Dòng sự kiện:
Kiên quyết xử lý khách hàng chây ì không trả nợ
13/10/2018 09:10:46
Hiện tượng chây ì đang diễn ra ở nhiều tỉnh ven biển, nguy cơ nợ xấu phát sinh từ cho vay Nghị định 67 ngày càng lớn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Nếu các ngư dân tiếp tục cố tình chây ì không trả nợ ngân hàng buộc phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Vay rồi, không muốn trả nợ

Agribank chi nhánh Quảng Bình cho biết, chi nhánh này vừa tiến hành khởi kiện ra tòa án yêu cầu trả nợ và xử lý tài sản là tàu cá để thu hồi nợ đối với 2 chủ tàu vỏ thép ở xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67).

Theo Agribank Quảng Bình, hai chủ tàu cá bị khởi kiện là Nguyễn Hữu Sáu (có tàu mang số QB 91609 – TS) với số nợ 14,5 tỷ đồng và Trương Thanh (có tàu mang số QB 91577 – TS, đều trú xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) với số nợ 15,1 tỷ đồng. Hiện sự việc đang trong giai đoạn hòa giải, song các chủ tàu đều không đến dự hòa giải theo giấy triệu tập của tòa. Đây cũng là lần đầu tiên ngân hàng khởi kiện ngư dân vay vốn theo Nghị định 67.

Không ít chủ tàu 67 chây ì, không chịu trả nợ

Sự việc trên theo lãnh đạo một chi nhánh của Agribank cũng là việc chẳng đặng đừng. Bản thân ngân hàng cũng rất hiểu và chia sẻ đối với các khách hàng gặp khó khăn, nhất là lý do khách quan như nguồn lợi hải sản ở vùng biển xa đang bị suy giảm mạnh, thời tiết lại diễn biến thất thường không thuận lợi…

Đối với những khách hàng này, ngân hàng sẵn sàng xem xét, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trả nợ. Về phía ngư dân về cơ bản khá hợp tác trả nợ. Nhưng có một bộ phận ngư dân nhận thức không đầy đủ cho rằng đây là chính sách hỗ trợ của nhà nước (gần như là cho không - PV). Vì thế có hiện tượng người vay cố tình không muốn trả nợ, gây khó khăn cho ngân hàng trong thu hồi nợ.

Thực tế tại Quảng Bình, lãnh đạo của Agribank chi nhánh tỉnh cho biết, có những trường hợp “tàu 67” đi biển về lãi 400-500 triệu đồng/chuyến nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, thậm chí còn đem tiền sang gửi ngân hàng khác… Một số tàu kinh doanh hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay, nhưng thấy có tàu kinh doanh không hiệu quả không trả được nợ nên cũng khất lần không trả nợ vay. Vì vậy, cán bộ ngân hàng rất vất vả trong việc tiếp cận, thuyết phục, đòi nợ khi đến hạn trả nợ.

Là địa phương có tàu 67 được hạ thủy sớm nhất, với mong muốn ngư dân sớm có đội tàu mạnh vươn khơi bám biển, nhưng với tình hình trả nợ của các chủ tàu nổi lên nhiều vấn đề như vậy nên ở Quảng Bình có những khoản cho vay đóng tàu 67 tính ra... 100 năm sau mới trả hết nợ. Nguy cơ nợ quá hạn dài ngày và chuyển nợ xấu tăng mạnh trong năm 2018, dự kiến đến cuối năm 2018 có 12/13 khách hàng chuyển nợ xấu với dư nợ 160 tỷ đồng. Lãnh đạo chi nhánh rất băn khoăn và cho biết thêm, đến cuối tháng 9/2018 ngân hàng đã cho vay theo Nghị định 67 để đóng mới 13 tàu cá, trong đó có 10 tàu vỏ thép và 3 tàu vỏ gỗ với tổng mức cho vay 193,3 tỷ đồng; dư nợ hiện tại 179,64 tỷ đồng. Trong đó, có 4 khách hàng đóng tàu vỏ thép đã chuyển nợ xấu với dư nợ 59,5 tỷ đồng…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng thừa nhận, nguy cơ nợ xấu tăng từ cho vay theo Nghị định 67 và hiện tượng chây ì không trả nợ của nhiều ngư dân trong tỉnh này. Hiện chỉ có 18/87 tàu trả nợ ngân hàng đúng thời hạn, 25 tàu cá vẫn trả được nợ nhưng có nguy cơ chuyển qua nợ quá hạn, 23 tàu thường xuyên quá hạn nợ ngân hàng cả lãi và gốc và 21 tàu không trả được nợ gốc lẫn lãi. Điều này làm tăng nguy cơ nợ xấu đối với các NHTM trên địa bàn.

Vấn đề ở đây không phải tàu 67 nào cũng bị thất thu. Vì thực tế chỉ có một số ít tàu 67 bị hư hỏng, phải thường xuyên neo bờ. Còn phần lớn tàu cá xa bờ tại Quảng Bình đều hoạt động hiệu quả, có nhiều chuyến biển doanh thu hàng tỷ đồng. Đặc biệt, vụ cá năm nay kéo dài do thời tiết thuận lợi nên việc đánh bắt đạt sản lượng cao và giá bán ổn định, mang lại thu nhập cao cho ngư dân. Song nhiều chủ tàu 67 vẫn chây ì trả nợ.

Xử lý theo quy định của pháp luật

Hiện tượng chây ì đang diễn ra ở nhiều tỉnh ven biển, nguy cơ nợ xấu phát sinh từ cho vay Nghị định 67 ngày càng lớn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nếu các ngư dân tiếp tục cố tình chây ì không trả nợ ngân hàng buộc phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Về hướng xử lý đối với các trường hợp nợ quá hạn, ông Huỳnh Tấn Nam - Giám đốc Agribank chi nhánh Bình Thuận cho biết, trường hợp khó khăn do nguyên nhân khách quan, chi nhánh sẽ thực hiện cơ cấu, giãn thời gian trả nợ để tạo điều kiện cho bà con tiếp tục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trường hợp khách hàng cố tình không trả nợ, chi nhánh áp dụng theo đúng quy định của Agribank và NHNN. Song song với đó, Agribank kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật có thể khởi kiện ra tòa, thu hồi tàu bán để trả nợ cho ngân hàng. Trường hợp bán tàu mà nợ của khách hàng vẫn chưa trả hết, trong khi khách hàng vẫn còn có tài sản thì chi nhánh tiếp tục thi hành án để thu hồi đủ nợ.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đồng tình với việc phải xử lý nghiêm đối với trường hợp con nợ chây ì. Tuy Thanh Hóa chưa có trường hợp nào phải khởi kiện, nhưng tỉnh cũng cương quyết với hướng xử lý này nếu khách hàng cố tình chây ì. “Trong thời gian tới, ngoài việc sớm đưa ra các văn bản hướng dẫn vướng mắc từ các cơ quan bộ, ngành, chính quyền địa phương cần có sự kiên quyết xử lý đúng luật, đúng quy định đã vay nợ thì phải trả. Việc này sẽ phải làm điểm một hai đồng chí chứ không nói suông mãi được”, ông Quyền đưa ra quan điểm.

Để giải quyết những bất cập trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân đã yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho các chủ tàu cá trong việc trả nợ ngân hàng. Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường quản lý các tàu đánh bắt xa bờ, phối hợp cung cấp thông tin về hiệu quả hoạt động của các tàu cá, trên cơ sở đó vận động chủ tàu thực hiện trả nợ đúng kỳ hạn.

Đứng trên giác độ ngân hàng, lãnh đạo Agribank chi nhánh Khánh Hòa đề nghị cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ban hành chính sách thích hợp đặc biệt là trong công tác tuyên truyền để bà con ngư dân nhận thức rõ đây là vốn vay thương mại. Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất, bà con ngư dân có trách nhiệm trả nợ. “Việc có hệ thống quản lý giám sát hành trình đảm bảo ngư dân đánh bắt không vi phạm lãnh hải các nước, cũng là giải pháp quan trọng vừa hạn chế hiện tượng đánh bắt tại tỉnh nhà nhưng lại bán ở cảng cá tỉnh khác vừa giúp cho ngân hàng có điều kiện nắm bắt thu nhập của bà con để động viên bà con ngư dân trả nợ”, lãnh đạo Agribank chi nhánh Khánh Hòa đề xuất giải pháp.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến