Dòng sự kiện:
Kiều hối về TP HCM tăng mạnh, cả năm dự báo vượt 6,5 tỷ USD
09/07/2021 14:00:35
Tuy chỉ mới ước tính trên giá trị kiều hối đổ về TP HCM 6 tháng đầu 2021, song có nhiều yếu tố để dự báo lượng kiều hối sẽ còn tăng mạnh trong nửa cuối năm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng kiều hối đổ về Thành phố ước đạt 3,2 tỉ USD, tăng 22,34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kiều hối tiếp tục đổ về TP HCM 6 tháng đầu năm 2021

Kiều hối tiếp tục đổ về với mức tăng 2 chữ số là một trong những yếu tố quan trọng đối với kinh tế TP Hồ Chí Minh và nhiều gia đình trên địa bàn, trong bối cảnh COVID-19 đã bùng phát với những diễn biến khá lường gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đời sống xã hội trong gần 2 tháng qua.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết nguồn kiều hối chuyển về chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế thành phố, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.

Đặc biệt, lượng kiều hối này về TP HCM có ý nghĩa khá lớn với kinh tế cả nước khi thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam năm 2021 đang có dấu hiệu thu hẹp. Năm 2020, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam ước vào khoảng 4,6% GDP trong năm ngoái, hầu như không thay đổi so với năm 2019, dựa trên cơ sở mức thặng dư thương mại đáng kể, mặc dù dịch vụ và thu nhập ròng giảm. Tuy nhiên theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), năm 2021, bức tranh này sẽ không còn hồng như trước.

Trên thực tế, 6 tháng đầu năm 2021, sau nhiều năm duy trì xuất siêu, cán cân thương mại của Việt Nam đã chuyển hướng rõ rệt. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm thâm hụt 1,47 tỷ USD. Tuy thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa theo đánh giá của Bộ Công Thương chưa có bất thường do các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu; nhưng điều này chắc chắn sẽ gây bất lợi hơn cho cơ quan điều hành. Đáng chú ý, sau khi được Mỹ đưa ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ vào đầu tháng 4, việc Mỹ có thể trở lại thảo luận vấn đề Việt Nam trong danh sách vào tháng 7 này, theo nguồn tin của Bloomberg, có thể tạo căng thẳng lớn hơn cho Ngân hàng Nhà nước trong thực thi các mục tiêu vừa giữ tỷ giá hối đoái ổn định, vừa tăng dự trữ ngoại hối quốc gia và đồng thời không vi phạm các tiêu chí để bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ với các lệnh trừng phạt của thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam.

Cũng theo Phó Giám đốc Phụ trách NHNN TP HCM, dự báo trong năm nay, lượng kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt khoảng 6,5 tỉ USD, tăng khoảng 6,5% so với năm ngoái (6,1 tỉ USD). Như vậy, đến thời điểm này, lượng kiều hối đổ về Thành phố đã đạt khoảng 50% con số dự báo trên.

Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhận kiều hối xét theo giá trị nhiều nhất toàn cầu theo ước tính của WB (nguồn: WB)

Một chuyên gia đánh giá nhìn chung trong 6 tháng cuối năm 2021, TP HCM có thể thu hút lượng kiều hối tốt hơn con số dự báo trên. Nguyên do là bởi:

Thứ nhất, ghi nhận trong nhiều năm qua, “mùa” kiều hối cao điểm sẽ rơi vào những tháng cuối năm, đặc biệt khoảng tháng 12 trước Lễ Tết, với tâm lý của người gửi kiều hối “tiếp sức” cho bà con ở nhà có thêm “tiền Tết’. Cuối năm cũng là khoảng thời gian mà người lao động Việt Nam ở nước ngoài, Việt kiều đang làm ăn sinh sống khắp nơi trên thế giới, đón Tết dương lịch ở nhiều quốc gia và sẽ được nhận thu nhập, lợi tức của một năm lao động, có khoản dôi dư cao.

Thứ hai, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam, đặc biệt ở TP HCM khi với số lượng dân cư lớn nhất trên cả nước (hơn 10 triệu dân), mật độ dân cư dày đặc, TP HCM cũng đang trở thành địa phương có số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng cao nhất tính đến hiện nay. “Sài Gòn ngày ốm" đã và đang nhận được nhiều yêu thương, tiếp sức vật chất, tinh thần từ mọi tỉnh thành, địa phương trong cả nước. Người Việt xa nhà khắp 5 châu cũng sẽ nóng lòng tiếp nguồn lực cho gia đình, cho TP HCM vượt đại dịch, chuyên gia lý giải.

Thứ ba, cũng theo vị này, nhiều quốc gia trên thế giới có chiến lược vaccine và các hãng sản xuất vaccine để thực thi miễn dịch cộng đồng sớm, cũng trùng hợp với các khu vực có người Việt lao động làm ăn sinh sống đông đảo, đang trở lại phục hồi kinh tế. Đây là điều kiện cơ bản để lao động người Việt ở nước ngoài có việc làm, thu nhập tốt hơn, có thể hỗ trợ kinh tế gia đình ở nhà hoặc thậm chí gửi về đầu tư. "Đừng quên là theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM trong 3 tháng đầu năm qua, bất động sản nóng lên có sự tiếp sức của 20% nguồn tiền đến từ kiều hối. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá đầy hấp dẫn dù định giá không còn rẻ như trước, cũng có thể là một phần hút kiều hối đô về đây. Nhìn chung theo đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong 6 tháng cuối năm dự báo có thể cao hơn so với 6 tháng đầu năm và vượt 50% đã đạt", chuyên gia dự báo.

Năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kiều hối về Việt Nam ước khoảng 15,7 tỷ USD. Tuy nhiên, WB đã điều chỉnh với ước tính giá trị kiều hối chảy về Việt Nam đạt 17,2 tỷ USD. Theo đó, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhận kiều hối xét theo giá trị nhiều nhất toàn cầu.

Tác giả: Lê Mỹ

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến