Theo số liệu của Tổng tục Thống kê, tính đến ngày 20/9/2018, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,02% của cùng kỳ năm 2017 11,02% và cũng thấp hơn mức tăng 10,46% của cùng kỳ năm 2016. Mặc dù tín dụng tăng thấp, song tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm vẫn đạt tới 6,98% và là mức tăng trưởng 9 tháng cao nhất kể từ năm 2011. Điều đó cho thấy hiệu quả tín dụng đã được cải thiện hơn những năm trước rất nhiều.
Ảnh minh họa
Có được điều đó một phần cũng bởi những năm gần đây, NHNN liên tục chỉ đạo, đôn đốc các TCTD tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BT, BOT giao thông… Vì thế, tuy tăng trưởng tín dụng có chậm lại đôi chút, song dòng vốn được hướng mạnh vào nền kinh tế thực nên vẫn đủ sức để hỗ trợ nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Việc kiểm soát chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cũng khiến chất lượng tín dụng được cải thiện tích cực, qua đó khiến tăng trưởng tín dụng dù thấp nhưng thực chất hơn khi mà lượng tín dụng “chết” trong các khoản nợ xấu giảm mạnh. Song song với đó, hiện toàn hệ thống cũng đang quyết liệt xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống giảm về chỉ còn 2,09% tại thời điểm cuối tháng 6/2018 từ mức 2,46% thời điểm cuối năm 2016. Nợ xấu giảm mạnh cũng có nghĩa một lượng vốn không nhỏ đã được giải phóng, chảy vào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm nay thay vì nằm chết một chỗ dù vẫn được thống kê vào dư nợ tín dụng.
Trong một báo cáo mới đây, hãng định mức tín nhiệm toàn cầu Moody’s cũng đánh giá, chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện tích cực trong năm 2017 so với năm 2016 và sẽ tiếp tục được cải thiện hơn nữa trong năm 2018. Trong một báo cáo công bố ngày 26/9, Fitch Ratings cũng đánh giá, hoạt động các ngân hàng Việt sẽ tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm 2018 nhờ vào chất lượng tín dụng và khả năng sinh lời tốt hơn.
Rõ ràng, việc hệ thống ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế - hoạt động an toàn hiệu quả sẽ là điểm tựa vững chắc để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định trong thời gian tới.
Trong khi đó, việc tín dụng tăng thấp hơn cùng kỳ cũng được giới chuyên gia đồng tình đánh giá là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh áp lực lạm phát năm nay cao hơn nhiều so với các năm trước. Bên ngoài giá nhiều loại hàng hóa cơ bản, đặc biệt là dầu thô tăng cao cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Trong khi việc Fed liên tục tăng lãi suất và dự báo sẽ còn tăng tiếp 1 lần nữa vào cuối năm nay và 3 lần trong năm 2019 càng tạo thêm sức ép đến tỷ giá và lạm phát tại nhiều nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Chưa hết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang càng khiến cho diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu, kéo theo đó là lạm phát thêm khó lường. Trong khi trong nước việc giá xăng tăng nhanh theo đà tăng của giá xăng dầu thế giới, cộng thêm việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý theo lộ trình cũng tạo sức ép lớn đến lạm phát.
Rõ ràng, trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ không thể nghiêng về xu hướng nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng như những năm trước được mà NHNN đã linh hoạt chuyển hướng sang chính sách tiền tệ thận trọng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng được siết chặt hơn một chút, song vẫn đảm bảo đủ nguồn vốn cho nền kinh tế thực để hỗ trợ đà tăng trưởng.
Nhờ đó, nền kinh tế không chỉ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực mà lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm 2018 chỉ tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, vẫn nằm trong mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra là kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%. Đặc biệt, lạm phát cơ bản tháng 9/2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Trong một báo cáo được công bố mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Đáng chú ý theo cơ quan này, NHNN đã và đang điều hành tín dụng thận trọng nhằm hạn chế áp lực lạm phát và tạo dư địa ứng phó trước rủi ro suy giảm kinh tế trong các quý cuối năm.
“Lạm phát tăng chủ yếu do biến động của giá cả, không phải do tiền tệ và tổng cầu thay đổi. Do đó, những diễn biến này không có gì bất thường và chỉ là nhất thời”, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM nhìn nhận và khuyến nghị, không nên nới lỏng chính sách tiền tệ, tạo sức ép giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy