Dòng sự kiện:
Kinh tế thế giới tổn thất lớn vì Covid-19, khó phục hồi trước năm 2022
07/09/2021 10:25:55
Dịch Covid-19 như kẻ thù vô hình, chưa có tiền lệ mà cả thế giới chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó. Những tổn thất do đại dịch này gây ra rất lớn do đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí xét nghiệm.

Theo một báo cáo mới công bố của The Economist Intelligence Unit (EIU), trước năm 2022, nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi về mức trước khi có đại dịch xảy ra, với sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia. Covid-19 có thể khiến hầu hết các nước G7 mất 4 năm để khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế toàn cầu tổn thất nặng nề vì Covid-19. (Ảnh minh họa: eiu.com)

Báo cáo của EIU cho rằng, hầu hết các nền kinh tế G7 và BRICS sẽ bắt đầu phục hồi sau cuộc suy thoái do dịch bệnh gây ra trong quý 3 năm nay, với tốc độ tăng trưởng hàng quý ở mức hai con số. Tuy nhiên, sự phục hồi này sẽ bắt đầu từ mức thấp, do cú sốc kinh tế đã trải qua trong quý II. Điều này có nghĩa là sự phục hồi kinh tế sẽ kém ấn tượng hơn nhiều so với những số liệu đã được dự báo trước đó.

Agathe Demarais, Giám đốc Dự báo Toàn cầu tại EIU và cũng là tác giả của báo cáo, cho biết, đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng kép trên toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này đặc biệt nguy hiểm và không xác định đường biên giới. Bất kỳ một quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, đều khó có thể thoát khỏi đại dịch. Cuộc khủng hoảng y tế leo thang kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế. Các đợt phong tỏa quy mô lớn trong lịch sử được áp dụng tại nhiều quốc gia, dẫn đến sự sụp đổ trong hoạt động kinh tế chưa từng thấy trước đây.

Nghiên cứu của EIU cho thấy, việc chậm triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ khiến sản lượng kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 2.300 tỷ USD. Những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nơi các chương trình tiêm chủng đang được tiến hành với tiến độ và quy mô kém xa so với các nước giàu hơn, sẽ phải gánh chịu những thiệt hại đó.

EIU tính toán rằng, các quốc gia chưa tiêm chủng cho 60% dân số của họ vào giữa năm 2022 sẽ phải chịu thiệt hại nặng về kinh tế, tương đương với khoảng 2.000 tỷ euro (tương đương 2.348 tỷ USD), trong giai đoạn 2022-2025. (Ảnh minh họa)

EIU cho biết, các nền kinh tế mới nổi sẽ gánh chịu khoảng 2/3 mức thiệt hại này, càng làm trì hoãn quá trình hội tụ kinh tế của họ với các nước phát triển hơn. Nhóm nghiên cứu cảnh báo việc chậm triển khai chương trình vaccine có thể gây ra sự phẫn nộ, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội ở các nền kinh tế đang phát triển.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất xét về giá trị tuyệt đối, chiếm gần 3/4 số thiệt hại nêu trên. Nhưng tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP, khu vực châu Phi cận Sahara sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Theo nghiên cứu của EIU, khoảng 60% dân số ở các nước có thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 vào cuối tháng 8/2021, so với chỉ 1% ở các quốc gia nghèo hơn.

Tại Việt Nam, tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã hiện rõ trên bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp sản xuất trong quý III/2021. Nhiều doanh nghiệp báo cáo doanh thu những tháng gần đây đã giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm trước.

Dịch bệnh khiến doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn như chi phí gia tăng cho việc đảm bảo duy trì sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nhu cầu giảm. Công suất hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm trước các biện pháp giãn cách phòng dịch.

Các biện pháp giãn cách khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, chi phí sản xuất gia tăng do phải triển khai các quy tắc “2 tại chỗ” và “3 tại chỗ” cho việc phòng chống dịch, chi phí vận chuyển hàng hóa gia tăng do công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Ít nhất 70% số lượng nhà máy ở miền Nam phải tạm dừng hoạt động, trong khi các nhà máy hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” phải chịu chi phí vận hành lớn và giảm 40-50% công suất trong thời gian phong tỏa.

Cùng với đó, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt cũng mang đến nhiều rủi ro gián đoạn vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất.

Tác giả: Trần Ngọc

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến