Kinh tế Việt Nam 2015 – Thuận lợi nhờ yếu tố bên trong
05/01/2015 14:28:26
ANTT.VN – Theo báo cáo Tình hình kinh tế năm 2014 và triển vọng năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng thuận lợi hơn chủ yếu nhờ yếu tố bên trong.

Tin liên quan

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, trong năm 2014 nền kinh tế có khả quan hơn 2013, kinh tế vĩ mô được duy trì vững chắc, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét và đồng đều, thị trường tài chính có những chuyển biến tích cực, cân đối ngân sách được cải thiện, khó khăn của doanh nghiệp và hộ gia đình cũng giảm bớt.

Sang năm 2015, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục xu thế phục hồi và mục tiêu tăng trưởng là 6,2% là khả thi.

Môi trường kinh tế vĩ mô có điều kiện duy trì ổn định nhất là đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát, với dự báo giá dầu thế giới trong năm 2015 giảm 33% và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ước tính giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%.

Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn phải đối mặt như: Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và không ít bất trắc, giá dầu giảm ảnh hướng tới cân đối ngân sách và khả năng đáp ứng vốn cho đầu tư phát triển, giá hàng hóa thế giới giảm trong khi tốc độ tăng xuất khẩu đang có xu hướng giảm nhanh, nhất là khu vực nước ngoài.

Ủy ban giám sát tài chính quốc gia điểm lại tình hình kinh tế năm 2014 như sau: Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì vững chắc hơn được thể hiện ở một số điểm như, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, theo đó mức lạm phát ở mức 1,84% là mức lạm phát thấp nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây; cán cân thanh toán tiếp tực thặng dư, thị trường ngoại hối khá ổn định, tỷ giá USD/VND chỉ tăng 1% trong cả năm, trước hết do thực thi chính sách tiền tệ hướng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá đồng VND…; thị trường tài chính có nhiều chuyển biến tích cực vì nhờ có quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, rủi ro của hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm bớt, thị trường chứng khoán tăng khá; cân đối ngân sách được cải thiện nhờ tăng thu, nhất là thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Lũy kế đến 15/12 tổng thu ngân sách nhà nước bằng 104% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ.

Thêm nữa, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét và đồng đều, tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý duy trì xu hướng tăng kể từ quý 2 năm 2014; so với năm 2013, khu vực công nghiệp và xây dựng có sự phục hồi mạnh mẽ nhất là ngành công nghiệp chế tạo, cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2014 tăng 7,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,6%; xuất khẩu tăng trưởng tốt, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt trên 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013, năm 2014 cũng là sự đánh dấu sự phục hồi của nhóm hàng nông sản.

Khó khăn của doanh nghiệp và hộ gia đình giảm bớt, được thể hiện ở một số điểm như: Mặc dù số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động vẫn tăng so với 2013 nhưng quy mô vốn doanh nghiệp mới thành lập lớn hơn, mức sinh lời của doanh nghiệp được cải thiện, khả năng thanh toán và trả lãi của các doanh nghiệp, tiêu dùng và đầu tư của hộ gia đình cũng được cải thiện.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chỉ ra triển vọng kinh tế thế giới cũng như trong nước trong năm 2015.

Cụ thể, với kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhưng chậm và còn không ít bất trắc, vì theo dự báo về kinh tế thế giới 2015 của một số tổ chức quốc tế như IMF, OECD sẽ ở mức cao hơn năm 2014, ở mức 3,8% (IMF) và 3,7% (OECD), tăng 0,5 – 0,4 điểm phần trăm so với mức ước tính cho năm 2014. Tăng trưởng thương mại thế giới được dự báo sẽ phục hồi ở mức 4%, đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức 1,8 nghìn tỷ USD…

Tuy nhiên, trong năm 2015 phục hồi tăng trưởng vẫn có thể gặp không ít bất trắc do tình hình ngân sách và nợ công của các nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu chưa có nhiều cải thiện với con số 208,8 triệu người không có việc làm năm 2015…

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo tăng trưởng một số nền kinh tế chủ chốt như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá hàng hóa thế giới tiếp tục giảm, nhất là giá năng lượng.

Với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 sẽ tăng trưởng thuận lợi hơn chủ yếu nhờ yếu tố bên trong.

Báo cáo cũng chỉ rõ những yếu tố thuận lợi với nền kinh tế Việt Nam như: Tổng cầu sẽ phục hồi trong năm 2015  do tiêu dùng phục hồi nhờ lạm phát thấp năm 2014, giúp cải thiện sức mua của dân chúng; đầu tư tư nhân do môi trường kinh tế vĩ mô cùng với những cải cách thể chế sẽ tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp và hộ gia đình; khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn với triển vọng TPP được ký kết trong năm 2015. Đồng thời, với dự kiến sửa đổi nhiều luật quan trọng về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở cũng tạo điều kiện cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Tổng cung cũng được cải thiện nhờ quá trình tái cơ cấu dần phát huy tác dụng đối với năng suất của nền kinh tế. Hơn nữa, giá hàng hóa thế giới tiếp tực giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy tổng cung trong nước.

Trên cơ sở tính toán như trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra nhận định về tỷ trọng của xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu trong tổng giá trị công nghiệp, với dự báo giá dầu thế giới trong năm 2015 giảm 33%  và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng thì giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chỉ ra một số khó khăn đối với nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 như sau: Giá dầu giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách và cân đối ngân sách, với dự báo giá dầu thanh toán trung bình năm 2015 là 60 USD/thùng thì việc thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37 nghìn tỷ đồng so với dự toán và giảm 47% so với ước thực hiện của năm 2014.

Bên cạnh đó, giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014 thì với giá dầu như trên, thu ngân sách sẽ hụt thêm khoảng 6 nghìn tỷ đồng, do vậy tổng mức hụt thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43 nghìn tỷ đồng, bằng 4,6% tổng thu ngân sách năm 2015.

Thêm nữa, tuy nền kinh tế thế giới mặc dù phục hồi nhưng chậm và không ít bất trắc, Giá hàng hóa thế giới được dự báo giảm không chỉ trong năm 2015 mà thậm chí ở những năm tiếp theo phần nào sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định năm 2015, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục xu thế phục hồi tăng trưởng, mục tiêu tốc độ tăng trưởng 2015 đạt 6,2% là khả thi.

Báo cáo cũng chỉ ra việc ổn định kinh tế vĩ mô có điều kiện thuận lợi để duy trì, lạm phát sẽ không có những biến động lớn và cán cân thanh toán dự báo vẫn duy trì thặng dư.

Kiều Chinh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến