Một địa điểm nằm ở "vị trí vàng" trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) trở thành để xe tạm thời cho cửa hàng kinh doanh bên cạnh. Ảnh: LĐ
Đìu hiu
Sau thời gian dài giãn cách xã hội, nhiều mặt bằng trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM trước đây luôn đắt khách với giá thuê cao ngất ngưởng, thì nay vẫn đóng cửa, treo biển tìm người thuê và sang nhượng.
Tại khu vực ngã 6 Phù Đổng (quận 1), từng được biết đến là nơi có giá nhà phố cho thuê thuộc loại đắt nhất TP.HCM. Trước khi Covid-19 bùng phát, các căn nhà quanh vòng xoay Phù Đổng với diện tích 100 m2 được chào thuê với mức giá trung bình là 15.000 USD/tháng (tức khoảng 340 triệu đồng). Dù giá cao nhưng luôn được những thương hiệu đình đám săn thuê. Song hiện tại, nhiều chủ cửa hàng đã trả mặt bằng, hoặc đàm phán lại về giá.
Mặt bằng tại địa chỉ số 325 - Lý Tự Trọng từng được Soya Garden thuê với giá 25.000 USD/tháng. Tuy nhiên, vào tháng 5/2021, Soya Garden đã đóng cửa chi nhánh cuối cùng ở TP.HCM, trả lại mặt bằng để co về hoạt động tại Hà Nội.
Cách đó không xa là cửa hàng cà phê Guta Premium (số 7, Nguyễn Trãi), cùng nhiều cơ sở kinh doanh thời trang khác cũng không thể trụ vững và buộc phải trả lại mặt bằng.
Anh Trường, chủ một mặt bằng tại đường Nguyễn Trãi cho biết, giá cho thuê tại khu vực này khoảng 2.500 - 4.000 USD/tháng với diện tích chỉ vài chục mét vuông. Trước kia không có mà thuê, nhưng giờ đìu hiu, những giao dịch sang nhượng mặt bằng chủ yếu thực hiện trước dịch. Có cửa hàng mới thiết kế, trang trí xong thì dịch bệnh ập đến, chưa kịp khai trương.
Dạo một vòng qua những con phố sầm uất như Lý Tự Trọng, Cách mạng Tháng 8, Lê Thị Riêng, Lê Thánh Tôn…, không khó để bắt gặp nhiều tấm biển sang nhượng mặt bằng. Ngay cả khu vực “phố Tây” Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão với các vũ trường, quán bar, karaoke, trước đây luôn nhộn nhịp, thì nay cũng đồng loạt đóng cửa, căng biển cho thuê.
Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, trong quý III/2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM chỉ đạt 4 tỷ USD, giảm 64% theo quý và 71% theo năm. Một số cửa hàng tại khu vực trung tâm đóng cửa trong quý III khiến công suất tại khu vực này giảm 2 điểm phần trăm và giá chào thuê giảm 2% theo quý cùng kỳ.
Ngóng cú huých từ các ông lớn
Mặc dù hiện tại là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với nhiều doanh nghiệp, nhưng ở góc độ khác, đây lại là cơ hội chưa từng có về mặt bằng tại trung tâm thành phố cho các thương hiệu đang mong muốn mở rộng hoạt động.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc vận hành chuỗi cà phê Passio cho rằng, trong nguy luôn có cơ. Thời điểm này rất thuận lợi để Passio có thể dịch chuyển từ những vị trí không hiệu quả sang những vị trí tiềm năng khác, bởi việc lựa chọn mặt bằng khá dễ dàng.
Tương tự, ChukChuk - chuỗi cửa hàng trà, kem và cà phê mới ra mắt hồi cuối tháng 9/2021, cũng đang tập trung đẩy mạnh đa dạng mô hình kinh doanh ngay thời điểm hậu giãn cách xã hội bằng việc nhanh chóng mở rộng hệ thống cửa hàng dự kiến đặt tại các quận trung tâm TP.HCM, sau khi khởi tạo từ kênh bán hàng online trong thời gian trước đó.
"Giá thuê mặt bằng đã về đúng giá trị thật, chứ không bị thổi phồng như giai đoạn 2018 - 2019. Hiện giá thuê mặt bằng đã ngang mức giá hồi năm 2015 - 2016. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp", ông Phạm Cao Nghĩa, Giám đốc điều hành ChukChuk chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường bán lẻ tranh thủ cơ hội này để tích cực hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) như Masan mua lại 70% cổ phần Mobicast để mở rộng sang dịch vụ số; chuỗi Bách Hóa Xanh cũng ghi nhận mở rộng hoạt động; chuỗi siêu thị Go! của Central Group đang mở rộng/trùng tu nhiều điểm tại các tỉnh…
Thị trường bán lẻ được đánh giá là sẽ tiếp tục phát triển, giúp mảng mặt bằng cho thuê khởi sắc trong thời gian tới. Các thương hiệu nước ngoài gồm Marc Jacob, Tiffany & Co, Dyson, Under Armour, Champion, Sociolla đã vào thị trường Việt Nam từ năm 2020, thông qua các đối tác phân phối trong nước. Các thương hiệu mới Sephora, Arabica, Bath & Body Work, Prima Donna, Sports Direct cũng dự kiến vào Việt Nam.
Nhận định về thị trường bán lẻ trong thời gian tới, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu, Savills Việt Nam cho biết, quý IV/2021 được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ, bởi nhu cầu mua sắm của người dân đã bị dồn nén trong sốt thời gian giãn cách vừa qua, từ đó giúp các ngành bán lẻ, đặc biệt là ngành F&B phát triển tích cực hơn.
Mặc dù vậy, theo Savills, thời gian vừa qua, không chỉ nhóm dân số trẻ, mà cả các tầng lớp trung niên hay thậm chí người cao tuổi cũng đã bắt đầu thích nghi với việc sử dụng công nghệ trong việc mua bán online, vì thế, các thương hiệu cần phải chú ý đến việc thay đổi hành vi tiêu dùng, có kế hoạch bền vững để giữ lượng khách trung thành của mình.
Tác giả: Nguyễn Việt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy