Dòng sự kiện:
Kinh doanh thua lỗ, Agribank đang là chủ nợ lớn nhất của CMISTONE
19/12/2018 12:01:22
CTCP CMISTONE Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 với khoản lỗ lên tới 118 tỷ đồng sau 9 tháng. Trong đó, Agribank đang là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này với 48,7 tỷ đồng.

Công ty cổ phần CMISTONE Việt Nam (mã CK: CMI) đã công bố BCTC quý 3/2017 với con số thua lỗ cao bất ngờ và trở thành quán quân lỗ tính đến thời điểm này trên sàn niêm yết.

Theo đó, riêng quý 3 CMI đạt 4,7 tỷ đồng doanh thu thuần tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn hàng bán lên tới gần 8 tỷ đồng khiến CMI lỗ gộp 3,3 tỷ đồng. Đáng chú ý chi phí QLDN tăng vọt từ mức hơn 1 tỷ đồng lên gần 70 tỷ đồng cộng thêm khoản lỗ khác hơn 32 tỷ đồng khiến CMI lỗ ròng tới 109 tỷ đồng cao hơn rất nhiều so với con số lỗ 2,8 tỷ đồng của quý 3/2016.

Agribank là chủ nợ lớn nhất của Công ty CP CMISTONE.

Theo giải trình từ phía công ty do các kỳ kế toán trước công ty chưa thực hiện công tác phân tích khả năng thu hồi công nợ và hạch toán trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi theo quy định. Công ty cũng chưa thực hiện công tác kiểm kê, đánh giá chất lượng hàng tồn kho, phân tích đánh giá lại các khoản đầu tư XDCB dở dang và TSCĐ về hiện trạng, khả năng thực hiện để hạch toán trích lập dự phòng theo quy định. Thực tế có nhiều khoản công nợ phải thu không thể thu hồi được, đã quá hạn rất dài, các khoản hàng tồn kho đã xuất dùng hoặc không còn giá trị sử dụng nhưng vẫn còn trên sổ sách, các khoản đầu tư không thể thực hiện được tiếp, một số tài sản cố định đã bị ngân hàng và đối tác siết nợ nhưng chưa giảm tài sản.

Theo đó công ty đã khắc phục các vấn đề trên trong quý 3/2017 dẫn đến phải trích lập dự phòng công nợ phải thu khách hàng ngắn hạn là hơn 29 tỷ đồng, trích lập công nợ phải thu khách hàng dài hạn là 723 triệu đồng, trích lập dự phòng công nợ phải thu khác ngắn hạn là 11,7 tỷ đồng, trích lập dự phòng công nợ phải thu khác dài hạn là 14,3 tỷ đồng, trích lập dự phòng tổn thất tài sản thiếu chờ xử lý là 28,4 tỷ đồng, thanh lý/giảm TSCĐ do bị ngân hàng và đối tác siết nợ phải ghi nhận chi phí bất thường là gần 5,4 tỷ đồng. Ngoài ra công ty mới đầu tư hoàn thành nhà máy sản xuất đá marble nhưng nhà máy không có vốn lưu động cho sản xuất, chi phí khấu hao lớn, chi phí lãi vay tăng cao do nợ quá hạn…

Hoạt động kinh doanh khó khăn cùng với tài chính kém lành mạnh của CMISTONE có lẽ cũng là vấn đề đau đầu đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), chủ nợ của CMISTONE.
Mặc dù báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 không thuyết minh cụ thể chủ nợ của CMISTONE nhưng có thể thấy Agribank đang là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này. Cụ thể, tính đến thời điểm cuối quý II/2018, CMISTONE đang vay 148,7 tỷ đồng tại Agribank.
Việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp là một hoạt động bình thường trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tình hình tài chính của CMISTONE đang cho thấy gia tăng rủi ro. Do đó, việc tiếp tục cấp tín dụng cho CMISTONE sẽ mang lại nguy cơ nợ xấu cho các chủ nợ.
Trong khi tình hình tài chính cho thấy nhiều rủi ro thanh khoản, tình hình kinh doanh của CMISTONE cũng xấu đi rõ rệt. Cụ thể, doanh thu thuần của CMISTONE 9 tháng năm 2018 chỉ đạt 3 tỷ đồng, bằng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại lên tới 15 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp âm 12 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 lợi nhuận gộp vẫn còn dương 2,7 tỷ đồng). Giá bán không bù đắp được chi phí sản xuất cho thấy nhiều rủi ro kinh doanh của CMISTONE.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm đến 78 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh khác cũng âm 39 tỷ đồng. Điều này khiến cho Công ty lỗ 118 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2018.

CMI là một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bết bát năm 2017 khi ghi nhận khoản lỗ hơn 116 tỷ đồng dù doanh thu tăng gấp 7 lần năm 2016. Nguyên nhân chính là do tăng đột biến các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác.

Tổng tài sản của công ty trong năm 2017 cũng giảm mạnh từ 429 tỷ xuống còn 264 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối 2017, lỗ lũy kế của CMI đã là 148 tỷ đồng, sắp vượt vốn điều lệ 160 tỷ đồng và nợ xấu tăng mạnh lên 101 tỷ đồng.

Về khoản vay Agribank chi nhánh Đông Hà Nội tại thời điểm 31/12/2017, CMI còn khoản vay ngắn hạn gần 27 tỷ và khoản vay dài hạn 76,5 tỷ đồng (trong đó khoản vay dài hạn đến hạn trả là 8,5 tỷ đồng).

Trên sàn niêm yết, cổ phiếu CMI bị kiểm soát từ 11/9/2017 do Công ty tiếp tục quy phạm các quy định về CBTT trên thị trường chứng khoán, giá của cổ phiếu CMI đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/11 ở mức giá 2.400 đ/CP.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến