Dòng sự kiện:
Kỳ 2: Tuyển dụng ngân hàng - 'Xen canh gối vụ'
17/09/2014 09:19:10
ANTT.VN - Tiếp nối loạt bài về môi trường làm việc tại các ngân hàng thương mại, trong kỳ 2 này, ANTT&TT sẽ tiếp tục gửi tới quý bạn đọc những thông tin về công tác tuyển dụng nhân sự ngân hàng hiện nay.
 

Tin liên quan

Tích cực tuyển dụng

Sau làn sóng cắt giảm nhân sự trong năm 2013, bước sang năm 2014, hệ thống các ngân hàng thương mại lại ồ ạt tuyển người. Có những ngân hàng đăng tin tuyển dụng với số lượng lớn lên đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn nhân sự mỗi đợt.

Các ngân hàng tích cực tuyển dụng nhân sự trong năm 2014 (Ảnh: Internet)

Lướt qua trang tin tuyển dụng của các ngân hàng hay các diễn đàn việc làm ngành ngân hàng như ub.com.vn, bankcard.vn… những người quan tâm sẽ bắt gặp chi chít các tin tuyển người. Lượng tin tuyển dụng rất nhiều và số lượng nhân sự cần tuyển cũng rất lớn. Tuy nhiên, có thể thấy đại đa số nhu cầu tuyển dụng là về vị trí nhân viên tín dụng. Cũng có những danh sách tuyển người ở vị trí giao dịch viên, thẩm định viên, … nhưng với số lượng không nhiều, đặc biệt, với các vị trí “back office” như hỗ trợ, kế toán, quản trị thì gần như không có và nếu có thì chỉ tiêu cũng rất ít, với số lượng một vài người, đồng thời yêu cầu lại rất cao về trình độ và kinh nghiệm.

Chuyên viên quan hệ khách hàng (QHKH), chuyên viên tư vấn tài chính, cán bộ kinh doanh, nhân viên tín dụng… các chức danh nghề nghiệp trên, theo cách gọi của mỗi ngân hàng, đều để chỉ vị trí trực tiếp thực hiện công tác tìm kiếm khách hàng, mở rộng mạnh lưới kinh doanh, huy động, cho vay và bán các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.

Đối với các ứng viên chưa có nhiều năm kinh nghiệm và những sinh viên mới ra trường thì vị trí QHKH có lẽ là khả dĩ nhất để “apply” bởi số lượng tuyển rất lớn và yêu cầu hồ sơ chỉ ở mức vừa phải. Hầu hết các ngân hàng hiện nay chỉ đòi hỏi ứng viên tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chuyên nghành kinh tế cho vị trí này, một số ngân hàng còn chấp nhận cả sinh viên năm cuối và các sinh viên tốt nghiệp văn bằng ngoài khối kinh tế.

Quy trình thi tuyển được nhiều ngân hàng áp dụng hiện nay đó là loại hồ sơ, gặp mặt sơ tuyển, thi viết hoặc trắc nghiệm 3 nội dung (IQ, nghiệp vụ, tiếng anh) và phỏng vấn trực tiếp. Trong mẫu đơn ứng tuyển mà ngân hàng soạn thảo thường có thêm mục người tham chiếu, người quen biết trong các tổ chức tín dụng.... Thông qua bản ứng tuyển này, bộ phận nhân sự có thể bước đầu đánh giá được mối quan hệ của ứng viên (rất quan trọng để thực hiện chỉ tiêu doanh số), đồng thời cũng giúp ngân hàng tăng thêm nguồn data dữ liệu khách hàng tiềm năng.

Bên cạnh đó không thể không kể đến yếu tố ngoại hình, các nhà tuyển dụng ngân hàng thường khá quan tâm tới vẻ ngoài của mỗi ứng viên bởi vì một chuyên viên quan hệ khách hàng có lợi thế ngoại hình thường sẽ thuận lợi hơn trong tiếp xúc với khách hàng và liên hệ công tác.

Qua trao đổi với các ứng viên tham gia thi tuyển và phỏng vấn vào một ngân hàng tại khách sạn Cầu Giấy, phóng viên ANTT&TT được cho biết, khi tiến hành phỏng vấn các nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu ứng viên trình bày cụ thể kế hoạch kinh doanh và con số chỉ tiêu khả thi mà mình có thể đáp ứng được.

Tại ngân hàng T, mỗi ứng viên khi vượt qua vòng phỏng vấn sẽ được ký một hợp đồng thử việc có thời hạn 3 tháng. Trong thời gian thử việc, mỗi nhân viên cũng sẽ được áp một mức chỉ tiêu tương đương với nhân viên chính thức.

Với mức chỉ tiêu cao, khá vất vả để nhân viên thử việc có thể hoàn thành nhiệm vụ và được nhận vào làm chính thức. Cách thực hiện doanh số mà nhiều “banker” vẫn thường áp dụng hiện nay đó là mời gia đình và những người thân quen sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng mình. Tuy nhiên, số lượng mối quan hệ cũng có hạn, số khách hàng thực sự có nhu cầu và đủ khả năng đáp ứng yêu cầu chưa lớn mà áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng rất khốc liệt nên hiện tượng nhân viên ngân hàng không vượt qua được giai đoạn thử việc hay vào làm chính thức rồi mà không đáp ứng được doanh số, không chịu nổi áp lực công việc bị buộc nghỉ việc hoặc bỏ việc là khá phổ biến.


"Fresher"

Rất dễ để nhận thấy, bộ phận quan hệ khách hàng luôn là khu vực có nhiều biến động về mặt nhân sự nhất ở tất cả các ngân hàng. Theo như anh Biên, nhân viên của một chi nhánh ngân hàng trên đường Lê Ngọc Hân, ở ngân hàng anh nhiều khi số nhân viên mới vào còn chưa kịp kết thúc thời gian thử việc thì ngân hàng đã lại tuyển tiếp một nhóm mới toanh để sẵn sàng bù đắp, những nhân viên kiểu này vẫn thường được những người như anh gọi vui là “fresher”.

Xem mục “tổng hợp tin tuyển dụng” trên diễn đàn ub.com.vn mà dân ngân hàng vẫn thường chia sẻ, nhận thấy rằng nhiều ngân hàng đăng tin tuyển dụng liên tiếp, cá biệt như ngân hàng V, từ tháng 6 đến giờ liên tục tuyển dụng chuyên viên quan hệ khách hàng, vừa “deadline” đợt tuyển này đã lại đăng ngay đợt tuyển mới.

Anh Hải (người mặc áo trắng, thứ 2, bên trái): "Từ giữa tháng 8 đến giờ tôi đã nhận được 3 thư mời dự tuyển từ các Ngân hàng". (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Cùng với đó, nhiều ngân hàng còn tiến hành tích hồ sơ dự trữ để gọi phỏng vấn dần dần; có những ứng viên nộp hồ sơ từ cuối tháng 5, mãi không được gọi, đùng 1 cái, sang đầu tháng 9 lại nhận được tin nhắn mời đi thi. Anh Hải, tốt nghiệp Học viện ngân hàng năm 2013, hiện đang công tác tại phòng Khách hàng của Ngân hàng BIDV chi nhánh Hồng Hà cho biết từ giữa tháng 8 tới giờ đã nhận được 3 thư mời dự tuyển từ các ngân hàng, trong đó có ngân hàng anh chưa bao giờ nộp hồ sơ.

Có thể nói, với cách tuyển dụng ồ ạt, liên tiếp như hiện nay, một số ngân hàng đang thực hiện chiến lược nhân sự theo kiểu “xen canh gối vụ”.

(Mời quý độc giả tiếp tục đón đọc kỳ 3)
 

Ninh Giang
 
 
 
 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến