Cụ thể, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ mức 3,7% trong năm nay xuống còn 3,5% vào năm 2019 và năm 2020. Trước đó, tổ chức này dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2019.
Sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu sẽ là tồi tệ nhất ở các nước không thuộc khối OECD, với nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi có khả năng sẽ chứng kiến dòng vốn chảy ra mạnh mẽ khi Fed tăng dần lãi suất. Theo đó, OECD đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng đối với các nước có nguy cơ cao như Brazil, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.
Lãi suất tăng cũng có thể thúc đẩy thị trường tài chính định giá lại các rủi ro, từ đó gây ra sự biến động, OECD nói. “Chúng tôi đang nói tới xu hướng dài hạn. Chúng tôi không mong đợi hạ cánh cứng, tuy nhiên có rất nhiều rủi ro. Việc hạ cánh mềm là rất khó khăn”, Laurence Boone - Nhà kinh tế trưởng của OECD nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn. “Lần này khó khăn hơn bình thường vì căng thẳng thương mại và vì dòng vốn chảy từ các thị trường mới nổi tới các quốc gia đang bình thường hóa chính sách tiền tệ”, bà nói thêm.
Theo ước tính của OECD, một cuộc chiến thương mại toàn diện và những bất ổn trên thị trường tài chính có thể làm giảm 0,8% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu vào năm 2021.
Mặc dù là nguồn gốc của những căng thẳng hiện tại, nền kinh tế Mỹ được dự kiến sẽ tốt hơn so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác, cho dù kết quả đó có được là nhờ chương trình kích thích tài chính tốn kém của Chính phủ Mỹ. Theo đó, OECD vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2018 và 2019, thế nhưng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chậm lại từ mức gần 3,0% trong năm nay xuống còn hơn 2,0% vào năm 2020 do tác động của việc cắt giảm thuế trong nước giảm dần, trong khi chính sách thuế quan sẽ đẩy chi phí của doanh nghiệp cao hơn.
Tuy nhiên OECD đã cắt giảm triển vọng đối với Trung Quốc, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm từ mức 6,6% của năm nay xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm vào năm 2020 khi các nhà chức trách nước này cố gắng đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” khi đối mặt với chính sách thuế quan của Mỹ.
Triển vọng cho khu vực đồng euro cũng bi quan hơn so với dự báo của OECD đưa ra hồi tháng 9, với mức tăng trưởng giảm từ gần 2,0% trong năm nay xuống còn 1,6% vào năm 2020 mặc dù chính sách tiền tệ của khu vực vẫn còn lỏng lẻo trong giai đoạn này.
Trong khối này, kinh tế Ý được dự báo sẽ chậm hơn nhiều so với dự báo trước đó mặc dù ngân sách mở rộng của chính phủ Ý đang xung đột với Brussels. Cụ thể, OECD dự báo tăng trưởng của Ý chỉ ở mức 1,0% và giảm xuống còn 0,9% trong năm 2019 và năm 2020, khi thị trường lao động trì trệ và lạm phát cao đã làm xói mòn hiệu quả kích thích ngân sách.
Trong khi với Anh, OECD dự báo tăng trưởng của đảo quốc sương mù sẽ tăng từ 1,3% trong năm nay lên 1,4% vào năm 2019 (cao hơn so dự báo trước đó là 1,2%) được hỗ trợ bởi ngân sách lỏng lẻo hơn. Tuy nhiên, sau khi sự hỗ trợ tài chính đạt đỉnh vào năm 2019, tăng trưởng của Anh sẽ giảm xuống 1,1%.
Theo OECD, việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu sẽ là cần thiết nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy giảm mạnh vì dư địa chính sách của các ngân hàng trung ương đã cạn kiệt.
“Các nền kinh tế lớn nhất thế giới nên sẵn sàng phối hợp kích thích tài chính”, OECD khuyến nghị và nhấn thêm rằng, tăng trưởng toàn cầu đang mất dần động lực do xung đột thương mại, điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và giá dầu cao hơn.
“Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi cho các nhà hoạch định chính sách nên quay lại hợp tác với nhau”, nhà kinh tế trưởng của OECD Laurence Boone phát biểu. “Nếu hạ cánh mềm trở thành một suy thoái sắc nét hơn thì bạn cần phải hợp tác với nhau bởi vì không có nhiều dư địa trong các chính sách vĩ mô”.
Các khuyến nghị về công cụ tài chính bắt nguồn từ thực tế là hiện các ngân hàng trung ương có rất ít dư địa chính sách. Chỉ có Mỹ mới bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ, song cũng chỉ có thể cắt giảm lãi suất khoảng 200 điểm cơ bản, rất hạn hẹp so với những gì họ đã thực hiện trong lịch sử khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, Boone nói.
Thực tế đó đã đặt trọng trách lên chính sách tài chính. Nhưng với mức nợ công cao, nếu các chính phủ thực hiện một mình sẽ có nguy cơ có thị trường chống lại họ. Để tránh điều đó, một sự phối hợp hành động để chống lại suy thoái là cần thiết, OECD nói.
Mặc dù thừa nhận môi trường quốc tế hiện tại không ủng hộ cho hành động đa phương, nhưng Boone cho rằng, những khó khăn kinh tế sâu sắc sẽ thúc đẩy sự hợp tác. “Nếu sự suy giảm sắc nét hơn thì đó (sự phối hợp) sẽ là lợi ích chung của tất cả mọi người”, Boone nói.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy