Dòng sự kiện:
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực nhưng đề phòng lạm phát
14/10/2018 08:44:06
Với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của quý 3, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được.

Kinh tế Việt Nam giữ đà tăng trưởng

Số liệu công bố của thị trường chứng khoán (TCTK) cho thấy kinh tế Việt Nam quý 3/2018 tăng trưởng ở mức 6,88% (yoy). Con số này cao hơn mức tăng trưởng quý 2 (6,73%), xua tan các nhận định về tính giảm dần của tăng trưởng các quý trong năm 2018. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,98%, mức tăng 9 tháng cao nhất từ năm 2011.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan. (Nguồn: Tính toán từ số liệu TCTK)

Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,89% (yoy) trong ba quý đầu năm, mức tăng tương đối tích cực nhưng đã thấp hơn cùng kỳ năm 2017 (7,21%). Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ với mức tăng 8,48% (yoy) là ngành tăng trưởng nhanh nhất khu vực và đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung. Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế tới Việt Nam 9 tháng đầu năm tăng đáng kể với trên 11,6 triệu lượt khách, tăng 22,9% (yoy), theo số liệu từ Tổng cục Du lịch. Việc khách tới từ đường bộ tăng tới 62,1% (yoy) phản ánh du khách tới từ các quốc gia láng giềng tăng đột biến trong năm 2018.

Khu vực nông lâm, ngư nghiệp cũng cho thấy sự phục hồi vững chắc với những yếu tố thuận lợi từ bên ngoài. Mức tăng trưởng 3,65% (yoy) cao hơn tương đối nhiều so với cùng kỳ hai năm trước (2016: 0,65%, 2017: 2,78%). Ngành chăn nuôi đã có những tín hiệu tích cực khi giá thịt lợn liên tục tăng trong năm 2018 sau khi giảm mạnh trong năm trước khiến nhiều người nuôi thua lỗ. Trong khi đó, thuỷ sản vẫn tiếp tục là điểm sáng của khu vực này với mức tăng cao nhất trong 8 năm qua là 6,73% (yoy). Do nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng cao, giá cá tra tiếp tục được giữ ở mức cao kỷ lục, 30.000- 33.000 đồng/kg, đưa mức tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này tăng tới 24% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng trong 9 tháng đầu năm có mức tăng trưởng vượt bậc 8,89% (yoy), cao hơn tương đối nhiều so với cùng kỳ các năm trước (2016: 7,50%; 2017: 7,17%). Ngành công nghiệp chế tác với đầu tàu Samsung tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng rất cao 12,65%. Trong khi đó, ngành khai khoáng tính chung 9 tháng vẫn tăng trưởng âm 1,97% (yoy). Tuy nhiên, mức suy giảm này đã thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước (- 8,08%). Điều này có thể tới từ thực tế là tuy sản lượng khai thác dầu thô được định hướng giảm nhưng diễn biến tăng cao của giá dầu trên thế giới trong năm 2018 đã góp phần chặn đà suy giảm mạnh của ngành khai thác.

Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng tiếp tục cho thấy sự khả quan trong quý 3 và 9 tháng đầu năm nói chung. Tính riêng quý 3, IPI tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. IPI tính chung cho ba quý đầu cũng tăng 10,6% (yoy), mức tăng ấn tương nhất từ năm 2012. Trong đó, ngành công nghiệp chế tác tiếp tục dẫn đầu với IPI tăng 12,9%. Chỉ số tiêu thụ cũng tiếp tục được cải thiện, đạt mức tăng 12,2% (yoy) cho 9 tháng. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho tại thời điểm 30/9 lại tăng cao lên mức 13,8% so với cùng kỳ năm 2017. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn mức tăng chung như sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tính chế tăng 149%; máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 73,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 63,6%. Chỉ số tồn kho ở mức quá cao có thể tác động không tốt tới ngành đó, gây ra hiện tượng đình trệ sản xuất tạm thời.

Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index), do VEPR xây dựng dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng, đầu tư, và chỉ số sản xuất công nghiệp IPI, đạt mức 6,53% trong quý 3/2018, cao gần bằng mức của quý 3/2017 (6,56%). Chỉ số này đã tăng trở lại sau khi giảm ở hai quý đầu năm. Điều này một lần nữa phản ảnh thực tế là chỉ số VEPI được xây dựng dựa trên các nguồn số liệu trong quá khứ nên biến động của nó phần nào phản ánh những biến động theo chu kỳ, cụ thể là tăng trưởng trong hai quý đầu năm thường thấp, sau đó tăng lên trong hai quý nửa sau của năm. Đóng góp quan trọng nhất cho sự tăng trưởng của chỉ số này tới từ mức tăng tích cực của khu vực sản xuất, đặc biệt là công nghiệp chế tác. Tuy tăng trưởng tương đối cao như vậy, mức tăng 6,53% vẫn không bằng mức năm ngoái. Điều này một lần nữa khẳng định con số tăng trưởng kinh tế cao bất thường của quý 3/2017.

Nguồn: TCTK

Doanh nghiệp ngừng hoạt động tiếp tục tăng mạnh, số việc làm tạo mới được cải thiện

Trong bối cảnh tăng trưởng GDP vẫn ở mức cao, chỉ só quản trị nhà mua hàng (PMI) trong Quý 3 lại có chiều hướng giảm so với quý trước. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 6 ở mức 55,7 điểm, PMI đã giảm dần và chỉ còn đạt 51,5 điểm vào tháng Chín, thể hiện tốc độ mở rộng chậm lại của khu vực sản xuất. Như vậy, tháng Chín vẫn đánh dấu chuỗi mở rộng 34 tháng liên tiếp (trên 50 điểm).

Khảo sát về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạodo TCTK thực hiện cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp trong quý 3 không thay đổi nhiều so với quý 2 trước đó. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 43,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 tốt hơn so với quý trước (con số quý 2 là 45%). Tỷ lệ này gần như tương đương so với cùng kỳ năm ngoái (41,5%). Ở chiều ngược lại, có 17,8% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh trong quý 3 khó khăn hơn quý 2.

Nguồn: TCTK

Về tình hình hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới trong quý 3 không chênh lệch nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (32.080 so với 32.691). Tính tới hết tháng 9, có 96.611 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Tổng số vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, quý 3 tiếp tục chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nhiều bất thường so với cùng kỳ năm ngoái. Quý 3/2018 có tổng số 24.501 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng tới 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi số doanh nghiệp thành lập mới không tăng lên nhiều, việc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao bất thường thời gian gần đây khiến cho mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 càng trở nên không dễ dàng.

Quy mô việc làm tạo mới trong quý 3 là điểm sáng trong tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Cụ thể, tính chung cả quý 3, có 311,3 nghìn việc làm mới được tạo thêm, tăng tới 20% so với cùng kỳ. Xét cho cùng, chất lượng của tăng trưởng kinh tế phải nằm ở số việc làm mới được tạo ra. Theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực nhà nước tiếp tục giảm 0,4%, trong khi ở khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI đều ghi nhận mức tăng lần lượt là 2,7% và 3,7%.

Lạm phát cao hơn cùng kỳ, lạm phát lõi tăng

Nối tiếp đà tăng của quý 2, lạm phát vẫn được giữ ở mức cao trong quý 3/2018. Sau khi tăng cao lên 4,67% vào tháng Sáu, lạm phát toàn phần đã suy giảm nhẹ trong quý 3 và duy trì ở mức 3,98%. Tuy nhiên, mức lạm phát này cũng đã cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017 khi lạm phát chỉ tăng lần lượt 2,52%; 3,35%; 3,40% trong ba tháng Quý 3/2017. Quý cuối cùng của năm 2018 khi không còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ như năm 2017, lạm phát các tháng có khả năng sẽ vượt quá mốc 4%. Một tín hiệu cho thấy khả năng này là giá xăng đã tiếp tục tăng mạnh từ chiều ngày 6/10.

Nguồn: TCTK

Tính chung 9 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,57%. Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự gia tăng của CPI trong năm nay là giá lương thực, thực phẩm phục hồi mạnh so với năm 2017. Sau khi chạm mức đáy trong vòng 30 năm, giá thịt lợn trong năm 2018 đã phục hồi rất mạnh do mất cân đối cung - cầu khi nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ nuôi lợn sau khủng hoảng dư cung thịt lợn năm ngoái. Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá lợn hơi quý 3 đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017. Với mức giá hồi phục liên tục từ tháng Ba dẫn tới việc chăn nuôi có lãi trở lại, giá thịt lợn trong quý cuối năm được kỳ vọng không tăng nhiều khi nguồn cung trở nên dồi dào hơn.

Bên cạnh đó, các dịch vụ công đóng góp lớn cho sự gia tăng CPI trong 9 tháng đầu năm 2018. Cụ thể,việc các địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 02/2017/TT-BHYT của Bộ Y tế đã làm cho giá mặt hàng này tăng tới 18,26% và làm CPI chung tăng 0,71%. Trong khi đó, việc các địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí cũng làm CPI nhóm hàng giáo dục tăng 7,02% và tăng CPI tổng 0,36%.

Một vấn đề về lạm phát được người dân quan tâm nhất là giá mặt hàng xăng dầu. Thông thường, việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo nhiều loại mặt hàng khác tăng theo do chi phí vận chuyển tăng lên. Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm sau sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới. Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây. Thay vì đặt ra những mục tiêu chưa được tính toán kỹ, Chính phủ thời gian tới cần có những biện pháp mạnh để kiềm chế rủi ro lạm phát tăng cao.

Nhìn chung, lạm phát lõi vẫn đang ở mức ổn định, tăng lên mức 1,61% vào tháng 9, còn cách tương đối xa mức 2%. Tổng phương tiện thanh toán ba quý đầu năm 2018 tăng 8,74%% so với cuối năm ngoái, thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước (2016: 11,76%; 2017: 9,59%). Áp lực lạm phát gia tăng cộng với sức ép mất giá tiền tệ khi Fed liên tục gia tăng lãi suất làm tăng khả năng NHNN phải tăng nhẹ lãi suất điều hành nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 4% và ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, với tham vọng thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, chúng tôi cho rằng khả năng này vẫn ở mức thấp.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến