Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu ngấm đòn trừng phạt Nga
11/12/2015 20:41:22
ANTT.VN – Những "mũi tên tẩm độc” của Điện Kremli đang bắt đầu ngấm sâu vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ...

Su-24 của Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ngày 24/11. Ảnh: Anadolu Agency

Ngày 24/11, không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc Su-24 của Nga ở biên giới Thổ - Syria, cáo buộc phi cơ trên đã xâm phạm không phận nước này.

Phía Nga một mực phủ nhận, đưa ra chứng cứ cho thấy chiếc Su-24 chưa vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhanh chóng áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ankara.

Bắt đầu ngấm sâu

Chính sách cấm vận của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm khuyến cáo người dân nước này không nên tới Thổ Nhĩ Kỳ, thắt chặt kiểm soát và giới hạn hoạt động kinh doanh của các công ty Thổ ở Nga, đồng thời đóng cửa biên giới đối với thực phẩm cùng nhiều hàng hóa khác từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù phải tới đầu năm sau, Hiệp định di chuyển tự do giữa hai quốc gia (không cần Visa) mới bị tạm dừng, tuy nhiên nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang gặp không ít khó khăn khi muốn tới Nga.

Một kĩ sư công nghệ ở Istanbul hôm Chủ nhật nói rằng anh bị từ chối nhập cảnh vào Nga mà không có bất cứ lý do rõ ràng nào sau khi hải quan Nga bắt anh đợi 5 tiếng đồng hồ liên tục.

“Tôi đã qua lại Nga hơn 30 lần trước đó nhưng chưa bao giờ bị từ chối nhập cảnh như lần này”, anh nói.

Một phụ nữ đang mua thực phẩm tại Moscow. Ảnh: WSJ

Mehmet Okay, chủ tịch Ant Yapi - một tập đoàn xây dựng hàng đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ - nói rằng công ty của ông đang gặp rất nhiều rắc rối với công việc kinh doanh tại Nga bởi không thể đưa công nhân, kĩ sư cùng vật liệu qua lại giữa hai nước.

Anel Elektrik - một công ty điện tử lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ - cũng cho biết đã mất hợp đồng lắp đặt thiết bị cho một sân vận động ở Moscow trị giá 33,15 triệu USD do những lệnh cấm vận từ Nga.

Trong lúc này, hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu bị hải quan Nga từ chối với nhiều lý do khác nhau trong những ngày qua, mặc dù Moscow trước đó thông báo lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Thổ Nhĩ Kỳ phải tới đầu năm sau mới có hiệu lực.

Diễn biến trên dẫn tới giá nông sản tại Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu giảm mạnh. Một quan chức cấp cao nước này cho biết giá dưa chuột – mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Nga – đã giảm 0,2 Lira (0,07 USD) từ mức 1,8 Lira trước vụ việc ngày 24/11.

“Nếu những lệnh cấm vận từ Nga không sớm được dỡ bỏ, chúng tôi có thể chịu thiệt hại từ 5-8 tỉ USD trong năm 2016, tương đương khoảng 1% GDP”, vị quan chức trên lo lắng.

Trong khi đó, ngành dịch vụ du lịch được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn nhất, khi mà 3,5 triệu du khách Nga đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong 10 tháng đầu năm. Tuy nhiên con số này chắc chắn sẽ "tụt dốc không phanh" trong thời gian sắp tới.

Ngành dịch vụ du lịch Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất từ chính sách cấm vận của Nga. Ảnh: Getty Images

Antalya, một địa điểm du lịch nổi tiếng nằm bên bờ Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ là minh chứng rõ ràng nhất. Theo chủ tịch một hiệp hội du lịch trong thành phố, người Nga chiếm tới 50% lượng khách hàng năm tới khu vực này. Và mặc dù đã rất nỗ lực thu hút du khách từ các nước khác, ông cho biết sẽ khó lòng có thể khỏa lấp được chỗ trống của hàng trăm nghìn du khách Nga tới địa danh này mỗi năm.

Phản đòn

Chính sách cấm vận của Nga áp lên Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra khi mà nước này đang ở trong thời kì suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết – hệ quả của giá dầu xuống thấp trong thời gian dài và sự bao vây kinh tế của Mỹ cùng phương Tây sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng Hai năm ngoái.

Trong bối cảnh như vậy, cấm nhập khẩu thực phẩm có thể khiến lạm phát vốn đang ở mức cao của Nga trở nên khó kiểm soát hơn. Chỉ số CPI của Nga trong 11 tháng đầu năm ở mức 12,05%. Quỹ Tiền tệ Thế giới dự báo con số này trong năm sau có thể giảm xuống, tuy nhiên vẫn ở mức đáng lo ngại 8,6%.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan được đánh giá là có nhiều điểm chung trong tính cách. Ảnh: AP

Đối với lĩnh vực năng lượng, Moscow tuyên bố “đóng băng” vô thời hạn kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí Turkish Stream đi qua Thổ Nhĩ Kỳ (trên thực tế Ankara cách đây một tuần cũng đã tuyên bố chấm dứt dự án trên), tuy nhiên lại không đả động tới nguồn cung khí đốt cũng như hợp đồng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỉ USD ở đây.

Giới chuyên gia nhận định rằng Nga sẽ chẳng dại gì động vào “nồi cơm” của mình, khi mà Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những khách hàng mua khí đốt lớn nhất của họ.

Tuy nhiên, Ankara chắc chắn sẽ không thể không thấy bất an với người “bạn hàng” của mình. Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdoğan cùng Thủ tướng Ahmet Davytoglu đã thăm 5 quốc gia sản xuất khí đốt ở Trung Đông và Trung Á trong thời gian gần đây, cho thấy họ đang rất muốn giảm sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga, vốn đang ở mức 50% như hiện nay.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến