinh rất cần thiết phục vụ cho việc cứu trợ, đảm bảo tính mạng cho người dân khi lũ dâng cao.
Qua nắm bắt tình hình thị trường qua thông tin truyền thông được biết hiện nay nhiều đối tượng hoạt động mua gom, găm hàng, tăng giá quá mức mặt hàng phao và áo phao cứu sinh để kinh doanh trái phép, thu lợi bất chính; việc khan hiếm mặt hàng này sẽ phát sinh tình trạng sản xuất phao, áo phao giả, kém chất lượng tung ra thị trường.
Để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi mua gom, găm hàng, tăng giá quá mức, sản xuất, kinh doanh hàng giả mặt hàng phao và phao cứu sinh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các Đội nắm chắc tình hình tại địa bàn, giám sát ngay các hoạt động kinh doanh dụng cụ, trang bị bảo hộ lao động, cứu hộ để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm nêu trên.
Đặc biệt, rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh phao, áo phao và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời xử lý triệt để tại nơi chứa trữ, sản xuất phao, áo phao giả, kém chất lượng.
Tác giả: Uyên Hương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy